Cũng như bóng đá, Argentina cũng từng là một trong những nền kinh tế giàu có nhất thế giới. Vào cuối thế kỷ 19 và đầu 20, thu nhập bình quân đầu người của Argentina đã vượt qua cả Italy, Nhật Bản và Pháp. Theo một số ước tính, thậm chí Argentina còn là nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới vào năm 1895. Hơn nữa, tăng trưởng GDP hàng năm của Argentina trong 43 năm trước Thế chiến I luôn ở mức 6%/năm, mức nhanh nhất từng ghi nhận trong lịch sử.
Thành tích kinh tế ấn tượng của Argentina không chỉ dựa trên xuất khẩu nguyên liệu thô mà còn dựa trên sản xuất công nghiệp. Từ năm 1900 đến năm 1914, sản lượng công nghiệp của đất nước Nam Mỹ này đã tăng gấp 3 lần, đạt mức tăng trưởng tương đương với Đức và Nhật Bản. Tất cả những điều này đã thúc đẩy tiến bộ xã hội chưa từng có ở đất nước này. Năm 1869, mới chỉ có 12-15% dân số hoạt động trong lĩnh vực kinh tế thuộc tầng lớp trung lưu, thì đến năm 1914, con số này đã đạt đến 40%. Tỷ lệ mù chữ cũng giảm gần một nửa.
Tuy nhiên, đến những năm 1940, dưới thời của Tổng thống Juan Peron, nền kinh tế Argentina bắt đầu rơi vào trì trệ. Thương mại tự do bị hạn chế, chi tiêu công tăng lên dẫn đến lạm phát tăng vọt, các biện pháp kiểm soát giá cả được đưa ra và hàng chục công ty bị quốc hữu hóa. Năm 1975, khi ông Peron qua đời sau 3 nhiệm kỳ tổng thống, Argentina xếp hạng thứ 100 trong 106 nước của Chỉ số Tự do Kinh tế do Viện Fraser của Canada thống kê. Năm 2020, thứ hạng của quốc gia này là 161/165 nước.
Từ một trong những nước giàu nhất thế giới, Argentina đã rơi vào cảnh bần cùng hóa, tham nhũng và lạm phát kinh niên lên đến 100%/năm, tỷ lệ nghèo đói vượt 43%, làn sóng di cư ồ ạt. Nhưng hiện nay dường như cơ hội để thay đổi đang đến với nhà vô địch Argentina.
Theo Politico, vô địch World Cup dường như đang xóa bỏ cảm giác thất vọng đã đeo bám đất nước này từ lâu. Mặc dù, không chắc điều này có thể có những tác động đối với nền kinh tế Argentina hay không song thắng lợi này có thể khích lệ niềm tự hào và hy vọng cho người dân Argentina, gia tăng triển vọng về một nền kinh tế và bầu không khí chính trị mới cho đất nước Nam Mỹ này.
Thực tế, Argentina vẫn có nhiều tiềm năng để phát triển như mỏ khí đốt đá phiến lớn thứ 2 thế giới về trữ lượng và lithium. Thỏa thuận thương mại giữa EU và khối Mercosur (gồm Argentina, Brazil, Uruguay và Paraguay) vốn đã bị trì hoãn từ lâu cũng đang được kỳ vọng sống lại.
Lạm phát vốn xấp xỉ 100% trong những năm qua cũng đang có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo số liệu từ cơ quan thống kê quốc gia Argentina (INDEC), Lạm phát trong tháng 11 của nước này tăng ở mức 92,4% so với một năm trước, thấp hơn so với mức dự báo 94,2% của các nhà kinh tế do Bloomberg khảo sát. Trong khi đó, GDP trong quý III vừa qua của đương kim vô địch World Cup 2022 đã tăng 1,7% so với quý trước và tăng 5,9% trong năm nay. Dự báo GDP cả năm sẽ ở mức 5,3%, một con số khá cao trong bối cảnh các nền kinh tế lớn trên toàn cầu có nguy cơ rơi vào suy thoái.