Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lập cơ sở làm ăn tại nước ngoài sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện mở rộng thị trường, đồng thời doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận với khoa học công nghệ cao, học hỏi những ứng dụng trong công nghệ thông tin, từ đó nâng dần năng lực cạnh tranh.
Dự kiến năm 2013 này, vốn đăng ký đầu tư ra nước ngoài đạt khoảng 1 – 1,5 tỷ USD; vốn thực hiện sẽ khoảng 900 triệu USD đến 1 tỷ USD.
Hòa vào xu hướng hội nhập
Hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài chính thức khởi động từ năm 1989, với cột mốc đầu tiên là dự án liên kết giữa đối tác Việt Nam và một đối tác của Nhật Bản với số vốn đăng ký là 563.380 USD. Ở giai đoạn đầu của xu hướng được xem là những bước thăm dò cơ hội.
Vì vậy, trong giai đoạn từ 1989 – 1998 cả nước chỉ có 12 dự án đăng kí ra nước ngoài đầu tư. Tình hình cải thiện hơn khi bước sang giai đoạn từ 1999-2005, trong thời gian này làn sóng đi đầu tư ở nước ngoài bắt đầu nhiều, theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư có 128 dự án đăng kí trong 6 năm này.
Song, nếu nói về số lượng và quy mô của dự án đầu tư ra nước ngoài phải nhắc đến giai đoạn 2006 - 2012. Tính từ 2006 - 9/2012, có 578 dự án được cấp phép đầu tư ở nước ngoài.
Điểm đến của các nhà đầu tư Việt Nam, ngoài các thị trường lân cận, quen thuộc như Lào, Campuchia, Nga, doanh nghiệp đã đi tới cả những quốc gia vốn đang là các nhà đầu tư lớn tại Việt Nam như Nhật Bản, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Singapore, Australia, châu Âu, châu Mỹ Latinh...
Những năm vừa qua, làn sóng đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ. Theo số liệu báo cáo của Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính lũy kế đến 20/12/2012 đã có 712 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký đạt 12,4 tỷ USD.
Đến nay, Việt Nam đã đầu tư vào 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong năm 2012, có 75 dự án đầu tư mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 1,3 tỷ USD tại 28 quốc gia và vùng lãnh thổ. Lũy kế đến hết năm 2012, vốn thực hiện ước đạt khoảng 3,8 tỷ USD. Riêng năm 2012 vốn thực hiện đạt khoảng 1,2 tỷ USD, tăng 28% so với năm 2011.
Trong bối cảnh hội nhập nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp luôn nỗ lực để khẳng định năng lực bản thân và qua hoạt động của công ty xây dựng nên hình ảnh chung cho cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam.
Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã từng bước đi vào nề nếp, có một số dự án đã bước đầu thành công và đã chuyển lợi nhuận về nước.
Xu hướng đầu tư ra nước ngoài đang có sự gia tăng đáng kể vào những địa bàn phù hợp với định hướng đầu tư ra của Việt Nam như Lào, Campuchia, Myanmar... và vào những ngành, lĩnh vực chiến lược Việt Nam có kinh nghiệm như dầu khí, thủy điện, trồng cây công nghiệp, viễn thông,... Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đã tạo ra việc làm cho hàng nghìn lao động Việt Nam và hàng vạn lao động của nước tiếp nhận đầu tư.
Đến nay, đầu tư ra nước ngoài ở nhiều lĩnh vực đã đạt được nhiều thành công như lĩnh vực dầu khí, bưu chính viễn thông.
Như thông tin mà ông Đỗ Nhất Hoàng, Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài công bố, một số dự án ở lĩnh vực dầu khí, viễn thông và cao su của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở các nước đã bước đầu gặt hái kết quả và chuyển lợi nhuận về nước với nguồn lợi nhuận khoản 430 triệu USD.
Trải qua từng năm với những bước đi cẩn thận nhưng tính đa dạng của hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài cũng thể hiện khá rõ nét về thị trường đầu tư đa dạng, về ngành nghề, về quy mô, hình thức đầu tư, về các thành phần kinh tế và loại hình doanh nghiệp tham gia đầu tư.
