Vì thương cảnh đàn ông lóng ngóng dẫn con đi ăn hàng nên tôi trở thành người mẹ kế. Nhưng tại sao khi chúng tôi thành vợ chồng thì chị bỗng dưng hay xuất hiện?! Lấy lý do về thăm con nhưng ít khi chị dẫn thằng bé đi chơi, cũng chẳng cần tạo không gian riêng cho hai mẹ con mà lại cố tình muốn nói chuyện với tôi và viếng thăm bố mẹ chồng cũ.
Câu chuyện của chị không có gì ngoài những câu “Tôi là mẹ nó mà để cô phải vất vả vì thằng bé. Tôi là mẹ nó, không thường xuyên về thăm con thì không phải chút nào”. Chị thường xuyên nhấn mạnh cụm từ “tôi là mẹ nó” như sợ tôi chiếm hữu mất đứa bé hay chị muốn nhắc tôi phải nhớ nó mãi mãi là con của chị, không là gì của tôi. Chị là mẹ đứa bé nên chẳng ai vô tình cấm chị về. Nhưng thời gian chị ở bên con thì ít mà chị sang nhà bố mẹ chồng cũ thì nhiều. Chị cũng hay mua những món quà sang trọng giống như một chiêu bài. Phải chăng chị đang nuối tiếc vì “con cá mất là con cá to”?.
Mỗi cuộc viếng thăm của chị đều ảnh hưởng ít nhiều đến cuộc sống của chúng tôi. Ba mẹ chồng thường “khoe” chị biếu thứ này, thứ kia. Chị cũng thường xuyên mua cho con những món đồ đắt tiền. Mỗi lần ấy chị lại hay nói với con rằng: “Con của mẹ phải mặc đồ này, tốt lắm đấy, mẹ mất công gửi mua tận Thái về”. Từng lời chị nói như mũi tên đang bay về phía tôi. Chúng tôi không dư giả để cho con dùng những hàng xa xỉ. Nhưng thằng bé và con chung của chúng tôi luôn được phân xử công bằng.
Vậy mà không ít lần chị cứ tỏ ra xót xa “Ôi, sao con mẹ gầy thế, bây giờ học tập mệt mỏi lắm ư? Hay là con bỏ bữa”. Chị cũng cứng giọng với tôi: ‘Nếu nó có chuyện gì thì cô phải cho tôi biết, tôi là mẹ nó, tôi sẽ lo”. Mỗi lần như vậy, chị cũng lại tìm chồng tôi với lý do “bàn bạc về cách nuôi con”. Và chị luôn “ép” anh ra café nói chuyện riêng, nếu là chuyện nuôi con, tại sao chị lại “kiềng” tôi ra. Lần thì chị nói không muốn thấy thằng bé ăn bán trú, chị sẵn sàng trả tiền thuê người giúp việc lo cơm nhà ba bữa cho nó. Chị không nghĩ như thế là chị đã can thiệp cả vào cuộc sống riêng của chúng tôi ư?
Chị cũng là người thích ôn chuyện cũ. Những lời nói của chị luôn thể hiện chia sẻ nhưng đầy ẩn ý: Dù sao tôi vẫn nên hối hận vì đã không có được sự chiều chuộng của anh ấy như với cô. Có lẽ tôi cũng nên yên tâm vì hình như thằng bé trở nên chịu khó hơn nhờ học sự thay đổi ở bố nó. Ngày ở chung với tôi anh ấy chỉ đi làm về rồi ăn uống. (Phải chăng chị muốn nói anh ấy được chị chiều hơn, chị đảm đang hơn?!).
Chúng ta chỉ là người đến trước và đến sau về thứ tự thời gian trong cuộc đời anh ấy, không có ai là kẻ dưới, bề trên. Thực ra chính chị lúc này đang giống người thứ ba đấy! Nhiều lúc tôi không muốn kiên nhẫn thêm. Nếu cuộc chiến của chúng ta xảy ra, ai sẽ là người chịu hậu quả? Chắc hẳn là thằng bé. Nó vô tội. Cuộc chiến của chúng ta chỉ khiến nó trở nên bơ vơ hơn, tổn thương hơn.
