100% phụ nữ mang thai sẽ được xét nghiệm HIV miễn phí

Đây là một trong những nội dung mới, có tính nhân văn cao đã được Quốc hội biểu quyết thông qua trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS).
Tư vấn dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con. Ảnh: Thùy Chi

Tại khoản 1, Điều 35 của Luật quy định: “Phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV theo yêu cầu chuyên môn được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả đối với người có thẻ Bảo hiểm y tế và phụ nữ mang thai tự nguyện xét nghiệm HIV thuộc các trường hợp khác thì được miễn phí”.

Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, khi 100 bà mẹ mang thai dương tính HIV, trước đây chúng ta chưa xét nghiệm hoặc chưa có phương pháp điều trị thì có tới 35 cháu sinh ra cũng sẽ có kết quả dương tính với HIV.

Nhưng sau khi chúng ta triển khai các chương trình xét nghiệm cũng như vấn đề về điều trị thì con số này giảm một cách rõ rệt, có thể dự phòng được cho khoảng 99,5% các cháu sinh ra từ bà mẹ nhiễm HIV không bị dương tính.

Tuy nhiên, do những hạn chế về nguồn lực nên thời gian qua, chúng ta chưa triển khai được việc này một cách rộng khắp. Chúng ta phải nhờ vào nguồn lực hỗ trợ của cộng đồng quốc tế, cũng như huy động sự đóng góp của cộng đồng. Việc chi trả kinh phí cho xét nghiệm này hiện nay thực hiện chưa thống nhất và chưa đảm bảo.

Trước đây, kinh phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai chủ yếu dựa vào nguồn hỗ trợ quốc tế, nhưng hiện nay các nhà tài trợ không hỗ trợ cho hoạt động này nữa.

Mặt khác, hàng năm tổng ngân sách nhà nước cấp khoảng 120 tỷ đồng cho toàn bộ các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS, trong đó riêng nhu cầu xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai. Nhưng đã có khoảng 1,6 triệu phụ nữ mang thai cần xét nghiệm HIV hai lần trong một năm, với mức tiền là 54.000 đồng cho một lần.

Như vậy, tổng kinh phí cần để xét nghiệm này là khoảng trên 172 tỷ đồng. Nếu chỉ dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp thì sẽ không đảm bảo.

“Chúng tôi nghiên cứu và xin đề nghị Quốc hội cho phép sửa là đối với tất cả những phụ nữ mang thai có thẻ bảo hiểm y tế thì được Bảo hiểm y tế thanh toán. Hiện nay chúng ta có khoảng 90% người dân đã có thẻ bảo hiểm y tế, số 10% còn lại cũng như phần đồng chi trả sẽ do ngân sách nhà nước chi trả. Như vậy, chúng ta đảm bảo được 100% phụ nữ mang thai sẽ được miễn phí trong việc xét nghiệm HIV, đảm bảo tính công bằng cũng như tiếp cận đối với việc dự phòng lây truyền từ mẹ sang con"- ông Long nói.

Theo đó, Luật đã bổ sung một số đối tượng có hành vi nguy cơ cao được ưu tiên tiếp cận thông tin, giáo dục, truyền thông về phòng, chống HIV/AIDS; mở rộng sự tham gia của người nhiễm HIV và người có hành vi nguy cơ cao trong một số biện pháp phòng, chống HIV/AIDS như cung cấp dịch vụ tư vấn và xét nghiệm sàng lọc HIV; bổ sung biện pháp điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV để tăng tiếp cận và hiệu quả phòng ngừa lây nhiễm HIV cho người có nguy cơ phơi nhiễm, người phơi nhiễm HIV.

Bên cạnh đó, Luật cũng giảm độ tuổi được yêu cầu xét nghiệm HIV tự nguyện xuống 15 tuổi để bảo đảm phù hợp với tình trạng thực tế lây nhiễm HIV trong nhóm trẻ hiện nay, giúp phát hiện, điều trị sớm và thực hiện các biện pháp dự phòng lây nhiễm ra cộng đồng. Bổ sung đối tượng được tiếp cận thông tin của người nhiễm HIV để phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, giám sát dịch tễ và phòng, ngừa nguy cơ lây nhiễm HIV.

Đồng thời, xác định nguồn chi trả chi phí xét nghiệm HIV cho phụ nữ mang thai để đảm bảo tính khả thi và nguồn lực thực hiện chính sách. Xác định nguồn tài chính cho phòng, chống HIV/AIDS để bảo đảm thực hiện các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS với mục tiêu chấm dứt dịch bệnh AIDS tại Việt Nam.