Vùng Đông Nam bộ có khoảng 532.000 ha rừng, trong đó có 2 khu dự trữ sinh quyển, 4 hệ thống Vườn quốc gia. Rừng ở đây đa dạng về tài nguyên thiên nhiên, giá trị văn hóa, lịch sử để khai thác: gỗ, lâm sản, dịch vụ môi trường rừng, du lịch sinh thái nghỉ dưỡng và tín chỉ carbon. Tuy nhiên, hiện tại phần lớn còn ở dạng tiềm năng.
Việc phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng chưa phát triển nên rất cần sự kết nối chặt chẽ những nguồn lực, chuyên gia, nhà khoa học và doanh nghiệp nhằm đưa ra các giải pháp, ý tưởng mới, đóng góp cho sự phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng, giúp giảm thiểu việc lãng phí nguồn lực trong việc nghiên cứu, thử nghiệm và thương mại hoá cho tỉnh Đồng Nai, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế vùng Đông Nam Bộ. Đó là kì vọng của ông Huỳnh Minh Hậu - Phó giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Đồng Nai tại sự kiện Diễn đàn Megacity connect vùng Đông Nam Bộ, chủ đề Phát triển kinh tế sinh thái dưới tán rừng, tổ chức ngày 27-8-2023 tại Đồng Nai.
Theo ông Lê Văn Gọi - Phó giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Đồng Nai, hiện nay tỉnh này đang phối hợp cùng một số tổ chức, người dân làm kinh tế sinh thái dưới tán rừng như: mô hình trồng xen theo tỷ lệ nhất định giữa cây rừng và cây nông nghiệp, cây công nghiệp, trồng cây dược liệu, cây ngắn ngày dưới tán rừng trồng, nuôi trồng thủy sản trên các diện tích khoán mặt nước của rừng ngập mặn … góp phần tạo thêm thu nhập, cải thiện, nâng cao đời sống kinh tế cho người dân.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã thực hiện, nghiên cứu thành công mô hình trồng nấm linh chi đỏ dưới tán rừng; tham mưu UBND tỉnh Quyết định số 1244/2023 phê duyệt Phương án quản lý, sử dụng, phát triển bền vững diện tích đất giao khoán trên địa bàn tỉnh với nhiều giải pháp để quản lý tốt các diện tích giao khoán và phát triển các mô hình lâm nông kết hợp trên các diện tích khoán.
Sở cũng tham mưu UBND tỉnh phát triển du lịch sinh thái tại các khu rừng đặc dụng, phòng hộ. Triển khai Đề án phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí tại các đơn vị chủ rừng trong tỉnh. Hiện nay, Sở đang đôn đốc 04 đơn vị chủ rừng xây dựng Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí theo quy định của Luật Lâm nghiệp 2017.
Tại diễn đàn, nhiều chuyên gia rất tâm đắc với chủ để Phát triển hệ sinh thái dưới tán rừng. Bà Trương Thị Bích Ngọc - Giám Đốc Đào Taọ và Phát Triển Sản Phẩm của Trung tâm Nghiên cứu Văn hóa và Du lịch Việt Nam (Viện 3AI TPHCM) cho biết, mong muốn xây dựng một hệ sinh thái du lịch xanh và bền vững trên cơ sở thấu hiểu và trân trọng hệ sinh thái rừng nhiệt đới đa tầng tại Vườn quốc gia Cát Tiên. Hiện nay, trung tâm đang phối hợp thực hiện Chủ đề Forest Foster - Rừng nuôi dưỡng người - Người tri ân rừng với Vườn quốc gia Cát Tiên. Bà Trương Thị Bích Ngọc chia sẻ: “ Chúng tôi sau khi nghiên cứu các hệ sinh thái thực vật thì đánh giá cây tre Đồng Nai và cây dầu rái đây là hai cây có nhiều giá trị hiều giá trị cao về kinh tế như lấy gỗ, chất keo kết dính. Ngoài ra, cây dầu rái còn tạo ra trường sinh khí tốt cho con người, hấp thụ CO2, làm giàu NPK cho đất tạo môi trường sinh trưởng tốt cho các cây xung quanh. Đặc biệt nhiều sản phẩm từ tre có thể kết hợp với làng nghề người Châu Mạ làm ra được nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, trong kế hoạch thiết kế các sản phẩm của chúng tôi muốn hướng đến. Các khoá đào tạo dành cho khách du lịch là đối tượng trẻ em, thanh thiếu niên từ 6-13 tuổi hướng đến đào tạo các kỹ năng sinh tồn trong tự nhiên và ứng phó thiên tai. Rèn luyện sự nhanh nhạy của các giác quan: ngũ quan và trực giác điều này rất thiếu trong vấn đề giáo dục hiện nay, dưới rừng các em sẽ được học và kết nối các giác quan để phát triển cả thể chất tinh thần một cách toàn diện nhất. Cần đào tạo cho các em hiểu được kiến thức về rừng nhiệt đới: cây rừng, hệ nấm, rêu- dương xỉ, thú và chim rừng. Để từ đó thực hành lòng biết ơn rừng theo từng mùa trong năm, theo chủ đề thực hành gieo hạt, trồng cây, chăm sóc cây Và đặc biệt hiện nay vấn đề Trung Tâm Nghiên cứu văn hoá và phát triển du lịch Việt Nam (Viện 3AI TPHCM) chúng tôi quan tâm là làm thế nào để các đơn vị khai thác du lịch có kiến thức về nguyên liệu thực phẩm an toàn (không độc tố), chế biến bữa ăn xanh lành, trong vấn đề khai thác và làm các sản phẩm lưu niệm với nguyên liệu thân thiện với môi trường theo chủ đề rừng và sinh vật rừng dễ thương theo lứa tuổi .
Về mặt kinh tế chúng tôi nghĩ đến những nguồn thu ngoại tệ từ các tour du lịch sức khoẻ hiện nay tại Nhật và Singapore sẽ chuyển qua du lịch sức khoẻ tại Việt Nam thông qua các chương trinh tour chăm sóc sức khoẻ chuyên sâu ứng dụng thảo dược Việt Nam an toàn trong bảo dưỡng sức khoẻ hàng ngày.
Trước đó, ngày 26/8, các chuyên gia, đại biểu tham dự diễn đàn đã tham quan một số khu rừng đang khai thác giá trị kinh tế trên địa bàn các huyện Vĩnh Cửu, Định Quán tỉnh Đồng Nai.