Vi khuẩn Deinococcus radiodurans được nhà nghiên cứu Arthur Anderson tại Trạm Thí nghiệm Nông nghiệp Oregon (Mỹ) phát hiện năm 1956 trong một hộp thịt.
Các nghiên cứu khoa học đều cho thấy Deinococcus radiodurans là một trong những sinh vật kháng bức xạ mạnh nhất từng được biết đến. Nó có thể tồn tại trong môi trường lạnh, mất nước, chân không và axit. Nhờ những đặc tính này mà loài vi khuẩn này được ghi danh trong Sách Kỷ lục Thế giới Guinness là vi khuẩn sống dai nhất thế giới.
Nhưng cho đến tận năm 2015, các nhà khoa học mới phát hiện thêm khả năng sống sót ngoài không gian của Deinococcus radiodurans, biến loài này thành sinh vật gần như "bất tử".
Chịu được bức xạ cao gấp 3.000 lần con người?
Nhà khoa học Akihiko Yamagishi cùng đồng nghiệp tiến hành nhiệm vụ Tanpopo, nghĩa là "bồ công anh" trong tiếng Nhật, nhằm tìm hiểu khả năng sinh tồn của vi khuẩn Deinococcus trên Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS).
Deinococcus có khả năng tồn tại trong môi trường axit, trong điều kiện lạnh giá và thiếu nước. Chúng có thể chịu được lượng bức xạ cao gấp 3.000 lần mức gây chết người. Các chuyên gia phát hiện chúng lần đầu tiên trong một hộp thịt đã trải qua quá trình tiệt trùng bằng bức xạ. Deinococcus có thể tập trung thành khối với kích thước hơn 1 mm.
Mục đích của nhiệm vụ Tanpopo là kiểm tra giả thuyết Panspermia. Theo giả thuyết này, vi sinh vật có thể di chuyển từ hành tinh này đến hành tinh khác và phát tán sự sống. Để tiến hành nhiệm vụ, nhóm chuyên gia chuẩn bị những khối vi khuẩn với độ dày khác nhau và đặt vào trong lỗ của các khay nhôm. Các khay này sau đó được gắn bên ngoài trạm ISS. Nhóm nghiên cứu thu thập dữ liệu trên khay sau từng năm. Thí nghiệm diễn ra trong thời gian từ năm 2015-2018.
Sau thí nghiệm, nhóm nghiên cứu tiến hành kiểm tra các khối vi khuẩn. Kết quả là tình trạng của chúng phụ thuộc vào độ dày. Những khối vi khuẩn lớn hơn 0,5 mm sống sót một phần và chịu một số tổn thương ADN. Vi khuẩn ở mặt ngoài chết, nhưng chúng tạo ra một lớp bảo vệ cho những cá thể bên trong, đảm bảo duy trì sự tồn tại của khối.
Có thể sống “bất tử” ngoài không gian
Theo ước tính của các nhà khoa học, khối vi khuẩn dày hơn 0,5 mm có thể sống sót 15-45 năm ngoài trạm ISS ở quỹ đạo Trái Đất thấp. Họ cũng dự đoán, khối vi khuẩn với đường kính hơn 1 mm có khả năng sống sót đến 8 năm ngoài vũ trụ.
"Kết quả nghiên cứu cho thấy vi khuẩn kháng bức xạ Deinococcus có thể sống sót trong hành trình từ Trái Đất tới sao Hỏa và ngược lại", Nhà khoa học Yamagishi nói. Ông cho rằng việc tìm kiếm sự sống trên sao Hỏa rất quan trọng trước khi đưa người tới hành tinh này. Vi khuẩn từ Trái Đất có thể làm sai lệch thông tin về sự sống trên sao Hỏa.
Yamagashi cùng đồng nghiệp dự định tiến hành thêm các thí nghiệm về vi sinh vật trên trạm vũ trụ Lunar Gateway của NASA trong tương lai. Lunar Gateway là dự án trạm vũ trụ hoạt động trên quỹ đạo Mặt Trăng, có mục đích hỗ trợ các nhiệm vụ đưa con người trở lại Mặt Trăng và nhiệm vụ khám phá không gian sâu.