Vợ cũ: Ơ kìa người đến sau!
Vâng, tôi đã là quá khứ của cuộc đời anh ấy nhưng với đứa bé, tôi mãi mãi là mẹ nó.
Không người đàn bà nào muốn để lại con cho chồng sau khi ly hôn, hoặc người khác nuôi. Nhưng vì hoàn cảnh riêng nên tôi chấp nhận. Nếu mang được thằng bé đi thì tôi đã đoạn tuyệt với quá khứ ấy, không bao giờ trở lại.
Đến khi cô xuất hiện, thằng bé lại luôn miệng gọi cô là mẹ khiến tôi chột dạ. Còn nhớ lần đầu tiên về thăm con, tôi và cô đang nói chuyện thì nó gọi to từ ngoài “Mẹ ơi!”; tôi vui vẻ lao ra cửa, nào ngờ thằng bé ngớ người ‘Ơ, mẹ mới đến ạ?”, thì ra nó gọi cô. Lúc đó cô có biết tôi hụt hẫng đến thế nào? Vợ chồng có thể xẻ đôi nhưng tình mẫu tử thì mãi mãi không thể.
Tôi không hề bỏ rơi con mình, đó chỉ là kết quả của ly hôn. Và vì thế, tôi không muốn trong mắt con tôi chỉ còn là quá khứ. Thấy thằng bé quấn quýt cô và cô cũng tỏ ra yêu thương nó, tôi thấy chạnh lòng và tự hỏi có phải vì mới nên cô đang lấy lòng hai bố con? Tất cả những ý nghĩ đều khiến tôi lo lắng, buồn phiền. Lúc đó lòng tôi mới dâng lên mạnh mẽ cảm giác xót xa cho đứa con khi cha mẹ ly hôn và vì thế tôi hay về nhiều hơn. Có người đàn bà nào muốn đối diện với hạnh phúc của người xưa để lòng thêm đắng cay.
Đứng trong mối quan hệ giữa tôi, cô và anh ấy thì cô cũng đã là người chiến thắng! Tôi cũng quá bất ngờ, sau cuộc hôn nhân ấy, tôi nghĩ anh sẽ lấy một ai khác không phải nhân viên cấp dưới là cô. Phải chăng vì cô nên cuộc hôn nhân của tôi mới không còn gì cứu vớt?! Nhưng tôi bước ra khỏi cuộc hôn nhân với anh ấy không có nghĩa sẽ đoạn tuyệt với ba mẹ chồng. Tôi về thăm con, lẽ nào không lên thăm ông bà, vì từ trước đến nay chúng tôi không hề có va chạm to tát.
Còn mỗi lần thấy con đau ốm lòng cha mẹ nào chẳng xót. Mỗi lần khẳng định “tôi là mẹ nó’ để cô và nhất là người chồng cũ của tôi biết rằng tôi không vô trách nhiệm với con mình, tôi muốn lo cho thằng bé, tôi muốn nó hiểu tôi rất yêu thương nó. Vì không được ở gần con nên bao nhiêu thứ tốt đẹp tôi muốn giành cho nó. Tôi hiểu khi chấp nhận để nó sống với anh ấy và cô thì tôi nên tôn trọng cuộc sống ấy nhưng với riêng con mình, tôi muốn nó vẫn được hưởng thêm phần của tôi. Mỗi lần nhìn thằng bé cùng cô và anh ấy vui vẻ thì tôi thấy mình đã là người đứng ngoài. Người đàn ông ấy một thời đã là của tôi, vâng chỉ là một thời. Gương vỡ thì đâu có lành!
Cô đã chiến thắng tôi thêm lần nữa, đó là thằng bé gặp tôi mà không hề than vãn về mẹ kế. Nó ôm tôi chặt trong tay nhưng chưa khi nào tỏ ra mừng rỡ với những món quà tôi cho. Dường như nó muốn ở lại bên ba và mẹ mới hơn là đi với tôi. Khi không giữ được cuộc hôn nhân của mình, tôi đã có lỗi với thằng bé. Tôi cũng ghi nhận thằng bé đã may mắn, có thêm một người mẹ như cô, và những bước chân của tôi đang nặng nề hơn mỗi khi quay về!