>> Nghề nuôi cá tra Việt Nam gặp khó
Ông đánh giá thế nào về những căn cứ để WWF đưa cá tra Việt Nam vào danh mục đỏ?
Họ đưa ra căn cứ cho rằng, cá tra Việt Nam không đảm bảo vệ sinh môi trường; các yếu tố về thức ăn, quản lý, thuốc thú y, ảnh hưởng đến quá trình nuôi và chất lượng con cá. Tuy nhiên, rõ ràng các vùng nuôi cá tra Việt Nam nhiều năm nay đã áp dụng hệ thống các tiêu chuẩn về quản lý như SQF 1.000 QM của Hiệp hội tiếp thị thực phẩm Mỹ, tiêu chuẩn chứng nhận cho sản phẩm nông nghiệp trên toàn cầu (Globlb GAP).
Việc nuôi cá được kiểm soát chặt chẽ từ quy hoạch vùng nuôi, hệ thống ao nuôi, xử lý nước thải, quy trình xử lý thức ăn, quản lý chất lượng con giống, thú y, cho đến khâu sản phẩm. Nhiều vùng nuôi của Việt Nam đạt chứng nhận Global GAP và SQF. Vì vậy, có thể thấy những căn cứ đó thiếu thuyết phục.
Thực tế cá tra đang được nuôi ở Việt Nam ra sao?
Theo các nhà khoa học, ở Việt Nam có 13 loài cá tra, và chúng ta chỉ nuôi 2 loài thông thường là cá tra (tên khoa học là Pangasianodon-hypophthalmus) và cá basa (tên khoa học là Pangasius bocourti), không nằm trong danh mục sách đỏ của Việt Nam. Còn có một loại nữa là cá tra dầu (tên khoa học là Pangasianodon gigas), loài cá đã đưa vào sách đỏ của Việt Nam, và chúng ta không nuôi.
Như vậy, phải chăng, WWF đã có sự nhầm lẫn?
Việc WWF đưa cá tra ở Việt Nam vào danh mục đỏ của cuốn Hướng dẫn tiêu dùng thủy sản 2010 - 2011 là hoàn toàn thiếu cơ sở khoa học, lập lờ. Khi đưa vào danh mục đỏ, phải biết là loại cá nào nằm trong sách đỏ của Việt Nam, loài nào không, chứ phán quyết một cách chung chung như vậy dễ gây hiểu nhầm. Nếu là loài cá tra dầu, phải nói rõ ràng tên tiếng Việt, tên khoa học để người tiêu dùng hiểu rõ.
Thông tin trên ảnh hưởng thế nào đến ngành nuôi cá tra của Việt Nam?
Hiện diện tích cá tra nuôi của Việt Nam khoảng 6.000 ha, chủ yếu ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, như An Giang, Đồng Tháp, Long An, Bạc Liêu, Sóc Trăng... Trong các mặt hàng thủy sản xuất khẩu, hằng năm, cá tra đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD (năm 2010, dự kiến khoảng 1,4 tỷ USD), đứng thứ 2 sau mặt hàng tôm. Với thông tin trên sẽ làm cho người tiêu dùng châu Âu và một số nước trên thế giới hiểu lầm.
Phải hiểu ở Việt Nam chỉ nuôi 2 trong số 13 loài cá tra, còn loại cá tra dầu thì Việt Nam đã đưa vào sách đỏ và không nuôi nữa. Mặt khác nên hiểu rằng cá tra, cá ba sa là cá Việt Nam nuôi từ bấy lâu nay đã qua những tiêu chuẩn kiểm định khắt khe của thế giới.
Vậy Hội Nghề cá sẽ phản ứng ra sao trước sự việc này, thưa ông?
Đây là cách bôi xấu con cá tra Việt Nam và làm ảnh hưởng đến người tiêu dùng châu Âu, cũng như ảnh hưởng đến nghề nuôi, xuất khẩu cá tra của Việt Nam. Do vậy, Hội Nghề cá Việt Nam kịch liệt phản đối, cho rằng WWF đã đưa phán quyết thiếu căn cứ khoa học, và đề nghị WWF phải tìm hiểu đầy đủ và đưa ra các thông tin chính xác.
Thực hiện