1001 thắc mắc: Dãy Himalaya hình thành thế nào, mỗi năm nó cao thêm bao nhiêu?

TPO - Himalaya là dãy núi trẻ nhất thế giới về lịch sử địa chất, đây cũng là dãy núi có đỉnh núi cao nhất thế giới. câu hỏi đặt ra là dãy Himalaya  được hình thành như thế nào, mỗi năm nó cao thêm bao nhiêu?

Himalaya hay còn gọi là Hy Mã Lạp Sơn là một dãy núi ở châu Á, phân chia tiểu lục địa Ấn Độ khỏi cao nguyên Tây Tạng. hệ thống núi Himalaya là dãy núi cao nhất hành tinh và là nơi của 14 đỉnh núi cao nhất thế giới: các đỉnh cao trên 8.000 m, bao gồm cả đỉnh Everest.

Để thấy được kích thước khổng lồ của những dãy núi trong dãy Himalaya, hãy so với Aconcagua, trong dãy Andes, với độ cao 6.962 m, là đỉnh cao nhất bên ngoài Himalaya, trong khi hệ thống núi Himalaya có trên 100 núi khác nhau vượt quá 7.200 m.

Dãy Himalaya trải khắp 7 quốc gia: Bhutan, Trung Quốc, Ấn Độ, Nepal, Pakistan, Myanma và Afghanistan. Nó cũng là nơi khởi nguồn của 3 hệ thống sông lớn trên thế giới, đó là lưu vực các sông như sông Ấn, sông Hằng-Brahmaputra và sông Dương Tử. Khoảng 750 triệu người sống trên lưu vực của các con sông bắt nguồn từ dãy Himalaya, tính luôn cả Bangladesh.

Khoảng 300 triệu năm trước, Trái đất từng tồn tại một siêu lục địa cổ đại được gọi là "Gondwanaland". Trong Đại Trung sinh (250-65 triệu năm trước), nó tách ra thành các lục địa, vùng đất mà chúng ta biết đến hiện nay như Châu Phi, Úc, Nam Mỹ, Nam Cực, Madagascar và Ấn Độ. Điều này đánh dấu sự chia cắt các đại dương trên thế giới để hình thành Đại Tây Dương, Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương.

Trong khoảng 100 triệu năm trước, một vùng đất tách ra khỏi lục địa Phi và di chuyển về phía Đông. Vào thời điểm đó, Ấn Độ chỉ là một hòn đảo nổi trên đại dương Tethys. Trong 85-90 triệu năm tiếp theo, Ấn Độ tách khỏi Madagascar và trôi dạt về phía đông bắc. Nó di chuyển với tốc độ trung bình 18 - 19 cm mỗi năm cho đến khi được bồi tụ vào lục địa Á - Âu.

Khoảng 50 - 60 triệu năm trước, quá trình tiến lên phía bắc của mảng Ấn Độ chậm lại đáng kể, chỉ còn khoảng 4 - 6 cm mỗi năm. Sự chậm lại cho thấy rằng sự va chạm ban đầu giữa châu Á và Ấn Độ đã bắt đầu.

Các lục địa và lớp vỏ đại dương trên Trái đất được cấu tạo bởi các mảng đá vụn lớn và bất thường khác nhau, được gọi là các mảng kiến tạo. Các mảng thạch quyển bao gồm 15 - 20 mảng kiến tạo chuyển động va chạm với nhau ở tốc độ khác nhau thông qua quá trình đối lưu. Sự chuyển động và phân tách của các mảng như vậy được gọi là chuyển dịch kiến tạo.

Cách đây khoảng 50 triệu năm, mảng Ấn Độ đã đóng kín hoàn toàn đại dương Tethys, sự tồn tại của đại dương này được xác định thông qua các đá trầm tích lắng đọng trên đáy đại dương, và các núi lửa ở rìa của nó. Vì các trầm tích này nhẹ nên nó được nâng lên thành núi thay vì chìm xuống đáy đại dương.

Sự va chạm của mảng Ấn Độ với mảng Á-Âu dọc theo ranh giới giữa Ấn Độ và Nepal đã tạo thành một đai kiến tạo để sinh ra cao nguyên Thanh Tạng và dãy núi Himalaya, do các loại trầm tích đại dương đã chụm lại giống như đất trước khi bị vùi lấp. Ấn Độ tiếp tục di chuyển theo chiều ngang bên dưới cao nguyên Thanh Tạng làm cho cao nguyên này nâng lên.

Himalaya là dãy núi trẻ nhất thế giới về lịch sử địa chất. Đặc điểm đặc trưng nhất là hiện nay nó vẫn hoạt động. Theo ước tính, tốc độ nâng lên cao nhất của Himalaya là 1 cm mỗi năm. 

