Vụ 20 tỷ USD ‘bốc hơi’ trong 2 ngày: Hàng loạt ngân hàng lớn bị ‘kẻ vô danh’ qua mặt

TPO - Trong những năm 2000, Bill Hwang điều hành một quỹ đầu tư của riêng mình là Tiger Asia Management do Julian Robertson lập ra, với tài sản lên đến 10 tỷ USD lúc đỉnh điểm.
Chân dung nhà đầu tư thầm lặng Bill Hwang. (Ảnh: Bloomberg)

Hwang từng bị cơ quan quản lý chứng khoán Mỹ cáo buộc giao dịch nội gián và ông ta cũng từng nhận tội gian lận với tư cách đại diện của Tiger Asia vào năm 2012. Archegos, một văn phòng gia đình mà Hwang thành lập để quản lý tài sản cá nhân, trở thành khách hàng béo bở của các ngân hàng, và họ sẵn sàng cho Hwang vay những khoản tiền lớn.

Ngày 25/3 vừa qua, khi những người cho Hwang vay tiền cuối cùng có thể hiểu được vấn đề, họ nhận thấy hóa ra chiến lược giao dịch của Hwang đơn giản không tưởng.

Archegos có vẻ đã ném hầu hết tiền vay vào một vài cổ phiếu như ViacomCBS, GSX Techedu và Shopify. Hwang đã dựa vào các phân tích sâu để tìm ra những cổ phiếu hứa hẹn rồi lập ra một danh mục đầu tư tập trung. Hàng chục nhà đầu tư có thể làm theo cách tương tự, dựa trên các chủ đề đang được quan tâm phổ biến, nhưng không môi giới chứng khoán nào mở rộng quy mô như các tỷ phú có thể làm.

Làm theo ngôn từ của Chúa

Nếu bất kỳ ai hỏi, Hwang đều có thể nói rằng ông ta chia thời gian đồng đều cho ba đam mê: gia đình, công việc và hoạt động từ thiện ở quỹ Grace & Mercy.

“Tôi cố gắng đầu tư theo ngôn từ của Chúa và sức mạnh của thánh thần. Theo cách nào đó, đó là một cách đầu tư không sợ hãi. Tôi không sợ cái chết hay tiền bạc”, Hwang nói trong video năm 2019 về quỹ từ thiện của mình.

Sung Kook Hwang di cư từ Hàn Quốc sang Mỹ từ năm 1982 rồi lấy tên là Bill.

Hwang được người mẹ góa phụ nuôi dưỡng, lớn lên học ĐH California ở Los Angeles rồi lấy bằng thạc sĩ ở ĐH Carnegie Mellon.

Hwang có quan hệ gần gũi với một nhóm tên là Tự do ở Triều Tiên, gọi tắt là Link, tổ chức đã giúp khoảng 1.300 người Triều Tiên đào tẩu. Hwang không che giấu hoạt động này.

Bill Hwang cùng vợ và con gái (ảnh nhỏ góc phải trên, và ngôi nhà ở New Jersey (góc phải dưới) và chiếc xe thường dùng (trái). (Ảnh: Daily Mail)

Trong một video về buổi họp lớp được đưa lên mạng năm 2008, Hwang nhớ lại mục tiêu của mình sau khi tốt nghiệp: chuyển đến New York. Năm 1996, sau khi làm nhân viên môi giới của hai công ty chứng khoán, Hwang làm công việc phân tích tại quỹ đầu tư Tiger Management.

Nhiều đồng nghiệp của Hwang ở Robertson đã lập ra những quỹ đầu tư thành công nhất thế giới, như Viking Global Investors của Andreas Halvorsen, Coatue Management của Philippe Laffont và Tiger Global Management của Chase Coleman.Hwang nói rằng Robertson đã dạy ông một bài học quan trọng: sống chung với thua lỗ. Có thời điểm, Tiger đã đốt 2 tỷ USD trong một vụ đặt cược sai lầm vào đồng yen, khiến “ai nấy đều hoảng sợ”. Nhưng khi đó, Robertson đi vào phòng và nói: “Các bạn, bình tĩnh đi. Đó chỉ là công việc. Chúng ta đã làm hết sức”, Hwang kể lại.

