> 'Sóng ngầm' thay tướng ngân hàng
> Khả năng mất trắng hàng trăm nghìn tỷ
2.700 tỷ đồng “rót” Western Bank trả nợ
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Phương Tây (Western Bank) vừa phát đi thông tin chính thức sẽ bàn bạc vấn đề hợp nhất với Tổng công ty Tài chính Cổ phần Dầu khí (PVFC). Theo đó, vào ngày 16- 3 tới, thương vụ hợp nhất hai tổ chức tín dụng này sẽ có kết quả tại Đại hội đồng cổ đông của Western Bank.
Mặc dù những người trong cuộc liên tục úp mở và bàn đi bàn lại trong hơn một năm qua về việc hợp nhất hai tổ chức. Tuy nhiên, các ý kiến luôn cho rằng đây chỉ là vấn đề thời gian vì chỉ có con đường hợp nhất với PVFC, Western Bank mới tìm ra lối thoát cho mình.
Theo đánh giá của NHNN, tình hình tài chính của Western Bank trước khi hợp nhất có nhiều vấn đề cần lưu ý. Tiền gửi liên ngân hàng có 1.118 tỷ đồng đã quá hạn tại 4 ngân hàng Đệ Nhất, Sài Gòn, Việt Nam Tín Nghĩa (hiện đã hợp nhất thành Ngân hàng TMCP Sài Gòn-pv), Đại Tín và phải trích lập dự phòng 50%, tương đương
559 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, dư nợ tín dụng của Western Bank có nhiều khoản nằm dưới dạng ủy thác đầu tư và đặt cọc môi giới chứng khoán. Khoản đầu tư vào trái phiếu 1.800 tỷ đồng chưa có tài sản đảm bảo. Khoản đầu tư vào cổ phiếu KBC phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán xấp xỉ 88 tỷ đồng.
Tổng tài sản của ngân hàng giảm từ 16.598 tỷ còn 15.667 tỷ đồng thời gây khoản lỗ lũy kế trên hạch toán kế toán là 761 tỷ đồng tại thời điểm 29/2/2012. Ngoài ra, vốn chủ sở hữu sau khi điều chỉnh số liệu trích lập dự phòng bổ sung của Western Bank giảm xuống còn 2.310 tỷ đồng, thiếu 690 tỷ đồng so với mức vốn điều lệ tối thiểu theo quy định.
NHNN cho rằng, về cơ bản, Western Bank duy trì khả năng thanh khoản trong ngắn hạn (trong vòng 6 tháng tới). Nhưng ngân hàng gặp khó khăn về thanh khoản trong trung và dài hạn nếu không có những điều chỉnh về cơ cấu nguồn và tài sản (trên 360 ngày ngân hàng mất cân đối thanh khoản trên 6.000 tỷ đồng).
Đặc biệt, trong bản tóm tắt Đề án hợp nhất cũng có nêu rõ, nhóm cổ đông chiếm tỷ lệ 90% cổ phần Western Bank, tương ứng với số vốn điều lệ 2.700 tỷ, sẽ thực hiện bán toàn bộ cổ phần cho nhóm cổ đông mới theo mức giá bằng mệnh giá. Số tiền thu được sẽ được sử dụng để tất toán các khoản nợ liên quan và bổ sung vào nguồn trả nợ cho nhóm cổ đông này.
Đây có thể là điều kiện để việc hợp nhất được diễn ra nhanh hơn. Như vậy, với việc tái cấu trúc lần này, về phía Western Bank trước hết sẽ có khoản tiền mặt là 2.700 tỷ đồng. Một khoản tiền không lớn nhưng cũng không nhỏ để giúp Western Bank cải thiện tình hình tài chính, nợ xấu của mình.
Lợi ích: đôi bên cùng hưởng
Việc các ngân hàng yếu kém bắt buộc phải tái cấu trúc, phải hợp nhất-sáp nhập với tổ chức tín dụng tốt hơn đảm bảo sự lành mạnh cho hệ thống đã được xác định trong chương trình tái cấu trúc ngân hàng của NHNN. Một trong những mục đích của việc hợp nhất giữa Western Bank và PVFC được nêu ra là giải quyết được sự tồn tại của Western Bank; nâng cao hiệu quả, năng lực hoạt động, sức cạnh tranh cho PVFC và giảm được phần vốn góp của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) tại PVFC.
Như vậy, Western Bank vừa có tiền để giải quyết các món nợ, làm trong sạch tình hình tài chính của mình. Bên cạnh đó, với tỷ lệ sở hữu hiện tại của PVN tại PVFC là 78% sẽ có thể giảm xuống còn 48% sau hợp nhất. Điều này sẽ giúp PVN từng bước thực hiện lộ trình thoái vốn tại các công ty con theo quy định.
Ngân hàng sau hợp nhất dự kiến có tổng tài sản 105.641,59 tỷ đồng, với số vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng sẽ được duy trì trong 3 năm 2012, 2013, 2014 và được tiếp tục tăng lên 12.000 tỷ trong năm 2015. Mục tiêu ngân hàng mới sẽ là một trong năm ngân hàng có chỉ số an toàn tốt nhất Việt Nam trước năm 2015.
Nhiều nhận định cho rằng, tổ chức sau hợp nhất sẽ tận dụng được lợi thế của 2 đơn vị trước đó. PVFC là tổ chức tài chính gặp hạn chế không được huy động vốn từ khách hàng cá nhân sẽ được khắc phục sau khi hợp nhất với Western Bank. Đồng thời, với lợi thế thương hiệu của PVFC và các mối quan hệ trong ngành dầu khí, ngân hàng mới sẽ có được thế mạnh đáng kể trong việc huy động vốn.
Theo kế hoạch vạch ra, trong giai đoạn 1 (2012-2013), ngân hàng sau hợp nhất ổn định và nâng cao năng lực của ngân hàng đồng thời tăng cường khả năng quản trị rủi ro và kiểm soát nội bộ, thực hiện đầy đủ chức năng ngân hàng thương mại. Giai đoạn 2 (2014-2015) hướng tới trở thành 1 trong 18 ngân hàng thương mại cổ phần hàng đầu Việt Nam, đứng đầu về cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực năng lượng của khu vực, ngân hàng có khoảng 250 điểm giao dịch.
Kết hôn tạo ngân hàng lành mạnh
Để đảm bảo cho việc hợp nhất hai tổ chức thành công, PVFC và Western Bank đề xuất: Về dư nợ đối với Vinashin và Vinalines đề nghị NHNN cho phép không tính vào tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng hợp nhất, để ngân hàng hợp nhất có đủ điều kiện và thời gian tiến hành khắc phục theo lộ trình.
Nếu thương vụ PVFC - Western Bank hợp nhất thành công, đây sẽ là thương vụ thứ 3 trong lộ trình tái cơ cấu bắt buộc đối với các ngân hàng yếu kém bên cạnh vụ hợp nhất 3 ngân hàng thành Ngân hàng thương mại Sài Gòn, vụ sáp nhập Habubank và SHB. Theo NHNN, điều này có ý nghĩa tạo ra một ngân hàng thương mại lành mạnh, quy mô lớn, phục vụ cho phát triển kinh tế, phù hợp với chủ trương, chính sách pháp luật của Nhà nước.