15 câu hỏi cho phụ nữ sau sinh

TP - Theo khuyến cáo chung, sau khi sinh được 6 tuần sản phụ nên đi kiểm tra sức khỏe toàn bộ cơ thể để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân. Dưới đây là 15 đáp án cho những câu hỏi mà sản phụ luôn thắc mắc.

1. Chu kỳ kinh nguyệt sẽ thay đổi?

Thông thường 6 tuần khi sinh con, chu kỳ kinh nguyệt ở phụ nữ sẽ trở lại bình thường và không có những xáo trộn đáng kể.

Trường hợp nếu không có kinh trở lại hoặc có những bất thường như ra quá nhiều hoặc quá ít, thì nên đi tư vấn khám bác sĩ.

2. Có thể đeo băng vệ sinh âm đạo?

Trong thực tế thì hầu hết phụ nữ sau khi sinh làm việc này nhưng theo khuyến cáo thì trong những tuần đầu sau khi sinh không nên đặt băng nơi âm đạo.

Lý do, chậu hông và cổ tử cung vẫn còn mở, nhau thai vẫn chưa trở về trạng thái bình thường nên nguy cơ viêm nhiễm rất cao. Việc đeo băng vệ sinh có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm.

Tuy nhiên về sau việc đeo băng vệ sinh được xem là phương án tốt nhất để bảo vệ vùng kín, nhưng quan trọng vẫn là vấn đề bảo đảm vệ sinh, bông băng phải sạch sẽ và thay thường xuyên.

3. Chảy máu âm đạo kéo dài bao lâu?

Dù sinh đẻ kiểu gì chăng nữa thì sau khi sinh máu vẫn tiết rỉ nơi âm đạo. Lý do, lớp lót thành dạ con không cần tới nữa.

Màu sắc có thể thay đổi từ đỏ tươi sang màu nâu hồng và đến ngày thứ 10 thì có màu vàng và sẽ dừng hẳn sau 3-4 tuần.

Nên nói cho bà đỡ hoặc bác sĩ biết khi dịch sản có mùi hôi (giống như khi hành kinh) hoặc trường hợp ra nhiều kèm theo cục đông máu thì nên đi khám để hạn chế nguy cơ mất máu.

4. Vì sao có hiện tượng sưng nơi âm đạo?

Trong thực tế có những trường hợp sau khi sinh âm đạo sưng to, đau nhức khó chịu.

Để khắc phục nên dùng nước đá chườm trong thời gian vài ngày sau sinh, đồng thời thực hiện tốt một số khuyến cáo sau:

- Mặc quần rộng và mang băng vệ sinh

- Thay băng thường xuyên để hạn chế viêm nhiễm

- Nhằm hạn chế táo bón cần tăng cường rau xanh hoa quả, uống nhiều nước, đặc biệt là ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ

- Nên vận động nhẹ nhàng hoặc luyện tập các bài thể thao nhẹ, như đi bộ, hoặc các bài tập theo khuyến cáo của chuyên môn để giúp cơ thể thích nghi dần với cuộc sống và hạn chế đau sau khi sinh.

5. Khi nào thì chu kỳ hành kinh bắt đầu trở lại?

Nếu không cho con bú thì chu kỳ hành kinh của sản phụ sẽ bắt đầu xuất hiện sau 2 đến 4 tuần sau khi sinh. Trường hợp cho con bú thì chu kỳ hành kinh sẽ tái trở lại khi trẻ được cai sữa.

6. Khả năng mang thai trước khi có kinh?

Ngay sau khi sinh, trước khi có kinh khả năng mang thai ở phụ nữ rất cao, vì vậy cần chú ý để tránh bị vỡ kế hoạch, có thể tư vấn bác sĩ dùng các phương pháp tránh thai hoặc phương pháp phù hợp mà cả hai đều thống nhất.

7. Mổ đẻ có làm chảy máu nơi âm đạo?

Thông thường hiện tượng chảy máu nơi âm đạo ở những người mổ đẻ cũng ngang bằng những người sinh đẻ bình thường. Lý do như đã đề cập, lớp lót thành dạ con đã hoàn thành nhiệm vụ, bong ra nên máu vẫn rỉ ra theo con đường âm đạo để thoát ra ngoài.

8. Trong thời gian cho con bú kinh nguyệt ra nhiều, tại sao?

Điều này là bình thường và thực tế có rất nhiều phụ nữ khi đang nuôi con kinh nguyệt vẫn ra nhiều.

Lý do khi nuôi con hormone tiết ra để kích thích thành dạ con co bóp và đây cũng là lý do tại sao việc nuôi con bằng sữa mẹ lại tốt, giúp cơ thể phụ nữ nhanh trở lại trạng thái bình thường, tốt cả cho mẹ lẫn con.

