19 năm sống với ung thư

TPO - Ông là Krzysztof Kolberger, một trong những diễn viên xuất chúng nhất của điện ảnh và sân khấu Ba Lan hiện đại. Suốt gần hai mươi năm, ông chiến đấu với căn bệnh ung thư hiểm nghèo để sống và diễn.

Căn bệnh mà ông mắc phải là ung thư thận, sau di căn sang gan. Ông đã qua nhiều cuộc phẫu thuật và các bác sĩ coi chuyện ông sống được đến ngày nay là điều thần kỳ. Đồng nghiệp thân thiết của ông, diễn viên nổi tiếng Jan Englert, nói rằng sau ca phẫu thuật đầu tiên diễn ra cách đây 18 năm, ông Krzysztof Kolberger “ốm đau một cách thầm lặng”, vì ông chiến đấu với bệnh tật một cách bí mật, chỉ có rất ít người biết và trong nghề nghiệp, không bao giờ vì bệnh tật mà ông cho phép mình diễn dưới khả năng. Người ta luôn gặp ông với nụ cười tươi tắn thường trực trên môi ngay cả khi bệnh tình nguy kịch.

Ông sinh ngày 13 tháng 8 năm 1950 tại Gdańsk, tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh Varsava và tham gia đóng phim lần đầu tiên vào năm 1974. Năm 1999, tuy đã mang trong mình căn bệnh hiểm nghèo, ông vẫn được đạo diễn Ba Lan nổi tiếng, Andrzej Wajda, mời tham gia đóng vai Adam Mickiewicz trong bộ phim sử thi Pan Tadeusz. Ông là một trong số những nhân vật chính cuốn sách của Marzenna Graff-Oszczepalinska, viết theo thể loại nhật ký, kể về cuộc gặp gỡ của mình với cái thiện đích thực luôn ẩn chứa trong mỗi con người.

Krzysztof Kolberger suốt thời gian dài là người chiến thắng bệnh tật để không chỉ tồn tại gần 20 năm mà còn lao động nghề nghiệp với đúng nghĩa của cụm từ này. Có được điều kỳ diệu đó chính vì ông là con người của một ý chí sắt đá và một quan niệm sống lạc quan, yêu đời. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn, ông lý luận: “Ai đó đã từng nói rằng một khi chúng ta còn thở tức là chúng ta đang sống. Mà một khi chúng ta đang sống thì chúng ta phải biết tận hưởng niềm vui cuộc sống“. Và nhờ quan niệm đó, ông luôn cố gắng sống một cuộc sống bình thường, sống thật nhẹ nhàng. Ông nói: “Tôi không bao giờ coi tôi là một người bệnh”. 19 năm trước, ông biết mình bị ung thư thận, sau di căn sang gan. Ông đã trải qua nhiều lần phẫu thuật. Các bác sĩ điều trị thường trách ông hay nói sai sự thật về bệnh tình của mình theo hướng nói tốt hơn so với thực tế. Ông lý luận: “Ung thư là căn bệnh mà người ta vẫn có thể chung sống. Một khi nó không nể nang gì mình thì mình phải chiến đấu không khoan nhượng với nó”. Cũng trong cuộc phỏng vấn mà ông đã nói câu nói nổi tiếng trên đây, ông cũng đã khẳng định rằng ông đã quen gọi căn bệnh ung thư là “anh bạn”. – Toàn bộ cuộc chiến nằm ở chỗ làm sao để anh bạn kia đừng bành trướng, đừng mở mang bờ cõi của mình – ông nói đùa.

Với bệnh tật ông tếu táo thế, nhưng với nghề nghiệp ông lại vô cùng nghiêm túc. Công việc chính là thứ giúp ông quên đi căn bệnh hiểm nghèo ông đang mang trong người. Có lẽ vì thế ông không ngừng hoạt động chuyên môn một cách tích cực, chủ động. Ông đóng phim, diễn kịch, đảm nhiệm các vai diễn trong phim dài tập. Ông nói: “Tôi được giáo dục theo hướng luôn ý thức trách nhiệm cao trước bản thân, gia đình và những việc mình làm. Điều đó cũng là động lực sống của tôi. Làm sao có thể sống thiếu trách nhiệm với người khác, sống như thế thì sống làm gì? – ông đưa ra câu hỏi này trong một lần trả lời phỏng vấn. Và như ông nói, khi làm việc, ông thấy trong người khỏe khoắn hơn nhiều.

“Khi tôi biểu diễn trong nhà hát, khi tôi đọc thơ, làm gì đó để ghi âm, ghi hình hay có cuộc gặp gỡ với khán giả, tôi rất tập trung cho công việc. Điều này có tác dụng trị bệnh: tôi quên đi bệnh tật” – ông lý giải trong bài trả lời phỏng vấn nguyệt san Viva. Các bạn đồng nghiệp của ông cũng đã khẳng định điều này. Đối với  ông, một thái độ sống như vậy là hiển nhiên, bởi vì nó là kết quả của một quan niệm đúng đắn về thế giới, về cuộc đời. Thái độ này ông đã bày tỏ trong lần trả lời nhật báo Cộng hòa khi ông công khai trước tất cả mọi người về bệnh tình của mình với mong muốn những người cùng cảnh ngộ có một bằng chứng sống về cuộc chiến giành sự sống.

Những năm cuối đời, ông hay được báo chí phỏng vấn với tư cách con người điển hình trong cuộc chiến chống lại bệnh tật để sống và lao động nghề nghiệp bình thường. Những câu chuyện ông kể, những lời tâm sự của ông thật cảm động. Sau đây là trích đoạn một số cuộc trả lời phỏng vấn đó của ông.

