Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định trang web tại địa chỉ https://app.chuanqd.com hoàn toàn không phải của EVN cũng như của bất cứ đơn vị thành viên nào của EVN. Trang web này đã sử dụng một số nội dung, hình ảnh, logo có thể gây hiểu nhầm là ấn phẩm thông tin thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, có khả năng ảnh hưởng đến quyền lợi của khách hàng khi sử dụng các thông tin tại trang web này.
Hiện nay, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) chỉ sở hữu các trang web tại địa chỉ: http://www.evn.com.vn và http://tietkiemnangluong.vn. Do vậy, EVN kính đề nghị các khách hàng sử dụng điện khi có yêu cầu bất kỳ dịch vụ nào của EVN chỉ tra cứu thông tin tại các địa chỉ: http://www.evn.com.vn và http://tietkiemnangluong.vn hoặc liên hệ các Trung tâm Chăm sóc khách hàng thuộc các Tổng công ty Điện lực để được hỗ trợ.
“Tập đoàn Điện lực Việt Nam xin được thông tin tới các Quý khách hàng sử dụng điện được biết về trang web giả mạo thương hiệu EVN nêu trên. Tập đoàn Điện lực Việt Nam rất mong tiếp tục nhận được sự ủng hộ và ý kiến góp ý của khách hàng sử dụng điện về các hoạt động sản xuất kinh doanh để Tập đoàn tiếp tục hoàn thiện hơn nữa, đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của xã hội trong công tác dịch vụ khách hàng”, Đại diện EVN cho hay.
Ngoài việc giả mạo trang web, tình trạng mạo danh cán bộ, nhân viên ngành điện cũng xuất hiện trong thời gian gần đây. Cuối tháng 5 vừa qua, Tổng Công ty Điện lực TP HCM (EVNHCMC) cũng phải lên tiếng cảnh báo tình trạng giả danh nhân viên điện lực gọi điện thoại cho khách vì mục đích xấu tiếp tục tái diễn và có chiều hướng gia tăng.
Theo Trung tâm Chăm sóc khách hàng EVNHCMC, gần đây trung tâm liên tục nhận được cuộc gọi của khách hàng phản ánh việc nhiều số điện thoại lạ, giả danh nhân viên Tập đoàn Điện lực Việt Nam, nhân viên EVNHCMC thông báo nợ tiền điện với giá trị lớn hoặc vi phạm sử dụng điện, đe dọa cắt điện và yêu cầu cung cấp thông tin, đóng tiền…
Có trường hợp khách hàng tiếp tục nghe cuộc gọi thì kẻ giả danh yêu cầu bấm số để gặp công an, gặp lãnh đạo ngành điện… (cũng là giả mạo). Nếu khách hàng gọi ngược lại vào các số này thì đều không liên lạc được.
Bên cạnh đó, hiện trên mạng xã hội, một số trang web, kể cả tổng đài mạo danh, cũng đã xuất hiện nhiều số điện thoại không đúng của ngành điện nhưng vẫn tiếp nhận và trả lời các thông tin, thắc mắc về điện của khách hàng nhằm trục lợi phí cước điện thoại. Khi gọi đến các số điện thoại này, khách hàng sẽ bị tính phí rất cao (5.000 - 8.000 đồng/phút) mà không được giải đáp thông tin hoặc giải quyết các yêu cầu về điện.
Thậm chí, có trường hợp, đối tượng làm giả thông báo tạm ngưng cung cấp điện (do khách hàng chưa thanh toán tiền điện đúng hạn) của ngành điện nhưng xóa thông tin, xóa số điện thoại, xóa chỉ số tiêu thụ điện… và ghi số điện thoại mạo danh để liên hệ.
Để tránh bị lừa đảo, ngành điện TP HCM đề nghị khách hàng nêu cao tinh thần cảnh giác, tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân khi nhận cuộc gọi của đối tượng nghi ngờ giả danh điện lực nhưng không nói rõ tên hoặc nói không đúng địa bàn quản lý của công ty điện lực, thông báo tiền điện tăng cao bất thường, yêu cầu bấm số gặp công an, nhân viên tư vấn… hoặc thông tin không rõ ràng, minh bạch. Tuyệt đối không cung cấp số tài khoản, mật khẩu hay thực hiện thanh toán tiền điện cho người lạ, không chuyển tiền vào các tài khoản cá nhân để tránh bị lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Đồng thời, khách hàng cần thông báo ngay cho EVNHCMC qua Tổng đài 1900545454 để xác nhận lại thông tin và giúp ngành điện thống kê và báo cáo cơ quan chức năng xử lý kịp thời.
Luật sư Nguyễn Minh Cường – Trưởng Văn phòng Luật sư Nguyễn Cường và cộng sự (Hà Nội) cho biết, thời gian gần đây, có rất nhiều các cuộc gọi lừa đảo được thực hiện vô cùng tinh vi. Các đối tượng lừa đảo thường giả danh cơ quan Công an, Tòa án và cả ngành Điện lực để dọa nạt, đánh vào tâm lý hay lo sợ của người dân để chiếm đoạt tài sản. Mặc dù các cơ quan chức năng, báo chí đã nhiều lần tuyên truyền về hình thức lừa đảo này, tuy nhiên vẫn có nhiều người bị những đối tượng này lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Cường, theo quy định của pháp luật, tùy vào mức độ vi phạm, hành vi lừa đảo thông qua việc mạo danh là nhân viên Điện lực, hay tổng đài ngành Điện để chiếm đoạt tài sản, có thể bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cụ thể, theo khoản 1 Điều 15 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác có thể bị xử phạt hành chính, mức phạt tiền đến 02 triệu đồng.
Hành vi gọi điện lừa đảo qua điện thoại có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Căn cứ Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người phạm tội có thể bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu lừa đảo số tiền từ 02 đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 02 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt vi phạm hành, đã phạm tội này chưa được xóa án tích mà còn vi phạm…
Ngoài ra, tội này còn quy định các khung hình phạt tăng nặng khác như: Phạt tù từ 2 – 7 năm khi thuộc một trong các trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50 đến dưới 200 triệu đồng; phạt tù từ 7 – 15 năm nếu chiếm đoạt tài sản trị giá từ 200 đến dưới 500 triệu đồng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh. Nặng nhất, người phạm tội còn có thể bị phạt tù từ 12 – 20 năm hoặc tù chung thân nếu chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên hoặc lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp.