Thông tin của PV Tiền Phong cho hay, tại phiên đại hội này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ thay đổi người đại diện phần vốn ở VPF. Cụ thể, 3 đại diện phần vốn của VFF sẽ gồm ông Trần Anh Tú - Ủy viên Thường trực, bà Đinh Thu Trang-Kế toán trưởng và TTK Lê Hoài Anh. Trước đây, đại diện vốn góp của VFF ở VPF gồm Phó Chủ tịch Trần Quốc Tuấn, bà Đinh Thu Trang và ông Phạm Ngọc Viễn.
VPF dự kiến có thể nâng số ủy viên HĐQT từ 7 lên 9 người, nếu được đại hội thông qua. Tuy nhiên, vị trí nhận nhiều sự chú ý hơn cả là Chủ tịch HĐQT, hiện do ông Võ Quốc Thắng đảm nhiệm.
Khi được bầu vào VPF, ông Võ Quốc Thắng đang là Chủ tịch CLB Đồng Tâm Long An (hiện đổi tên là Long An). Vài năm trở lại đây, đội bóng này rơi vào hoàn cảnh khó khăn, dẫn tới thua sút rất mạnh ở V-League. Cá nhân ông Thắng cũng rút khỏi ghế chủ tịch, nhường quyền quản lý và điều hành lại cho em trai, ông Võ Thành Nhiệm. Sau dăm mùa giải chật vật ở nhóm cuối, Long An năm 2017 đã chính thức rớt hạng. Sau 26 trận đấu, đội bóng cũ của bầu Thắng chỉ được vỏn vẹn 10 điểm.
Tại phiên họp HĐQT hôm 3/11 ở Tp Hồ Chí Minh, ông Võ Quốc Thắng đã bày tỏ nguyện vọng xin nghỉ. Trả lời báo chí hôm qua, ông Thắng tiếp tục khẳng định việc này với lý do “bận công việc”, nhưng đồng thời cho biết sẽ chờ quyết định từ đại hội.
V-League sụt giảm khán giả
Năm 2011, VPF được thành lập từ sáng kiến của ông bầu Nguyễn Đức Kiên, với mong muốn tổ chức các giải chuyên nghiệp trở nên tốt hơn. Bằng tác động của bầu Kiên, VFF đã trao quyền cho VPF điều hành, tổ chức các giải chuyên nghiệp Việt Nam, trong đó có V-League, vốn được xem là “miếng bánh” lớn nhất do nguồn thu từ tài trợ và các khoản khác. Mỗi năm, VPF chỉ phải chuyển lại VFF 10 tỷ đồng phục vụ đào tạo trẻ và hoạt động của các ĐTQG.
Tuy nhiên nếu so với thực tế giải đấu thì sau 5 năm, VPF có vẻ như chưa đáp ứng được chờ đợi trên. Chất lượng giải đấu chưa được cải thiện đáng kể, những vấn đề trầm kha như sai sót của trọng tài, tình trạng thi đấu bạo lực không thay đổi nhiều. Các mùa giải gần đây, những lời ì xèo về tính minh bạch, công bằng của giải liên quan đến quan hệ một số đội bóng lại có phần tăng lên. VPF từng thông báo đã giao một thành viên HĐQT làm việc với ông bầu Đỗ Quang Hiển về vấn đề kiểm soát các đội bóng ở V-League nhưng sau đó không thấy báo cáo gì.
Cho tới mùa giải 2017 vừa kết thúc, báo cáo của VPF trước 3 vòng cuối cho thấy số lượng khán giả đã sụt giảm. Đây là tín hiệu đáng lo ngại trong bối cảnh V-League cần “tiếp sức” về tài chính. Thông tin của PV Tiền Phong nói, sau 3 năm tài trợ cho V-League, công ty Toyota tới đây nhiều khả năng sẽ chấm dứt hợp đồng. Việc tìm ra nguồn tài trợ mới cho VPF sẽ là vấn đề lớn với Ban lãnh đạo VPF nhiệm kỳ mới.
Cần nói thêm là dù chất lượng giải không tăng bao nhiêu, lượng khán giả sụt giảm nhưng chi phí tổ chức, điều hành giải của VPF khá tốn kém. Đơn cử, chỉ riêng lương và các quyền lợi khác cho Ban giám đốc (gồm 2 người) mỗi mùa giải đã trên dưới 2 tỷ đồng, chưa kể các chi phí khác. Dù chuyển sang VPF, nhưng VFF cũng không hết việc bởi cứ lâu lâu giải lại xảy ra sự cố, công chúng thành thói quen, chỉ nhằm VFF để “gõ”.