“Tôi muốn nêu một tấm gương để mọi người soi chung về chuyện với bệnh ung thư ta có thể tuyên chiến”

Khi bị bệnh, tôi được biết có những người tiếp nhận thông tin mình bị ung thư như nghe tuyên án tử hình, sau đó tinh thần hoảng loạn, chẳng muốn chữa chạy gì, không muốn đối mặt với nó, chống lại nó, đôi khi thậm chí còn không muốn đi khám để khỏi phải nghe những thông tin xấu. Điều tối quan trọng là phải xác định thái độ với bệnh tật. Vì thế tôi công khai kể lại với mọi người việc tôi xoay xở với bệnh tật ra sao. Tôi muốn nêu một tấm gương để mọi người soi chung về chuyện với bệnh ung thư, ta có thể tuyên chiến và ra khỏi cuộc chiến với tư cách người chiến thắng. Tôi cũng muốn nói rằng các cuộc khám nghiệm nhằm mục đích phòng ngừa là rất quan trọng. Cần phải làm cho mọi người ý thức rõ rằng việc khám nghiệm sớm không chỉ tránh được bệnh tật mà còn tránh được cái thời điểm khi mọi chuyện đã trở nên quá muộn cả về việc chữa trị lẫn sự can thiệp của thầy thuốc.

“Tôi đã uống cồn và thường xuyên uống nó với nước lã”

Đã có lúc tôi nghĩ là bệnh tật đã bị đẩy lui. Cuộc phẫu thuật thành công, tôi thấy mình khỏi bệnh hoàn toàn. Nhưng một số tế bào ung thư, loại được liệt vào nhóm “gan lì”, vẫn sống sót và mãi sau mươi mười lăm năm mới tấn công trở lại ở những chỗ khác. Tôi đã lần lượt trải qua hai cuộc phẫu thuật, nhưng bệnh ung thư vẫn còn đó trong người tôi, mặc dù sự phát triển của nó đã bị ngăn chặn – đây là những lời ông kể năm 2007 với chiếc đồng hồ và một nắm xi-lanh tiêm và rất nhiều loại thuốc trong tay. – Tôi áp dụng chế độ dinh dưỡng rất phức tạp nên suốt ngày phải tính toán xem cái gì được ăn và ăn bao nhiêu là đủ. - Ông Krzysztof Kolberger đã miêu tả tỉ mỉ cuộc sống của mình trong lúc vật lộn với bệnh tật. Nhưng trước đó cũng đã có những thời kỳ ông ít quan tâm đến sức khỏe của mình. – Chẳng hạn như có giai đoạn tôi có cảm giác rằng cồn là thức uống tốt nhất cho sức khỏe, cho nên tôi đã uống cồn và uống với nước lã – ông nhớ lại.

“Tôi giả vờ là tôi chẳng làm sao”

19 năm trước, khi tôi biết mình bị bệnh thì cũng là lúc chị gái tôi đang hấp hối. Tôi phải giữ kín chuyện mình bị bệnh. Tôi phải làm như chẳng có chuyện gì xảy ra. Không một ai trong gia đình biết là sau đó tôi đi mổ. Tôi cho rằng mọi người đã có bao nhiêu thứ chuyện phải lo, cho nên chẳng hay ho gì việc mình đầu độc họ thêm bằng những nỗi lo của riêng mình. Nếu tôi nói công khai về bệnh tình của tôi thì cũng chẳng qua là vì tôi cố gắng để những gì tôi nói ra có một ý nghĩa nào đó, mang lại cho ai đó điều gì có lợi – nam diễn viên này đã khẳng định như vậy trong cuộc trò chuyện với ông Piotr Najsztub ở nguyệt san Viva.

“Tôi thần tượng Giáo hoàng, không phụ thuộc vào việc tôi theo đạo hay không”

Trả lời câu hỏi liên quan đến quan niệm của mình về cái chết, Krzysztof Kolberger cho biết: “Có thể không hoàn toàn là tôi cười cợt nó, bởi vì đây không phải là đề tài để nói đùa, nhưng tôi nghĩ về cái chết một cách thanh thản”. Ông cũng có quan niệm riêng rất sâu sắc về tôn giáo. – Tôi là người thần tượng Giáo hoàng Giăng Pôn II, không phụ thuộc vào chuyện tôi có theo đạo hay không. Nhưng có mấy sự kiện xảy ra trong đời đã khiến tôi nghiêng về đức tin rằng cuộc đời của chúng ta không kết thúc trên mặt đất này. Đơn giản là có những thứ nhất định tôi đang trải qua, giống như thực vật lấy từ không khí, từ nước cái gì đó không gọi tên được – ông đã nói như vậy khi trả lời nguyệt san Viva.

Nói về việc mình đóng phim, trình diễn thơ, ông quan niệm: “Thơ nâng tôi lên tầm cao tốt đẹp hơn của cuộc đời. Tương tự như vậy, nhà hát, phim ảnh, sách báo và các cuộc tham quan bảo tàng cũng biến chúng ta thành những người tốt hơn, giúp chúng ta quên đi những khó khăn đời thường, giúp chúng ta dừng lại chốc lát trong dòng chảy những bận rộn thời hiện đại – đây cũng là những lời ông nói trong cuộc trả lời phỏng vấn nguyệt san Viva.

TS. Nguyễn Chí Thuật
Tri Thức Trẻ

Theo Đăng lại