10 HLV Ngoại hạng Anh thành công nhất thời còn làm cầu thủ

Guardiola từng nổi danh trong màu áo Barca, nhưng sự nghiệp cầu thủ của ông không rực rỡ bằng Ronald Koeman.

Ronald Koeman - Everton. HLV người Hà Lan từng là một cầu thủ thành công ở cả sự nghiệp CLB lẫn đội tuyển. Koeman khởi nghiệp ở Eredivisie - giải vô địch Hà Lan, khoác áo Ajax rồi PSV từ năm 1983 đến 1989. Ông vô địch Cup C1 (tiền thân của Champions League) năm 1988 trong màu áo PSV. Năm 1992, ông giành vinh quang này lần thứ hai khi chơi cho Barca.

Ông là HLV duy nhất tại Ngoại hạng Anh từng giành danh hiệu lớn ở cấp độ đội tuyển, với chức vô địch Euro 1988 cùng đội tuyển Hà Lan. Koeman có 78 lần khoác áo "Cơn lốc màu da cam", ghi 14 bàn thắng.

Các danh hiệu của Koeman khi còn thi đấu: Eredivisie (1984-1985, 1986-1987, 1987-1988, 1988-1989), Cup Quốc gia Hà Lan (1985-1986, 1987-1988, 1988-1989), La Liga (1990-1991, 1991-1992, 1992-1993, 1993-1994), Cup Nhà Vua Tây Ban Nha (1989-1990), Siêu Cup Tây Ban Nha (1991, 1992, 1994), Cup C1 (1987-1988, 1991-1992), Siêu Cup châu Âu (1992), Euro (1988).

Pep Guardiola - Man City. Trước khi trở thành một HLV hàng đầu thế giới, Guardiola từng là cầu thủ trụ cột của Barca và giành nhiều danh hiệu. Ông vô địch Cup C1 1992 và giành sáu danh hiệu La Liga, trước khi chuyển sang khoác áo Brescia, Roma và Al-Ahli vào giai đoạn cuối sự nghiệp. Ở cấp độ đội tuyển, ông góp mặt ở World Cup 1994, Euro 2000. Guardiola có 47 lần khoác áo đội tuyển Tây Ban Nha, ghi năm bàn. Ông từng giành huy chương vàng Olympic 1992. 

Các danh hiệu của Guardiola khi còn thi đấu: La Liga (1990-1991, 1991-1992, 1992-1993, 1993-1994, 1997-1998, 1998-1999), Cúp Nhà Vua (1996-1997, 1997-1998), Siêu Cup Tây Ban Nha (1991, 1992, 1994, 1996), Segunda Division B (1990-1991), Cup C1 (1992), Cup C2 (1996-1997), Siêu Cup châu Âu (1992, 1997), HC vàng Olympic 1992. 

Mark Hughes - Stoke. HLV người xứ Wales có một sự nghiệp thành công tại Man Utd và từng khoác áo Barca, Bayern Munich. Ông giành hai chức vô địch Ngoại hạng Anh, bốn Cup FA và một Cup C2 (tiền thân của Europa League). Ở cấp độ đội tuyển, Hughes nằm trong top 10 cầu thủ có số lần khoác áo và ghi bàn nhiều nhất cho Xứ Wales. Ông có 72 lần ra sân, ghi 16 bàn. Tuy nhiên, Hughes chưa lần nào được dự giải đấu lớn.
Các danh hiệu của Mark Hughes khi còn thi đấu: Ngoại hạng Anh (1992-1993, 1993-1994), Cup FA (1984-1985, 1989-1990, 1993-1994, 1996-1997), Cup Liên đoàn (1991-1992, 1997-1998, 2001-2002), Siêu Cup Anh (1990, 1993, 1994), Cup C2 (1990-1991), Siêu Cup châu Âu (1991).

Antonio Conte - Chelsea. Conte là huyền thoại của CLB Juventus. Ông khoác áo đội bóng này hơn 400 trận từ khi chuyển đến năm 1991. Trước đó, Conte đá cho Lecce. Conte thi đấu cho Juventus trong 13 năm, giành khá nhiều danh hiệu, trong đó có Champions League 1995-1996 và năm scudetto. Ở cấp độ đội tuyển, ông có 20 lần khoác áo tuyển Italy, ghi hai bàn, nhưng không giành được danh hiệu lớn nào, chỉ hai lần về nhì ở World Cup 1994 và Euro 2000.

Các danh hiệu của Conte khi còn thi đấu: Serie A (1994-1995, 1996-1997, 1997-1998, 2001-2002, 2002-2003), Coppa Italia (1994-1995), Siêu Cup Italy (1995, 1997, 2002, 2003), Champions League (1995-1996), Cup UEFA (1992-1993), Siêu Cup châu Âu (1996), Intertoto Cup (1999), Cup Liên lục địa (1996).