Đến nay, Chính phủ đã ban hành các Nghị định quy định về hoạt động đầu tư ra nước ngoài. Hành lang pháp lý quy định về hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài ngày càng được hoàn thiện và đầy đủ hơn, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp mở rộng địa bàn kinh doanh khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động đầu tư ra nước ngoài sẽ tiếp tục cải thiện.
Phát huy tối đa những lợi thế
Theo định hướng của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sẽ có cơ chế đặc thù đối với hoạt động đầu tư sang các nước lân cận và Việt Nam có nhiều lợi thế đẩy mạnh hoạt động, khai thác thị trường như Lào, Campuchia.
Những năm qua, Campuchia và Lào là một trong những địa điểm đầu tư được các doanh nghiệp Việt Nam chú ý bởi thuận lợi về mặt địa lý sẽ bổ trợ tích cực cho các hoạt động sản xuất kinh doanh ở trong nước.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến hết tháng 9/2012, Việt Nam đã có 222 dự án được cấp phép đầu tư tại Lào với tổng vốn đăng kí đầu tư là 3,8 tỷ USD.
Còn, như số liệu của Hội đồng Phát triển Campuchia, từ 1994 đến 2012, doanh ngiệp Việt Nam đã đầu tư trên 1,5 tỷ USD vào Campuchia trong tổng vốn 50 tỷ USD FDI của 2.000 dự án đã được Campuchia cấp phép.
Tập đoàn cao su Việt Nam (VRG) đang đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia. Từ năm 2007, tập đoàn bắt đầu tiến hành khảo sát và hướng tới trồng 100.000 ha cao su ở hai nước này.
Ông Huỳnh Trung Trực, Phó tổng giám đốc VRG cho biết, đến nay tập đoàn đang có 19 doanh nghiệp hoạt động tại Campuchia. Năm 2012, VRG đã trồng được 70.000 ha cao su và trồng mới 25.000 ha. Mục tiêu đến năm 2014 sẽ trồng đạt 100.000 ha. Tổng mức đầu tư các dự án trồng cao su ở nước ngoài là 1 tỷ USD.
Hiện, tập đoàn đã đầu tư được 400 triệu USD. Đến năm 2015, các dự án đầu tư của tập đoàn sẽ bắt đầu có kim ngạch xuất khẩu, và mức kim ngạch xuất khẩu đến 2020 ước đạt 400 triệu USD.
Nói đến đầu tư ở nước ngoài có thể nhắc đến Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL). Ngoài đầu tư các dự án cao su, đến thời điểm này, HAGL không chỉ là nhà đầu tư Việt Nam đầu tiên đầu tư vào lĩnh vực khách sạn và du lịch mà còn là nhà đầu tư nước ngoài lớn nhất (chiếm 26%) trong tổng vốn đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực khách sạn du lịch và trung tâm thương mại tại Myanmar.
Ngày 18/12/2012, HAGL đã kí kết hợp đồng Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao (BOT) và Hợp đồng thuê đất với Tổng cục Khách sạn du lịch Myanmar. Dự án có tổng diện tích 8 hecta, tọa lạc ngay trung tâm Cố đô Yangon, thành phố lớn nhất Myanmar với tổng mức đầu tư khoảng 300 triệu USD. Thời gian hoàn thành dự án từ 6 đến 7 năm nữa.
Theo kế hoạch, dự án sẽ được chia thành 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, từ năm 2013 – 2015, sẽ xây dựng trung tâm thương mại, tòa nhà văn phòng cho thuê 1 và khách sạn 5 sao. Giai đoạn 2 sẽ làm từ 2016 - 2018, gồm khu căn hộ cho thuê và tòa nhà văn phòng cho thuê 2.
Hiện nay, Myanmar là thị trường đang được nhiều doanh nghiệp chú ý.
Ông Trần Kim Chung, Chủ tịch C.T Group chia sẻ rằng, tại thị trường Myanmar, C.T Group phối hợp với Câu lạc bộ hàng Việt Nam chất lượng cao để đẩy mạnh việc đưa hàng Việt Nam thâm nhập thị trường này.