Theo các nghiên cứu gần đây, dãy Himalaya trong tương lai sẽ phải đối mặt với tình trạng khủng hoảng nước bởi nó là điểm đến phổ biến của rất nhiều người trên thế giới. Mực nước ngầm ở đây đã xuống đến mức nguy cấp. Để đối phó với tình trạng căng thẳng về nước đang diễn ra, cần quy hoạch tốt các đô thị miền núi. Nepal đã thành công trong việc này bằng cách phân định các khu vực đô thị nhằm tiết kiệm nước cho hệ sinh thái.

Hiện nay, mảng Ấn Độ vẫn đang di chuyển về phía bắc với tốc độ khoảng 5 cm mỗi năm. Điều này khiến cho mảng Á - Âu bị biến dạng trong khi mảng Ấn Độ bị nén với tốc độ 4 mm mỗi năm. Nó làm cho dãy Himalaya được nâng cao khoảng 5 mm mỗi năm (tối đa 1cm/năm). Sự chuyển động của mảng Ấn Độ vào mảng Á - Âu cũng gây ra các hoạt động địa chấn như động đất thường xuyên ở khu vực này.

Những loài động vật tuyệt đẹp trên núi tuyết Himalaya

 Cừu hoang brahal

 
Cừu brahal sống ở những khu vực núi cao từ 1.200 đến 1.800 m trên dãy Hymalaya, chúng còn được người Nepal gọi Naur. Cừu brahal có một cặp sừng lớn và màu lông xám xanh giúp chúng hòa mình vào môi trường xung quanh. Đây là chiến thuật tuyệt vời giúp chúng trốn tránh các loài thú săn mồi như báo tuyết.

Cừu brahal sống chủ yếu thành từng đàn khoảng 10 con, chúng thích đi lang thang trên những dãy núi cao nơi có nhiều cỏ. Đôi khi chúng còn ăn cả những thảo mộc và cây bụi trên núi cao.

Chim trĩ Himalaya
 
Chim trĩ Himalaya hay Himalaya Monal là loài chim tuyệt đẹp nhiều màu sắc trong gia đình gà lôi. Loài chim này có thể được tìm thấy ở Afghanistan, Nepal và miền Bắc Ấn Độ. Chúng được coi là quốc điểu của Nepal. Chim trĩ Himalaya thường sống ở những vùng rừng hỗn hợp có độ cao từ 2.100 đến 4.500 m.

Chim trống thường có màu lông rất sặc sỡ gồm nhiều màu khác nhau như xanh da trời, xanh lá cây, tím, đỏ. Chúng còn được gọi là chim chín màu vì bộ lông sặc sỡ này. Chiếc mào màu xanh trên đầu là đặc điểm thú vị của chim trĩ Himalaya trống. Khác với con trống, con mái thường chỉ có một màu duy nhất là màu nâu đen và chúng cũng có mào giống con trống.

Gấu trúc đỏ
 
Gấu trúc đỏ là loài động vật có vú, kích thường bằng khoảng một con mèo nhà và có chiếc đuôi rất lớn. Chúng được tìm thấy trong những khu rừng ôn đới của dãy Himalaya. Theo Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên Quốc tế thì gấu trúc đỏ là một loài bị đe dọa. Chỉ có ít hơn 10.000 con gấu trúc đỏ còn lại trên thế giới do mất môi trường sống, phân mảnh và săn trộm.

Gấu trúc đỏ có chiều dài 20-25 inch và trọng lượng 4-62 kg. Chúng có bộ lông dài màu nâu đỏ rất hấp dẫn. Đặc điểm dễ nhận thấy nhất của gấu trúc đỏ là cái đuôi dài rậm rạp có chiều dài từ 11-20 inch. Đuôi lớn của chúng cũng có một vòng sáng và tối xen kẽ.

Báo tuyết

Báo tuyết là loài động vật tuyệt vời nhất được tìm thấy trên dãy Himalaya. Chúng đặc biệt thích nghi với môi trường sống khắc nghiệt trên dãy núi này. Bộ lông xám của chúng có thể giúp chống chọi lại sự lạnh giá của dãy Hymalaya. Bộ lông cũng làm nên vẻ đẹp hút hồn của chúng.

Vào mùa hè, báo tuyết có thể được tìm thấy ở độ cao từ 2500-6000 m. Vào mùa đông, chúng sẽ xuống tầng dưới của những ngọn núi. Những con báo tuyết là loài săn mồi mạnh mẽ, chúng chủ yếu săn cừu brahal và thỏ rừng.