Khi Tiger đóng cửa năm 2001, Robertson thúc giục Hwang mở quỹ đầu tư và đề xuất cấp vốn. Trong những ngày đầu tiên, Tiger Asia và Tiger Global của Coleman cùng nằm trên một sàn của tòa nhà văn phòng Park Avenue. Hwang và Coleman thỉnh thoảng ăn trưa với nhau để chia sẻ quan điểm về thị trường.

Không có đồng nghiệp cũ hay cựu nhân viên nào của Hwang đồng ý kể về người đàn ông này. Một số vẫn là bạn bè và không muốn bị coi là phản bạn. Những người khác muốn giữ cam kết bảo mật. Một số người đồng ý kể về Archegos đều giấu tên.

Cổ phiếu lớn & giao dịch hoán đổi

Hwang ban đầu muốn làm khác biệt bằng cách chỉ đầu tư vào các công ty Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc với doanh thu hoàn toàn từ thị trường nội địa. Hwang làm một cách bí mật, đặc biệt giấu việc mua lượng cổ phiếu lớn dựa trên phân tích của chính mình, một cựu nhân viên kể lại. Hwang làm tương tự khi điều hành Archegos.

Danh mục đầu tư của Archegos có lúc chỉ tập trung vào cổ phiếu của các tập đoàn công nghệ Amazon, Facebook, LinkedIn, và Netflix. Hwang giải thích rằng các công ty công nghệ đang đang làm công việc của thần thánh khi thúc đẩy xã hội tiến bộ. Hwang nói rằng ông ta yêu Google của tập đoàn Alphabet vì nó cung cấp “thông tin tốt nhất cho mọi người”. Archegos giữ cổ phiếu của tập đoàn này trong 5 năm. “Chúa quan tâm đến đến giá cả hợp lý, vì kinh thánh nói rằng Chúa ghét những chiếc cân sai”, Hwang nói trong video đăng lên mạng. “Công ty của tôi góp một chút nhỏ của mình để tạo nên giá cả hợp lý cho cổ phiếu của Google. Điều đó có quan trọng với Chúa không? Chắc chắn rồi”, Hwang nói.

Quy định của Mỹ cấm các nhà đầu tư cá nhân mua chứng khoán nhiều hơn 50% số tiền ký quỹ. Nhưng giới hạn đó không áp dụng với các quỹ đầu tư và văn phòng gia đình. Những người thân cận với Archegos nói rằng công ty này ban đầu ký quỹ với công thức “2x”, nghĩa là đầu tư 1 triệu USD vay trên mỗi triệu đô la vốn. Nhưng đến cuối tháng 3 vừa qua, tỷ lệ đó tăng lên 5x hoặc hơn.

Hwang cũng giữ bí mật với các ngân hàng của mình bằng cách giao dịch hoán đổi.

Trong giao dịch hoán đổi điển hình, ngân hàng cho phép khách hàng sử dụng tài sản cơ sở, như cổ phiếu. Khi khách hàng thu lời, hoặc lỗ, vì bất kỳ biến động giá nào, ngân hàng sẽ ghi vào hồ sơ với tư cách người sở hữu cổ phần đã đăng ký.

Đó là cách Hwang có thể vay được rất nhiều tiền từ ngân hàng. Vì các ngân hàng chỉ có hồ sơ về giao dịch của họ với Hwang và không biết ông ta cũng làm tương tự với những ngân hàng khác. Đến cuối tháng 3, Archegos bán ra hàng chục ngàn cổ phiếu của các tập đoàn truyền thông thông qua các ngân hàng Morgan Stanley, Golman Sachs, Credit Suisse, Wells Fargo & Co. Cổ đông lớn nhất là Vanguards Group, với 59 triệu cổ phiếu. Không có bằng chứng nào cho thấy Archegos làm gì sai.

Năm 2017, Archegos có lượng vốn khoảng 4 tỷ USD. Hwang chia sẻ thông tin tài chính với các ngân hàng, nhưng không ngân hàng nào cảnh báo.

