Vụ gián điệp ở Estonia: Lớn nhất từ Thế chiến II

TP- Châu Âu chấn động vì vụ gián điệp Estonia bị cho là liên quan đến Nga và NATO lớn nhất kể từ Thế chiến II (1945) đến nay vừa bị phanh phui.
Các quan chức Kremlin bác bỏ việc có quan hệ với Herman Simm.

Hãng tin AP cho biết, điệp viên chính trong vụ này là Herman Simm- một trùm an ninh quân đội trực thuộc Bộ Quốc phòng Estonia, bị bắt bí mật từ tháng 9/2008 nhưng hôm 25/2 mới bị kết án tại một phiên tòa xử kín.

Theo phán quyết của tòa, Herman Simm, 61 tuổi, công dân Estonia bị phạt 12 năm tù giam và phải bồi thường 1,7 triệu USD cho những thiệt hại mà bị cáo gây ra cho Bộ Quốc phòng Estonia.

Các công tố viên Estonia cho biết, bị cáo Herman Simm thành khẩn nhận tội làm gián điệp cho nước ngoài và hợp tác tốt với cơ quan điều tra nên được giảm hình phạt từ mức tối đa 15 năm tù giam xuống còn 12 năm.

Chánh công tố tối cao Estonia Norman Aas nói điệp viên Herman Simm đã thu thập các tài liệu bí mật của Estonia và NATO rồi chuyển cho cơ quan tình báo đối ngoại Nga suốt từ năm 1995 cho đến ngày bị bắt cuối năm 2008.

Các nhà điều tra Estonia cho biết điệp viên Simm nhận hàng trăm nghìn USD từ việc cung cấp cho cơ quan tình báo nước ngoài các thông tin mật về chính sách quốc phòng của Estonia, hệ thống quốc phòng, quan hệ quốc tế của Estonia, và các hệ thống thông tin NATO.

Raivo Aeg, chỉ huy trưởng cảnh sát Estonia nói rằng Simm từng đảm nhận nhiều chức vụ trong lực lượng cảnh sát Estonia từ khi nước cộng hòa này tách ra khỏi Liên Xô đầu những năm 1990.

Đến năm 1995, Herman Simm được chuyển sang Bộ Quốc phòng Estonia, làm việc tại cơ quan an ninh quân đội. Bắt đầu từ năm 1995, Herman Simm làm việc cho cơ quan tình báo đối ngoại Nga (SVR).

Raivo Aeg cho biết, có hai sĩ quan tình báo Nga được xác định là Valery Zentsov và Sergey Jakovlev trực tiếp điều khiển điệp viên Herman Simm.

Sergey Jakovlev còn có một cái tên giả danh người Bồ Đào Nha là Antonio de Jesus Amorett Graf. Mỗi năm, Simm gặp các nhân viên tình báo Nga từ ba đến bốn lần tại ít nhất 15  nước châu Âu.

Từ một thông tin do nước ngoài cung cấp, tháng 9/2008 cơ quan an ninh Estonia bí mật bắt cả hai vợ chồng Herman Simm về tội làm gián điệp cho nước ngoài.

Khám xét nhà của vợ chồng Herman Simm tại một thị trấn nhỏ Saue cách thủ đô Talinn 25 km, cảnh sát thu được một thẻ nhớ USB chứa nhiều tài liệu bí mật và một máy ảnh kỹ thuật số mà Herman Simm dùng chụp tài liệu.

Vợ của Simm tên là Heete sau đó nhanh chóng được trả lại tự do và trở lại làm luật sư tại một cơ quan nhà nước.

Thời Estonia còn là một nước cộng hòa của Liên Xô trước đây, Herman Simm được cử đi đào tạo tại một học viện liên quan đến cơ quan tình báo Liên Xô (KGB). Sau khi Liên Xô sụp đổ, Estonia trở thành nước độc lập, Herman Simm làm việc trong ngành cảnh sát, leo lên đến chức vụ chỉ huy trưởng cảnh sát Estonia năm 1994.

Năm 1995, Herman Simm chuyển sang an ninh quân đội. Năm 2000, ông leo lên đến chức chỉ huy trưởng lực lượng an ninh quân đội Estonia. Tại vị trí công tác này, Simm có điều kiện tiếp cận với rất nhiều tài liệu bí mật quân sự liên quan đến hệ thống thông tin và giám sát giữa Estonia và NATO. Năm 2006, Simm chuyển công tác sang một đơn vị khác.