Xe bún bò ước mơ của mẹ

Mỗi chén bánh bèo có giá 2.500 đồng, mỗi ngày bán chừng 150 chén, lãi được 150.000 đồng. Đó là tất cả thu nhập của ba mẹ con chị Mỹ Đào (xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng). Cơ cực và thiếu thốn dường như khiến chị không còn tin vào bất cứ cơ hội đổi thay nào, cho đến một ngày…

Cực nhọc chén bánh bèo vùng cao

“18 tuổi lập gia đình, theo chồng về Quảng Ngãi, mưu sinh bằng nhiều nghề nhưng lâu nhất vẫn là phụ bán quán. 31 tuổi ly dị, ôm hai con trở về Lộc Ngãi, chẳng có nghề nghiệp ổn định, ai kêu gì làm đấy, chạy ăn từng bữa… Cuộc đời của chị Mỹ Đào đúng là vất vả long đong anh ạ!”, đó là nhận xét của chị Nông Thị Dong - Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Lộc Ngãi, huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng.

Theo chị Dong, cách đây chừng một năm, chị Mỹ Đào xoay xở được ít tiền, đóng một xe đẩy bán bánh bèo chén, đứng bán trước cửa nhà chị gái. Nghe nói chiếc xe đóng hết 500 nghìn đồng, chiếm phân nửa tổng số tiền xoay xở được. Số còn lại là để mua vật dụng và một số nguyên vật liệu.

Từ đó, cuộc sống của ba mẹ con trông cậy vào xe bánh bèo ấy. Tháng nào nhiều thì lãi khoảng 4.500.000 đồng nhưng cũng nhiều tháng không đến. Số tiền chỉ đủ để trả tiền thuê nhà, tiền điện nước. Riêng tiền nhà mỗi tháng là 500.000 đồng. Đó là thuê nhà của người quen, vừa ở vừa giữ nhà cho họ mới có giá đó. Thêm 200.000 đồng tiền điện nữa là 700.000 đồng. Số tiền ít ỏi còn lại, may thì đủ tiền ăn chứ nói đến tích luỹ. Cũng may có mẹ và chị gái, tháng nào thiếu quá thì giúp cho chút ít chứ không cũng chẳng biết ba mẹ con sống sao nữa.

Một ngày mới của hai mẹ con bắt đầu từ 4h30 sáng, cùng dậy đổ bánh bèo. Trong lúc mẹ loay hoay đổ cả chục mẻ bánh thì con gái sửa soạn cặp đi học. Đúng 5h, hai mẹ con lên xe, tới nhà chị gái để bắt đầu ngày bán hàng. Hơn 6h sáng, bỏ dở xe bánh bèo, chị Mỹ Đào vội vã đưa con đến trường rồi quay về bán nốt mẻ bánh.

Gần 11h, chị đi đón con rồi về nhà cơm nước, nghỉ ngơi. Buổi chiều tranh thủ đi chợ, mua nguyên vật liệu, đổ mấy mẻ bánh bèo bán cho người ta ăn xế rồi lại tất tả cơm nước.

Chị tâm sự, từ ngày chia tay, ôm con về Lộc Ngãi, chồng cũ cũng không phụ giúp kinh tế gì, mình chị nuôi hai con nên cuộc sống rất vất vả: “Mấy tháng mùa mưa, trên này ít người ăn, nhiều hôm ế bánh, ba mẹ con đành ăn với nhau. Hai đứa nhỏ ăn hoài, ngán nhưng biết làm sao được, thương con mà không dám khóc!”.

“Con trai lớn của em năm nay 19 tuổi, nghỉ học từ năm lớp 9 nên hiện cũng không có nghề nghiệp ổn định. Ai cần dọn vườn, hái cà phê thì kêu đi làm nhưng cả tháng cũng chỉ được một, hai buổi. Còn lại thì ở nhà bởi tuổi lỡ cỡ, kiếm việc ở vùng quê rất khó. Nó không ăn chơi hư hỏng cũng đã là cái may rồi anh ạ!”, chị Mỹ Đào tâm sự. Chị cho biết thêm: “Con gái, năm nay lên lớp 2, thương mẹ nên cố gắng học. Được cái càng thương mẹ thì nó càng đồng hành với em, cũng là có chút an ủi!”.

