Xôn xao chuyện làm ăn của Thiếu Lâm Tự

TP - Hoà thượng Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm, hôm 12/6, tới Thượng Hải (Trung Quốc) ký với Tập đoàn văn hoá truyền thông Văn Quảng Thượng Hải (SMG) hợp đồng hợp tác toàn cầu sản xuất phim hoạt hình “Thiếu Lâm Tự”.

Theo bản hợp đồng này, hãng SMG được Thiếu Lâm Tự ủy quyền sản xuất loạt phim hoạt hình về chùa với một khoản tiền khá lớn. Tập đầu sẽ ra mắt vào năm 2011.

Ông Hoa Dương - Chủ nhiệm Trung tâm truyền bá văn hoá Thiếu Lâm cho biết, phong cách của bộ phim này được xác định. Họ không định muốn thông qua câu chuyện kể đơn giản để giúp người xem khắp thế giới thưởng lãm được trí tuệ và cả sự thú vị của văn hóa Thiền.

Với lịch sử 1.500 năm, Thiếu Lâm Tự là sự kết hợp tinh túy của Thiền, Võ và Y, hình thành nên hệ văn hoá Thiếu Lâm Tự rộng lớn, tinh thâm và rất độc đáo, là đại diện tiêu biểu cho văn hoá Trung Quốc ra thế giới.

Hòa thượng Thích Vĩnh Tín cho rằng, Kungfu có thể thông qua ngôn ngữ cơ thể để biểu đạt tư tưởng và quan niệm của người Trung Quốc, là phương tiện chuyển tải tuyệt vời để đưa văn hóa Trung Quốc ra thế giới.

Trước đây, Thiếu Lâm Tự cũng tham gia sản xuất một số phim hoạt hình về ngôi chùa độc đáo này, nhưng chưa gây được sự chú ý của thế giới. Đó chính là nguyên nhân khiến lần này họ chọn Tập đoàn SMG làm đối tác làm ăn.

Ngoài ra, sự kiện Hoà thượng Thích Vĩnh Tín đặt may áo cà sa Vân cẩm bằng vàng thật đang gây xôn xao dư luận. Theo báo chí Trung Quốc, chiếc áo cà sa này trị giá tới 160 ngàn Nhân dân tệ (tương đương 23 ngàn USD), riêng số sợi vàng dùng để pha dệt áo ngốn 50 ngàn Nhân dân tệ.

Trên mạng Internet đã xuất hiện nhiều ý kiến chỉ trích cho rằng, các nhà sư sống quá xa hoa, mải làm ăn kinh doanh mà buông lỏng chuyện kinh sách...

Trước đây, Hoà thượng Thích Vĩnh Tín cũng bị chỉ trích vì cho làm những phòng vệ sinh xa hoa, tốn tới 430 ngàn USD, nhận quà tặng xe hơi, thuê vệ sĩ bảo vệ Thiếu Lâm Tự, đi đâu cũng được đưa rước như đế vương...

Trước phản ứng mạnh của dư luận, Hoà thượng Thích Vĩnh Tín lên tiếng. Ông nói: Cà sa Vân cẩm là do Viện Nghiên cứu Vân cẩm Nam Kinh dệt tặng chứ không phải ông đặt làm, và “Cà sa Vân cẩm là của quý, được sưu tập để trưng bày chứ không phải để mặc”.

Thu Thủy tổng hợp