Lao xuống từ đỉnh cao

Quý 4 năm 2020 là thời gian gặt hái của Hwang. Khi S&P tăng gần 12%, bảy trong 10 cổ loại cổ phiếu mà Archego nắm giữ đã tăng hơn 30%, trong đó cổ phiếu của Baidu, Vipshop và Farfetch tăng ít nhất 70%.

Những diễn biến đó khiến Archegos trở thành một trong những khách hàng được thèm muốn nhất ở Phố Wall. Những người nắm được tình hình nói rằng các nhà môi giới hàng đầu được trả hàng chục triệu đô la tiền phí mỗi năm, tổng cộng có thể lên tới hơn 100 triệu USD. Khi các tài khoản hoán đổi sinh ra tiền mặt, Hwang tích luỹ để đầu tư nhiều hơn. Golman cuối cùng đồng ý ký với Archegos để trở thành khách hàng vào cuối năm 2020. Nhưng chỉ vài tuần sau, mọi thứ sụp đổ nhanh chóng.

Sự kiện đầu tiên trong chuỗi sụp đổ diễn ra vào chiều ngày 22/3, trong phiên đóng cửa của sàn New York. ViacomCBS khi đang chật vật để theo kịp Apple TV, Disney+, Home Box Office, và Netflix đã thông báo bán cổ phiếu và nợ chuyển đổi trị giá 3 tỷ USD. Cổ phiếu của công ty này từng tăng gấp 3 lần trong 3 tháng nhờ được Hwang mua vào. Với diễn biến mới, các khoản cược của Hwang đột ngột trở nên tồi tệ. Một vài ngân hàng nài nỉ ông ta bán cổ phiếu, vì cho rằng Hwang sẽ lỗ nhưng vẫn có thể sống sót chứ không đến nỗi phá sản. Nhưng Hwang từ chối, bài học từ Robertson đã bị quên lãng.

Thế tiến thoái lưỡng nan của các ngân hàng đã trở nên rõ ràng. Nếu các cổ phiếu trong tài khoản hoán đổi của Hwang tăng trở lại, mọi người đều ổn. Nhưng nếu một ngân hàng nao núng và bán ra, tất cả sẽ chịu cảnh lao đốc. Credit Suisse muốn đợi.

Nhưng Morgan Stanley đã lặng lẽ thực hiện động thái phủ đầu. Công ty này âm thầm bán 5 tỷ USD cổ phần của Archegos với giá chiết khấu cho một nhóm quỹ đầu tư. Sáng hôm sau, trước khi thị trường New York mở cửa, Goldman thanh lý 6,6 tỷ USD cổ phiếu của Baidu, Tencent và Vipshop, sau đó là lượng cổ phiếu trị giá 3,9 tỷ USD của ViacomCBS, Discovery, Farfetch, Iqiyi và GSX Techedu.

Khi tình hình cuối cùng trở nên sáng tỏ, Goldman, Deutsche Bank AG, Morgan Stanley, và Wells Fargo đã thoát khỏi đám cháy của Archegos mà không bị tổn hại gì. Credit Suisse và Nomura có vẻ chịu thiệt hại lớn nhất. Tập đoàn tài chính Mitsubishi tiết lộ khoản lỗ có thể lên tới 300 triệu USD.

Tình hình gợi nhớ lại cuộc khủng hoảng ngân hàng cách đây 14 năm, khi các ngân hàng cho vay mua nhà quá nhiều đến mức không thể cứu vãn được.

Điều tốt nhất mà người ta có thể nói về vụ sụp đổ của Archegos là nó không gây ra một đợt suy thoái thị trường. Còn điều tồi tệ nhất: nó hoàn toàn là một thảm hoạ mà các ngân hàng có thể ngăn chặn được, để Archegos chỉ chơi với lửa chứ không phải nghịch bom.

Các cơ quan quản lý cũng có trách nhiệm, khi thị trường chứng khoán Mỹ được đánh giá là chưa đủ minh bạch.

Châu Âu quy định bác bên chịu rủi ro từ hoạt động đầu tư phải báo cáo lợi nhuận. Còn ở Mỹ, những cá voi như Hwang vẫn còn thể ẩn mình.

Theo Bloomberg