Vụ chi 400 triệu lương hưu cho người chết: Trách nhiệm thuộc ai?

Quy trình cắt hưởng lương hưu đối với người đã mất nối liền với việc thực hiện chế độ tử tuất, liên quan đến nhiều cơ quan quản lý nhà nước khác nhau...

Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên cho biết đã ra quyết định thu hồi gần 400 triệu đồng tiền hưởng lương hưu không đúng định của một người phụ nữ đã chết cách đây hơn 7 năm.

Số tiền thu hồi gồm 89 tháng lương hưu và 7 lần quà Tết Nguyên đán chi hàng năm. Khoản tiền thu hồi trên chưa bao gồm tiền lãi do chế độ bị chi sai trong thời gian dài.

Theo hồ sơ, bà N.T.T.H. nhận lương hưu hàng tháng do Bảo hiểm xã hội tỉnh Phú Yên chi trả qua kênh dịch vụ của Bưu điện tỉnh này.

Cuối tháng 1/2016, bà H. qua đời. Gia đình đã báo tử tại UBND phường nhưng không làm thủ tục nhận mai táng phí, chế độ tử tuất một lần tại cơ quan bảo hiểm xã hội.

Kể từ đó, bưu điện vẫn chi trả đều đặn số tiền lương hưu của bà H. qua số tài khoản của người phụ nữ này.

Về quy trình cắt chế độ lương hưu, Phó Giám đốc Công ty Luật TNHH YouMe Vũ Thùy Trang cho biết, theo các quy định của pháp luật hiện hành, người hưởng lương hưu mất thì không còn được nhận chế độ hàng tháng này. Thay vào đó, thân nhân của họ sẽ được hưởng chế độ tử tuất quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Như vậy, quy trình cắt hưởng lương hưu đối với người đã mất nối liền với việc thực hiện chế độ tử tuất.

Theo quy định tại Điều 112 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 và Điều 6, Điều 7 Quyết định số 166/QĐ-BHXH, trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày người đang hưởng lương hưu mất, thân nhân của họ phải nộp hồ sơ hưởng chế độ tử tuất cho cơ quan bảo hiểm xã hội.

Sau khi tiếp nhận hồ sơ, trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết và tổ chức chi trả chế độ tử tuất cho thân nhân của người đã mất.

Trường hợp không giải quyết, cơ quan bảo hiểm phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do. Cùng với việc giải quyết chế độ tử tuất cho thân nhân của người đã mất, cơ quan Bảo hiểm xã hội sẽ có thông báo và thôi chi trả lương hưu cho người đã mất.

Theo bà Trang, UBND cấp xã có thẩm quyền đăng ký khai tử cho người đã mất. Song, pháp luật hiện hành không có quy định về việc UBND xã phải gửi thông báo cho cơ quan Bảo hiểm xã hội về việc người nhận lương hưu đã mất. Đây là một lý do dẫn đến sự việc hi hữu tại Phú Yên.

Giải quyết việc này, Bảo hiểm xã hội tỉnh hiện yêu cầu phía bưu điện nộp trả Quỹ bảo hiểm xã hội số tiền lãi và thù lao chi trả chế độ sai, mức tiền 123.390.527 đồng theo quy định tại Hợp đồng ủy quyền chi trả và quản lý người hưởng.

Về vấn đề này, lãnh đạo công ty luật YouMe cho biết, theo một số quy định trong giải quyết và chi trả các chế độ bảo hiểm xã hội, tổ chức làm đại diện chi trả phải được Bảo hiểm xã hội Việt Nam ký hợp đồng dịch vụ chi trả các chế độ và quản lý người hưởng bảo hiểm xã hội hàng tháng.

Trường hợp chi sai do lỗi của tổ chức làm đại diện chi trả, đơn vị này phải ứng tiền để hoàn trả ngay cho Quỹ bảo hiểm xã hội trong vòng 2 ngày kể từ ngày phát hiện ra sai sót và thực hiện thu hồi số tiền chi trả sai theo quy định.

Theo quy định, Bưu điện tỉnh phải tổ chức quản lý người hưởng lương hưu theo đúng hợp đồng đã ký với cơ quan bảo hiểm xã hội; kịp thời báo cho bên bảo hiểm các trường hợp: Người hưởng chết; người hưởng xuất cảnh trái phép; người hưởng bị tòa án tuyên bố mất tích… cũng như các nội dung hướng dẫn khác về việc thực hiện trách nhiệm quản lý người hưởng của đại diện chi trả bảo hiểm xã hội.

Từ những quy định dẫn chiếu, bà Trang nhận định, có thể thấy rằng việc cơ quan bảo hiểm xã hội yêu cầu bưu điện phải hoàn trả tiền đã chi sai cho Quỹ bảo hiểm xã hội là phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Dân Trí