Cần đột biến
Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Thành Biên, năm 2010 là năm vàng với gạo Việt Nam khi lượng xuất khẩu lên tới 6,8 triệu tấn. Đây là con số rất có ý nghĩa khi trong suốt 6 tháng đầu năm gạo Việt Nam mất giá thê thảm. Với cách điều hành quyết liệt, yêu cầu không xuất khẩu dưới giá sàn, trong chưa đầy 5 tháng, giá gạo từ 370 USD tăng lên 480 USD/tấn.
“Trước đây chúng ta luôn bị chỉ trích về giá thấp hơn các hàng xuất khẩu của Thái Lan tới cả trăm USD, nay giá một số mặt hàng xuất khẩu của ta đã ngang của họ. Với cà phê chúng ta cũng vô hiệu hóa được chính sách ghìm giá của các nhà nhập khẩu” - Ông Biên nói.
Theo ông Biên, năm 2011 xuất khẩu cần có những đột biến mới. Đã qua thời kỳ “vơ quàng vơ xiên” cho đủ kế hoạch để chuyển sang ổn định lâu dài. Ngành nông lâm thủy sản dù trải qua một năm rất vất vả nhưng vẫn đạt hiệu suất cao. Tuy nhiên, gần đây ngành này có những dấu hiệu cho thấy có nhiều vấn đề cần quan tâm như số lượng cá tra, cá basa sụt giảm mạnh.
Điều đáng lo nữa là khi tình hình sẽ diễn biến đảo chiều, khi chúng ta có thị trường rồi nhưng hàng hóa lại không đảm bảo chất lượng. Cùng với đó phải tính phương án bù đắp cho các mặt hàng sẽ có sự giảm mạnh xuất khẩu trong năm 2011, riêng than đá dự kiến giảm 5 triệu tấn.
Giảm lượng, tăng chất
Ông Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng điều lo nhất của các doanh nghiệp thủy sản năm 2011 là khó khăn về vốn và lãi suất cao. Ngành thủy sản trong những năm qua giá trị và khối lượng xuất khẩu luôn dẫn đầu nhưng giá trị gia tăng rất ít.
“Thúc ép tăng trưởng xuất khẩu năm sau cao hơn năm trước thì rất khó. Muốn kiếm được nhiều tiền hơn với sản lượng xuất khẩu thấp hơn thì phải đầu tư chuyên sâu hơn. Vì vậy Hiệp hội xin phép được lùi chiến lược để có những chiến thuật phát triển mới. Bước lùi về lượng nhưng giá trị tăng là được” - Ông Dũng nói.
Ông Nguyễn Tôn Quyền, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cũng cho biết, 2010 các doanh nghiệp trong ngành đã xuất khẩu được trên 1,1 tỷ USD, tăng 700 triệu USD so với năm 2009.
“Từ trước đến nay ngành gỗ Việt Nam bán hàng theo giá FOB là chính. Tức là gỗ chuyển đến cảng tàu là doanh nghiệp hết việc. Như vậy giá xuất khẩu rất thấp. Từ năm tới thí điểm bán gỗ theo giá CIF. Điều này khiến doanh nghiệp mệt hơn nhưng lợi nhuận sẽ cao hơn” - Ông Quyền nói.
Năm 2010 doanh nghiệp trong nước xuất khẩu 32,8 tỷ USD trong khi khối doanh nghiệp nước ngoài xuất khẩu 33,8 tỷ (không tính xuất dầu thô). Đây là lần đầu tiên doanh nghiệp FDI vượt doanh nghiệp trong nước 1 tỷ USD về xuất khẩu.