Xe bún bò ước mơ của mẹ

“Nhiều khi muốn làm thêm gì đó cho có thêm chút đồng ra, đồng vào nhưng vốn không có. Người xung quanh cũng chẳng ai hỗ trợ mà hoàn cảnh của em thế này, có ai dám cho vay đâu mà hỏi, đành nuốt nước mắt vào trong thôi anh ạ!”. Chị Đào biết nấu bún bò. Nhiều người khen chị nấu ngon. Hơn nữa, người dân ở đây có thói quen ăn bún buổi sáng, mà bún bò là món được ưa thích nhất. “Chỉ là em không có vốn, không thể mở quán thôi!”, chị nói.

Thấu hiểu nỗi nhọc nhằn và mong ước của người mẹ đơn thân ấy, chương trình Ước mơ xanh âm thầm chuẩn bị một món quà dành cho chị. Đó là toàn bộ vật dụng cần thiết của một quán bún bò: từ xe đẩy đến bàn ghế, từ nồi nước lèo đến từng cái bát, đôi đũa, từ chai nước mắm đến ống đũa, hộp khăn giấy… tất nhiên là kèm theo một số vốn nhỏ, đủ để khởi nghiệp. Cùng với cô Hoa, chị của Mỹ Đào, Ước mơ xanh dành một bất ngờ lớn cho người mẹ đơn thân ấy.

Lặng đi trước món quà, chị Mỹ Đào cố nén những giọt nước mắt bất chợt trào ra, lặp đi lặp lại câu nói: “Em không biết nói gì hơn, em cảm ơn, em cảm ơn!”. Trong sự bối rối ấy là sự ngỡ ngàng. Và trên hết, là hạnh phúc, niềm hạnh phúc đủ để khiến những người thực hiện chương trình Ước mơ xanh cũng lặng đi theo…

Ngay ngày hôm sau, quán ăn Mỹ Đào đã khai trương. Ngày đầu tiên, dù mong bán được ít nhất 40 tô, tương đương 10 kg bún nhưng mọi việc dường như còn thuận lợi hơn khi mà cuối buổi, bà mẹ đơn thân này cho biết đã bán khoảng 100 tô, khiến chị nhiều lần phải nhờ người mua thêm bún, thêm thịt. Tất nhiên, không thể tránh khỏi những luống cuống nhưng ai cũng thông cảm cho chủ quán.

Đến nay, sau hơn nửa tháng, quán ăn Mỹ Đào của chị đã hoạt động ổn định. Chị Đào cho biết mỗi sáng, chị bán được 40 - 50 tô, mỗi tô chỉ 20 - 25 nghìn đồng cho phù hợp với đời sống người dân nơi đây nhưng cũng đủ giúp chị lãi hơn 200.000 đồng/ngày. Đó là chưa kể buổi chiều, chị vẫn bán thêm bánh bèo chén. Cuộc sống của ba mẹ con đã dễ thở hơn trước. “Em chỉ mong có nhiều sức khoẻ để cố gắng bán hàng thôi! Mừng quá, đến bây giờ vẫn cứ như là mơ anh ạ!”, chị tâm sự.

Ước mơ xanh là chương trình hỗ trợ phụ nữ yếu thế khởi nghiệp do F88 thực hiện từ quý 1/2024. Các trường hợp khó khăn được Ước mơ xanh hỗ trợ toàn bộ sinh kế sẽ nhận được toàn bộ các vật dụng thiết yếu để khởi nghiệp kinh doanh quy mô hộ gia đình. Đến nay, Ước mơ xanh đã hỗ trợ được 5 hoàn cảnh khó khăn gồm gia đình cô Nguyễn Thị Ngọc Tuấn (Bình Chánh, TPHCM), nhóm bạn trẻ khiếm thính Giặt là sáng (Bình Thạnh, TPHCM), bà Trần Thị Lệ (Quận 1, TPHCM), cô Phạm Thị Mỹ Đào (Bảo Lâm, Lâm Đồng) và bà Nguyễn Thị Thuý (Châu Thành, Bến Tre). Lãnh đạo F88 cho biết, trong năm 2025, dự kiến mỗi tháng Ước mơ xanh sẽ hỗ trợ tối thiểu một phụ nữ yếu thế khởi nghiệp.