Xoài Đồng Tháp xuất khẩu đạt gần 2.700 tỷ đồng

TPO - Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu ngành hàng xoài Đồng Tháp ước đạt khoảng 2.680 tỷ đồng; xuất sang nhiều thị trường như: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore.

Ngày 28/4, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội thảo “Nâng cao giá trị và phát triển bền vững ngành hàng xoài”.

Ngành hàng nông sản nghìn tỷ

Ông Lê Quốc Điền - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp - cho biết, xoài là 1 trong 5 ngành hàng được chọn thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Tỉnh phát triển các vùng sản xuất tập trung có sự liên kết sản xuất, tiêu thụ, đảm bảo đầu ra để người dân yên tâm sản xuất, thu hút các doanh nghiệp lớn tham gia chuỗi liên kết, ổn định đầu ra cho sản phẩm.

Ông Lê Quốc Điền, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Đồng Tháp phát biểu tại hội nghị. Ảnh: An Bình

Bên cạnh đó, Đồng Tháp đang tập trung ứng dụng công nghệ, số hóa dữ liệu về diện tích, năng suất, mùa vụ, giá bán, tiêu chuẩn GAP, chất lượng sản phẩm tích hợp vào cơ sở dữ liệu ngành nông nghiệp phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và công tác quản lý.

Hiện nay, Đồng Tháp có khoảng 14.000 ha xoài. Các nhà vườn từng bước sử dụng phân hữu cơ và bao trái, giảm việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật cũng như thực hiện cho ra hoa rải vụ, cho trái quanh năm.

Để đáp ứng yêu cầu của thị trường xuất khẩu, Bộ NN&PTNT đã cấp 296 mã số vùng trồng với khoảng 8.228 ha xoài Đồng Tháp. Tỉnh có 9 cơ sở đã đăng ký mã số cơ sở đóng gói; 33 tổ chức, cá nhân được cấp chứng nhận VietGAP với 353 ha.

Xoài Đồng Tháp đóng gói xuất khẩu. Ảnh: An Bình.

Trong năm 2022, giá trị xuất khẩu ngành hàng xoài Đồng Tháp ước đạt gần 2.700 tỷ đồng; xuất sang các thị trường: Trung Quốc, Úc, Hoa Kỳ, New Zealand, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Nga, Singapore.

Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - cho biết thêm, diện tích đăng ký mã số vùng trồng của Đồng Tháp không ngừng tăng. Những mã vùng trồng này sẽ được địa phương chia sẻ với doanh nghiệp cùng nâng cao chất lượng, thương hiệu, giá trị của ngành hàng xoài.

Cơ sở thu mua xoài tại Đồng Tháp. Ảnh: An Bình.

Công nghệ 4.0, minh bạch thông tin sản phẩm

Ông Lê Hoàng Tùng - Giám đốc Hợp tác xã xoài Tân Thuận Tây, thành phố Cao Lãnh - cho biết, xã có 1.140 hộ sản xuất nông nghiệp, chủ yếu trồng xoài. Trong những năm qua, có 126 thành viên tham gia với diện tích 105 ha sản xuất từ VietGAP sang GlobalGAP và theo hướng hữu cơ.

“Ngành nông nghiệp hướng dẫn quy trình sản xuất an toàn; tập huấn định vị mã vùng trồng và ghi chép sổ nhật ký. Qua đó, các thành viên thay đổi nhận thức từ tư duy sản xuất truyền thống sang kinh tế nông nghiệp và tự nguyện tham gia vào sản xuất hợp tác”, ông Tùng nói.

Nông dân thu hoạch xoài tại Đồng Tháp. Ảnh: An Bình.

Ông Nguyễn Phú Hiệp - Tổ trưởng Tổ hợp tác dịch vụ, sản xuất xoài Bà Két, ấp Tây Mỹ, xã Mỹ Hội, huyện Cao Lãnh - cho biết, từ năm 2019 đã sản xuất xoài theo hướng hữu cơ được doanh nghiệp bao tiêu cho đến nay. Đồng thời, tổ thành lập trang web, làm tem truy xuất nguồn gốc trên mỗi trái xoài.

“Khi nhập mã số trái xoài vào trang web trên điện thoại di động sẽ biết được trái xoài này của ai, thu hoạch ngày nào, phương pháp canh tác thế nào. Ngược lại, tổ cũng sẽ biết được xoài này bán cho đối tác ở đâu, ngày nào, có thất thoát gì không”, ông Hiệp cho hay.

Bên cạnh đó, tổ còn lập fanpage riêng để minh bạch thông tin về sản phẩm. Bón phân ngày nào, phun thuốc gì, liều lượng bao nhiêu đều được chụp hình hoặc quay phim đưa lên fanpage.

Ông Hiệp cho rằng, từ khi có mã số vùng trồng, nhật ký điện tử và tem có mã quét QR, sản phẩm được khách hàng tin dùng nhiều hơn. Ngoài ra, Tổ hợp tác xoài Bà Két còn tham gia sàn thương mại điện tử để khách hàng biết đến và bán được số lượng nhiều hơn.