9. Vì sao hiện tượng kinh nguyệt không đều trong thời gian cho con bú?

Trong một ngày lượng kinh nguyệt phụ nữ có thể biến thiên, tăng lên sau khi nằm xuống rồi đứng lên hoặc ra ít hơn khi ngủ ban đêm và đột nhiên tăng mạnh vào lúc ngủ dậy, nhất là đứng dậy vào buổi sáng, đây là lý do gây nên bởi trọng lực.

Nếu nuôi con bằng sữa mẹ thì lưu lượng tăng lên khi cho trẻ bú, thậm chí có cả cục đông máu nhỏ, nếu xuất hiện hiện tượng này nên tư vấn bác sĩ để khắc phục.

10. Vì sao có mùi tanh khi đi vệ sinh?

Đây là hiện tượng bình thường vì khi sinh con xung quanh miệng mở của âm đạo còn bị xước và khi nước tiểu chảy qua sẽ gây mùi tanh. Để khắc phục, nên chú ý:

- Luôn giữ vệ sinh nơi âm đạo, rửa sạch và lau khô

- Thay băng vệ sinh thường xuyên để tránh viêm nhiễm

- Sau khi đi vệ sinh nên dùng nước rửa sạch sẽ sau đó lau khô.

- Tăng cường uống nước để giảm nồng độ nước tiểu.

Nếu sau vài ngày không mất mùi thì rất có thể bị viêm đường ống nước tiểu, nên đi khám và điều trị sớm.

11. Sinh đôi, sinh ba có bị mất máu nhiều?

Cho dù sinh đôi, sinh ba thì lượng máu rỉ ra sau khi sinh cũng không kéo dài quá 3-4 giờ, nếu quá thời gian trên cần báo ngay cho bác sĩ biết.

12. Làm gì để không bị rách chỉ nếu khi sinh phải mổ?

Nhiều trường hợp khi sinh phải mổ kể cả thủ thuật rạch âm đạo và sau đó khâu lại nên gây đau trong vài ngày. Các mũi khâu này không cần phải cắt chỉ tự nó sẽ biến mất, nhưng để tránh viêm nhiễm, sản phụ cần:

- Giữ cho vết mổ khô ráo, sạch sẽ

- Thay băng thường xuyên để tránh viêm nhiễm

- Sau khi đi vệ sinh cần rửa sạch, lau khô

- Sau khi tắm nên dùng máy sấy tóc sấy khô.

- Trong vài ngày sau khi sinh nếu đau dùng nước đá để chườm nhằm hạn chế nguy cơ sưng

- Mặc quần bông rộng

- Ăn nhiều thực phẩm giàu chất xơ, uống nhiều nước để chống táo bón

- Trường hợp mổ bụng thì giữ vệ sinh vết mổ sạch sẽ

- Nên tập một số bài tập thể dục nhẹ nhàng giúp máu lưu thông tốt

- Nếu vết khâu sưng đau thì nên đi khám bác sĩ

13. Làm gì khi máu ra nhiều kèm theo cục đông máu?

Ngoài việc giữ vệ sinh cá nhân, khi máu ra nhiều kèm theo cục máu đông thì nhất thiết phải đi khám và điều trị càng sớm càng tốt.

14. Cách khắc phục bệnh táo bón sau khi sinh?

Mặc dù không mắc bệnh đường ruột nhưng phần lớn phụ nữ sau khi sinh thường bị táo bón. Hiện tượng này kèm theo các vết khâu đau làm sản phụ sợ đi đại tiện vì ngại đau.

Để hạn chế nguy cơ táo bón nên uống nhiều nước, tăng cường luyện tập và bổ sung thực phẩm giàu chất xơ. Nếu cần có thể tư vấn bác sĩ dùng thuốc giảm đau như Paracetamol hoặc theo khuyến cáo cụ thể của chuyên môn.

15. Kiểm tra sức khỏe 6 tuần sau khi sinh

Thông thường sau khi sinh được 6 tuần sản phụ nên đi kiểm tra sức khỏe toàn bộ cơ thể để biết được tình trạng sức khỏe của bản thân, nội dung kiểm tra bao gồm:

- Kiểm tra bụng để xem dạ con đã trở về trạng thái nguyên thủy chưa

- Nếu mổ đẻ thì kiểm tra hiện trạng vết mổ

- Kiểm tra khu vực giữa âm đạo và hậu môn nếu phải qua thủ thuật rạch âm đạo khi sinh

- Tư vấn về kế hoạch hóa gia đình sau khi sinh, đặc biệt là các phương pháp tránh thai, kể cả những phụ nữ đang cho con bú

- Kiểm tra tình trạng thể chất và tinh thần để ngăn ngừa nguy cơ mắc bệnh trầm cảm sau khi sinh

- Ngoài kiểm tra sản phụ ,bác sĩ có thể kiểm tra sức khỏe của đứa trẻ để tư vấn những việc cần làm nhằm tăng cường sức khỏe cho cả hai. 

Khắc Nam
Theo Net/RB- 8/2009