Aitor Karanka - Middlesbrough. Karanka dành phần lớn sự nghiệp thi đấu ở Tây Ban Nha trong màu áo Athletic Bilbao, đội B của CLB này trước khi chuyển đến Real Madrid năm 1997.

Ông thi đấu ở sân Bernabeu trong năm năm, chủ yếu với vai trò dự bị. Tuy nhiên, đây là thời gian mang về cho Karanka nhiều danh hiệu, bao gồm ba chức vô địch Champions League. 

Ở cấp độ đội tuyển, Karanka chỉ một lần khoác áo tuyển Tây Ban Nha ở trận đấu với Armenia thuộc vòng loại Euro năm 1995.

Các danh hiệu của Karanka khi còn thi đấu: La Liga (2000-2001), Siêu Cup Tây Ban Nha (1997, 2001), Champions League (1997-1998, 1999-2000, 2001-2002), Cup Liên lục địa (1998). 

Mauricio Pochettino - Tottenham. Pochettino bắt đầu sự nghiệp ở Newell's Old Boys, đội bóng mà Lionel Messi, Diego Maradona và Gabriel Batistuta từng khoác áo.
Năm 1994, ông chuyển đến Tây Ban Nha thi đấu cho Espanyol trước khi có giai đoạn thi đấu thành công ở Pháp trong màu áo PSG và Bordeaux. Cuối cùng, Pochettino về chơi cho Espanyol và kết thúc sự nghiệp ở đây.
Ở cấp độ đội tuyển, Pochettino có 20 lần khoác áo đội tuyển Argentina, ghi hai bàn. Ông ra sân cả ba trận của đội tuyển tại World Cup 2002, nơiArgentina bị loại ngay từ vòng bảng.
Các danh hiệu của Pochettino khi còn thi đấu: vô địch quốc gia Argentina (1990-1991), Clausura (1992), Cup Nhà Vua Tây Ban Nha (1999-2000, (2005-2006).

Claude Puel - Southampton. Puel khởi nghiệp ở CLB Castres FC. Sau đó, ông được AS Monaco phát hiện và chiêu mộ năm 1977. Từ đó, ông thi đấu cho đội bóng này đến lúc giải nghệ. Puel khoác áo Monaco 601 lần.
Các danh hiệu của Claude Puel khi còn thi đấu: Ligue 1 (1981-1982, 1987-1988), Cup Quốc gia Pháp (1980, 1985, 1991), Siêu Cup Pháp (1985), Coppa delle Alpi (1979, 1983, 1984).

Slaven Bilic - West Ham. Bilic từng thi đấu ở Anh cho West Ham và Everton. Tuy nhiên, thời gian thành công nhất trong sự nghiệp cầu thủ của ông là khi khoác áo Hajduk Split, nơi ông giành nhiều danh hiệu. Bilic có 44 lần khoác áo đội tuyển Croatia, ghi ba bàn. Ông góp công đưa đội bóng này về thứ ba ở World Cup 1998.

Các danh hiệu của Slaven Bilic khi còn thi đấu: Cup Quốc gia Nam Tư (cũ) (1990-1991), vô địch Croatia (1992), Cup Quốc gia Croatia (1992-1993, 1999-2000).

Mike Phelan - Hull City. Từng thi đấu nhiều năm cho các đội hạng dưới là Burnley và Norwich, Phelan giúp Norwich thăng hạng trước khi chuyển đến Man Utd năm 1989. Ông thi đấu ở sân Old Trafford trong năm năm, vô địch Ngoại hạng Anh mùa giải 1992-1993 và giành Cup C2 châu Âu mùa giải 1990-1991. Các danh hiệu của Mike Phelan khi còn thi đấu: Ngoại hạng Anh (1992-1993), Cup FA (1989-1990), Cup Liên đoàn (1991-1992), Siêu Cup Anh (1990), vô địch Division Two (1985-1986), vô địch Division Three (1981-1982), Cup C2 (1990-1991).

Alan Pardew - Crystal Palace. Pardew (trái) khởi nghiệp ở một CLB nghiệp dư. Năm 1987, ông gia nhập Crystal Palace và giúp đội này thăng hạng, lên giải hạng nhất Anh (khi đó chưa có Ngoại hạng Anh). Đỉnh cao sự nghiệp của ông là vào năm 1990, khi ghi bàn quyết định giúp Palace đánh bại Liverpool ở hiệp phụ trận bán kết Cup FA. Sau khi rời Palace, Pardew thi đấu cho Charlton và Barnet, ông có một thời gian ngắn đá cho Tottenham dưới dạng cho mượn.

Theo Theo Vnexpress