Theo báo cáo nhanh của cơ quan chức năng tỉnh Long An, toàn tuyến biên giới mỗi ngày lượng xăng dầu "chảy" qua Campuchia ước tính trên 300.000 lít, trong đó 80% là dầu DO, còn lại xăng A92.
Lượng xăng dầu buôn lậu ở tỉnh Long An tập trung chủ yếu ở 3 huyện biên giới thuộc khu vực Đồng Tháp Mười là Tân Hưng, Mộc Hoá, Vĩnh Hưng. Vĩnh Hưng có 47 km đường biên giới, chạy qua 5 xã, nhưng có tới 33 cây xăng dầu, trong đó buôn lậu nhiều nhất là 2 xã Khánh Hưng và Hưng Điền A.
Riêng xã Hưng Điền A có tới 8 cây xăng, "nóng" nhất là ấp Tà Nu. Ở trung tâm ấp này chỉ có vài chục nóc nhà mà có tới 3 cây xăng rất bề thế, cách biên giới - cây xăng gần nhất 150 mét, xa nhất chưa đầy 500 mét.
Theo cơ quan chức năng, ở Tà Nu có trên 10 đầu nậu chuyên thu gom xăng dầu từ các cây xăng về, sau đó thuê cửu vạn chở đến điểm tập kết tại kênh biên giới rồi dùng dây thừng buộc vào can thả trên mặt nước kéo qua Campuchia. Thời gian hoạt động của chúng chủ yếu về đêm, từ 20 giờ hôm trước đến sáng hôm sau.
Không riêng gì ở Long An, sau khi tăng giá hoạt động buôn lậu xăng dầu ở các tỉnh biên giới Tây Nam vẫn không hề suy giảm. Từ Hồng Ngự (Đồng Tháp), qua Tân Châu, An Phú, Tịnh Biên (An Giang) đến Kiên Lương (Kiên Giang) ban ngày có vẻ bình yên, nhưng đêm xuống là thế giới của giới buôn lậu.
Dọc bờ kênh Vĩnh Tế đoạn cách đồn biên phòng cửa khẩu Tịnh Biên vài chục mét về hướng An Nông, hàng đêm xăng dầu tập kết thành bãi lớn mấy chục can, chờ người đến chuyển sang Campuchia, bán với giá 15.000-16.000 đồng/lít.
Do lợi nhuận cao, nên việc buôn lậu xăng dầu hiện nay không chỉ có người dân sở tại mà dân nhiều địa phương khác cũng kéo về biên giới tham gia, thậm chí cả người dân Campuchia sống dọc biên giới.
Ngược đường với "dòng chảy" xăng dầu xuất lậu qua biên giới, đường cát lậu nhập vào Việt Nam ngày một nhiều. Những ngày gần đây giá đường cát liên tục tăng. Tháng 5, giá đường bán tại các chợ ĐBSCL dao động ở mức 11.000-13.000 đồng/kg.
Ở TPHCM, theo Chi cục Quản lý thị trường, giá đường bán lẻ 13.000 đồng/kg, thậm chí có nơi tăng giá bán lên 13.500 đồng/kg (tuỳ loại), tăng 700 - 1.000 đồng/kg so với tháng trước.
Nguyên nhân là do vụ ép năm 2005-2006, tất cả 37 nhà máy đường chế biến được khoảng 970.000 tấn, hụt so với tổng nhu cầu tiêu thụ cả năm khoảng 370.000 tấn.
Giá đường càng cao, đường lậu tràn vào càng nhiều. Hiện tại, đường cát nhập lậu ào ạt qua biên giới Tây Nam với số lượng từ hàng trăm tấn đến cả ngàn tấn/ngày. Đường ngoại nhập có mức chênh lệch giá so với đường nội 700-1.000 đồng/kg, 1 bao đường chỉ cần đưa qua biên giới họ thu lời 25-50.000 đồng, mỗi ngày chở vài chuyến bỏ túi hàng trăm ngàn đồng.
Đường lậu đang chiếm lĩnh thị trường dọc các tỉnh biên giới Tây Nam và đổ bộ về các chợ đầu mối ở Tp.HCM ngày một nhiều. Tại An Giang, hàng lậu đang làm đau đầu các ngành chức năng.
Từ chợ Tân Châu ngược lên cửa khẩu Vĩnh Xương, hàng lậu "vô tư" đi giữa ban ngày. Đường cát Thái Lan lấy từ Omxano (Campuchia) xe máy chở 4-5 bao (50 kg/bao), xe đạp 2-3 bao, hoặc xé nhỏ ra 20-30 kg/bao vác băng qua đồng.
Tại Vĩnh Ngươn (thị xã Châu Đốc), đối diện với Gò Tà Mau (Campuchia)- túi chứa hàng lậu - chỉ cần sơ hở một chút là dân buôn lậu tuồn hàng qua rất nhanh và lập tức "hoà tan" vào chợ Châu - Đốc rất khó phát hiện.
Theo thống kê sơ bộ, trong quí I/2006 hải quan An Giang đã bắt được số hàng lậu trị giá 3,5 tỷ đồng, trong đó có 21 tấn đường, tăng gần gấp 10 lần so với năm ngoái. Ngoài ra còn bắt giữ 4 kg vàng và 99.000 USD xuất lậu.
Giải thích về tình trạng buôn lậu xăng dầu gia tăng, ông Phạm Huỳnh Quang, quyền Chi cục trưởng Chi cục hải quan Bình Hiệp, Mộc Hoá (Long An) cho rằng lực lượng hải quan của Chi cục quá mỏng, nên 3 tháng đầu năm 2006, mặc dù buôn lậu xăng dầu ồ ạt nhưng Chi cục chỉ bắt được 1.200 lít xăng dầu qua biên giới (!).
Đó là chưa nói tới cơ chế xử lý các đối tượng buôn lậu còn chưa đủ mạnh. Theo Nghị định 49, khi bắt đối tượng buôn lậu chỉ xử lý hành chính phạt từ 300-500.000 đồng và giao trả người, hàng và phương tiện.
Với mức lãi 3-5.000 đồng/lít xăng, bọn buôn lậu chẳng những còn "đất sống" mà chúng còn "sống khoẻ", tiếp tục buôn lậu rầm rộ hơn.
Hai là, còn thiếu sự phối hợp giữa chính quyền xã và các ngành chức năng: hải quan, biên phòng, quản lý thị trường... nên việc kiểm tra, kiểm soát mang lại hiệu quả rất ít.
Thứ trưởng Bộ Thương mại Phan Thế Ruệ, Phó trưởng Ban chỉ đạo Chống buôn lậu và gian lận thương mại cũng đã có văn bản gửi 13 tỉnh biên giới, các bộ: Công an, Tài chính, Quốc phòng và các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu đầu mối đề nghị tăng cường quản lý các hoạt động xuất lậu xăng dầu qua biên giới...
Theo Hồ Khánh Thiện
Vneconomy