Tuy nhiên, để công tác xây dựng NTM đạt kết quả cao hơn, Thành phố cần tạo cơ chế thu hút đầu tư, tăng cường thêm ngân sách.
Xã điểm đạt 14/19 tiêu chí
Huyện Ba Vì xác định trước tiên phải làm tốt công tác tuyên truyền, tạo sự đồng thuận của nhân dân trong việc xây dựng NTM; tập trung mục tiêu thực hiện vững chắc tiêu chí nâng cao thu nhập bền vững cho nhân dân.
“Để làm được việc này, huyện tập trung cho công tác đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng phục vụ trực tiếp cho phát triển nông nghiệp. Đến nay, huyện đã hoàn thành nâng cấp, cứng hóa trên 36km mặt đê thành đường giao thông liên vùng, nâng cấp 23 công trình kè và 2 trạm bơm đầu mối; cứng hóa 25,5 km kênh cấp 1, trên 28 km kênh cấp 2, gần 59 km kênh cấp 3 và kênh nội đồng phục vụ tưới tiêu…” – Ông Hải cho biết.
Phát huy thế mạnh riêng, huyện tiến hành quy hoạch vùng sản xuất theo hướng chuyên canh, như trồng ngô ở xã Thuần Mỹ, cây ăn quả ở các xã vùng ven sông, sản xuất rau an toàn tại các xã Chu Minh, Minh Châu, Tây Đằng; trồng trè tại các xã vùng gò đồi. Vì vậy, huyện đã xây dựng thành công thương hiệu chè Ba Vì, sản lượng đạt 24 nghìn tấn/năm, mở rộng thị trường tiêu thụ ở trong nước và xuất khẩu.
Ngoài ra tập trung phát triển đàn bò sữa tại các xã như Vân Hòa, Yên Bài, Tản Lĩnh, nâng tổng đàn bò sữa lên 6,5 nghìn con (tăng gấp 5 lần so với năm 2008), sản lượng sữa đạt từ 150-160 tấn/năm. Sữa Ba Vì không chỉ được tiêu thụ rộng rãi ở thị trường trong nước, mà còn được nhận giải thưởng Cúp vàng châu Âu năm 2012. Ba Vì sẽ phấn đấu nâng tổng đàn bò sữa lên 10 nghìn con vào năm 2015. Đàn lợn cũng phát triển mạnh tới gần 200.000 con. Đàn gia cầm 2,5 triệu con và đang triển khai xây dựng thương hiệu “gà đồi Ba Vì”.
Nhờ đó, năm 2012, tổng giá trị tăng thêm ngành nông – lâm – thủy sản đạt 2.474 tỷ đồng, gấp hơn 2 lần năm 2008 (1.154 tỷ đồng). Đến năm 2013 cơ cấu nhóm ngành nông – lâm – thủy sản chiếm 36,6%, công nghiệp – xây dựng chiếm 19,9% và du lịch - dịch vụ thương mại chiếm 44,4%. Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao. Đến nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 24,7 triệu đ/năm, tăng gấp 3 lần so với năm 2008; tỷ lệ lao động nông nghiệp giảm xuống còn 75% so với 82,3% năm 2008; tỷ lệ hộ nghèo từ 19,6% giảm xuống còn 8,1%...
Tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới tyaij Ba Vì là xã Cổ Đô (xã làm điểm xây dựng NTM). Bộ mặt hạ tầng nông thôn đã có nhiều thay đổi với các công trình điện, đường, trường, trạm khang trang, hiện đại. Hệ thống đường giao thông được bê tông hóa nên việc đi lại thuận lợi hơn trước kia.
Bí thư Đảng ủy xã Cổ Đô ông Nguyễn Văn Thủy cho biết, xã được bố trí tổng kinh phí dành cho chương trình xây dựng NTM trên 130 tỷ đồng (đã hoàn thành giải ngân trên 122 tỷ đồng). Xã Cổ Đô đã đạt 16/19 tiêu chí xây dựng NTM, còn 2 tiêu chí gần đạt là tiêu chí về thu nhập và giảm tỷ lệ hộ nghèo. Hết năm nay, sẽ sẽ phấn đấu hoàn thành các tiêu chí còn lại, trong đó có tiêu chí về trường học.
Tuy không được chọn làm điểm, nhưng xã Tản Hồng cũng có nhiều kết quả trong việc xây dựng NTM. Đây là xã đi đầu huyện Ba Vì trong công tác dồn điền đổi thửa. Cánh đồng xã Tản Hồng từ chỗ manh mún, sau mấy năm thực hiện dồn thửa trở nên thẳng tắp, bê tông hóa kênh mương cũng đang thực hiện khá tốt.
Đến nay, xã đã dồn đổi thành công 110 ha, huy động nhân dân đóng góp 30,5 nghìn m2 đất làm nghĩa trang nhân dân theo tiêu chuẩn NTM; hiến 138 nghìn m2 đất để mở rộng hệ thống giao thông, thủy lợi nội đồng cùng 16.750 ngày công.
Cấp thêm ngân sách
Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Văn hải cho biết, tiến độ xây dựng NTM còn chậm so với yêu cầu kế hoạch. Đặc biệt, nguồn lực để xây dựng NTM còn khóa khăn, chủ yếu vẫn là vốn ngân sách, việc đóng góp huy động từ nhân dân, DN còn hạn chế.
Huyện Ba Vì đề nghị Thành phố triếp tục đầu tư kinh phí nhiều hơn, đồng thời có chính sách hỗ khuyến khích các DN đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn như tạo quỹ đất sạch để thu hút đầu tư.
“Đề nghị Thành phố đầu tư dự án nước sạch nông thôn cho tất cả các xã trên địa bàn huyện; đầu tư cho huyện mô hình chăn nuôi tập trung ngoài khu dân cư, từ đó nhân rộng ra toàn huyện” – Phó Chủ tịch Nguyễn Văn hải kiến nghị với lãnh đạo Thành phố.
Về phần mình, lãnh đạo xã Cổ Đô cũng kiến nghị Thành phố và huyện ưu tiên cho xã sớm được thực hiện các dự án lồng ghép và chương trình mục tiêu. “Huyện cần bố trí kinh phí sớm để xã thanh toán các dự án đã hoàn thành. Sớm hoàn thành thủ tục đấu giá đất để tạo nguồn đối ứng” – Bí thư xã Nguyễn Văn Thủy cho biết.
Nhiều xã chỉ đạt 3 - 5 tiêu chí
Đến hết năm 2012, xã làm điểm xây dựng NTM Cổ Đô có 14/19 tiêu chí đạt, 02 tiêu chí cơ bản đạt (thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo), 3 tiêu chí chưa đạt (chợ nông thôn, cơ sở vật chất văn hóa và trường học). Có 19 xã đạt từ 6-9 tiêu chí và 10 xã còn lại chỉ đạt từ 3-5 tiêu chí
Báo cáo của UBND huyện Ba Vì