Theo đó, C.T Group đại diện cho 50 công ty tổ chức hệ thống phân phối theo hình thức truyền thống bao gồm chợ đầu mối, siêu thị và các cửa hàng; thứ hai là hình thức phân phối hiện đại với mô hình HomeShopping, hiện tại đang xin phép để hình thành dịch vụ này vận hành qua các thiết bị tivi, điện thoại và Internet. C.T Group liên doanh với công ty chuyên về dịch vụ HomeShopping hàng đầu thế giới để triển khai.
Ngoài ra, C.T Group đang triển khai đầu tư sản xuất sản phẩm bột mì và mì ăn liền tại Myanmar. Đồng thời cũng đang xúc tiến hai dự án bất động sản. Ông Chung cho rằng, Myanmar là thị trường tiềm năng với dân số 60 triệu người và hạ tầng giao thông khá tốt.
Nếu doanh nghiệp thật sự nỗ lực, có uy tín thì vào kinh doanh đầu tư tại Myanmar sẽ có cơ hội thành công và cạnh tranh tốt với những doanh nghiệp như Thái Lan và các nước khác trong khu vực đang đầu tư tại thị trường này. Vì vậy, C.T Group đang xem xét để mua lại hai công ty nhỏ tại thị trường Myanmar để mở rộng hoạt động.
Lĩnh vực dầu khí cũng được xem là thế mạnh của Việt Nam khi đầu tư ra ngoài nước. Tại Nga, Việt Nam là quốc gia nước ngoài duy nhất được nước bạn cấp phép tham gia các hoạt động thăm dò dầu khí.
Ông Maxim Golikov, đại diện Cơ quan đại diện thương mại Liên bang Nga tại Việt Nam cho biết, Công ty liên doanh TNHH RusVietpetro giữa Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Nga đã được thành lập, và cấp phép khai thác 4 mỏ tại khu tự trị Yamalo-Nenetsky và từ tháng 9/2010 đã bắt đầu bắt tay vào khai thác.
Theo báo cáo của PVN, tính đến hết quý III/2012, PVN đã đầu tư ra nước ngoài 5,28 tỷ USD, trong đó vốn đã chuyển ra nước ngoài để thực hiện là 1,81 tỷ USD. Hiện tại, PVN đang thúc đẩy công tác tìm kiếm, thăm dò nhiều dự án dầu khí ở một số quốc gia.
Công nghệ thông tin bưu chính viễn thông cũng là điểm sáng trong hoạt động đầu tư trực tiếp ra nước ngoài của Việt Nam, tiêu biểu nhất là hoạt động đầu tư của Tập đoàn viễn thông Quân đội (Viettel).
Như thông tin Viettel cho biết, với sự kiện Công ty Viettel Cameroun S.A.R.L (liên doanh giữa Viettel Global và Công ty Bestinver Cameroon S.A.R.L) đã thắng thầu giấy phép nhà cung cấp di động thứ 3 tại thị trường Cameroon đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho Viettel. Cameroon là thị trường nước ngoài thứ 7 mà Viettel đã bắt tay vào kinh doanh sau thị trường Campuchia, Lào, Haiti, Peru, Mozambique và Đông Timor.
Tìm kiếm những cơ hội mới, ở những thị trường mới là điều đáng khích lệ, tuy nhiên điều mà các chuyên gia muốn gửi đến các doanh nghiệp là hãy đi những bước chậm rãi để chắc chắn, cần tìm hiểu kĩ luật định, đường đi nước bước của nước bản địa dự định đầu tư để tránh những cú “ngã ngựa” sẽ rất đau.
Khi ra nước ngoài kinh doanh, việc kết nối với thương vụ Việt Nam ở nước sở tại là điều cần thiết, hiện tại mối quan hệ này còn lỏng lẻo. Bởi, khi đi đầu tư ở một nước lạ, doanh nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn như thiếu thông tin, thiếu nhân lực, hoạt động cấp phép chậm, điều kiện cơ sở hạ tầng chưa được cải thiện...
Theo Ái Vân
VnEconomy