Trong chuyến công tác đối ngoại, xúc tiến đầu tư mới đây của Đoàn cán bộ lãnh đạo tỉnh tham gia Đoàn công tác của Thủ tướng Chính phủ tại Nhật Bản, Bản ghi nhớ hợp tác đầu tư giữa UBND tỉnh Vĩnh Phúc với Tập đoàn Sojitz và các đối tác của Tập đoàn tại Việt Nam về Dự án bò thịt tại Vĩnh Phúc với tổng mức đầu tư trên 500 triệu USD đã được ký kết.
Dự án đầu tư hợp tác này là cơ hội tốt để tỉnh Vĩnh Phúc thúc đẩy, mở rộng quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương của Nhật Bản, qua đó, tăng cường quảng bá hình ảnh của tỉnh, thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại.
Hết tháng 11/2021, trên địa bàn tỉnh có 428 dự án đầu tư FDI đến từ 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có 56 dự án của Nhật Bản với tổng vốn đầu tư trên 1,4 tỷ USD, đứng thứ 2 về dự án, số vốn đầu tư. Các dự án của Nhật Bản chủ yếu đầu tư vào các lĩnh vực ô tô, xe máy, chế tạo và đóng góp tới 70% tổng thu ngân sách hằng năm của tỉnh, giải quyết việc làm cho hơn 22 nghìn lao động. Trong đó phải kể đến các doanh nghiệp lớn như: Công ty Honda Việt Nam, Công ty Toyota Việt Nam có mặt tại Vĩnh Phúc từ những ngày đầu tái lập tỉnh. Đặc biệt, cuối năm 2015, Tập đoàn Sumimoto, Nhật Bản đã được UBND tỉnh cấp Giấy chứng nhận đầu tư kinh doanh dự án hạ tầng khu công nghiệp Thăng Long Vĩnh Phúc, đây là khu công nghiệp dành riêng cho nhà đầu tư Nhật Bản với tổng diện tích 213 ha. Hiện đã có nhiều nhà đầu tư đến từ Nhật Bản đã và đang hoạt động hiệu quả trong khu công nghiệp này.
Xác định Nhật Bản là nhà đầu tư tiềm năng, những năm qua, tỉnh có nhiều hoạt động hỗ trợ các doanh nghiệp Nhật Bản đã và đang sản xuất kinh doanh trên địa bàn. Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, Bộ phận Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp từ Nhật Bản tại Vĩnh Phúc (Japan Desk) đã tích cực hỗ trợ giải đáp thắc mắc của nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật liên quan đến công tác phòng chống dịch; thành lập nhóm hỗ trợ đặc biệt cho Công ty Toyota Việt Nam và Công ty Honda Việt Nam, kịp thời nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh để đề xuất tỉnh có giải pháp hỗ trợ. Thường xuyên tổng hợp, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp Nhật Bản trên cơ sở đó, hỗ trợ giải quyết kịp thời những vấn đề thuộc thẩm quyền, đồng thời, chủ động báo cáo UBND tỉnh, cơ quan liên quan, qua đó đã kịp thời hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Cùng với đó, Japan Desk thường xuyên cung cấp thông tin, giới thiệu về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh cho các nhà đầu tư Nhật Bản; phối hợp tổ chức chương trình làm việc cho các doanh nghiệp Nhật Bản với lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh khi đến tìm hiểu các điều kiện về đầu tư tại tỉnh.
Công ty TNHH Ohashi Tekko Việt Nam là doanh nghiệp 100% vốn Nhật Bản, chuyên sản xuất bàn đạp chân ga ô tô. Hơn 6 năm có mặt trên địa bàn tỉnh, công ty không ngừng phát triển, đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm sang thị trường các nước: Mexico, Malaysia, Thái Lan. Có được kết quả trên, trong suốt quá trình hoạt động, công ty luôn nhận được sự quan tâm, đồng hành, hỗ trợ tích cực của lãnh đạo tỉnh, các sở, ngành, địa phương, nhất là trong thời điểm ảnh hưởng của dịch Covid-19 được tỉnh tạo điều kiện cho 100% người lao động được tiêm vắc xin; hỗ trợ các biện pháp phòng, chống dịch; kịp thời giải quyết các vướng mắc của doanh nghiệp, giúp công ty vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất.
Gặp không ít khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng với sự điều chỉnh linh hoạt kế hoạch sản xuất, tập trung nghiên cứu, phát triển các mặt hàng mới, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo quy định, nhất là sự hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn của tỉnh, Công ty TNHH Tsuchiya TSCO Hà Nội với 100% vốn Nhật Bản vẫn duy trì sản xuất từ 3 - 5 triệu mét tấm dệt lông mịn phục vụ cho ngành xây dựng và nội thất, doanh thu bình quân 500 nghìn USD/tháng, giải quyết việc làm ổn định cho hơn 260 lao động.
Ước đến hết năm 2021, trên địa bàn tỉnh có 14 khu công nghiệp đã thành lập, được quyết định chủ trương đầu tư. Trong đó có 8 khu công nghiệp đi vào hoạt động và nhiều khu công nghiệp đang triển khai đồng bộ hạ tầng, mời gọi các nhà đầu tư. Cùng với đó, nhiều cụm công nghiệp đang được quy hoạch xây dựng đồng bộ, bảo đảm về hạ tầng, môi trường.
Vĩnh Phúc cũng đang hoàn thiện thể chế thu hút đầu tư cho giai đoạn mới, đây là những điều kiện rất tốt để thu hút các nhà đầu tư nói chung, các nhà đầu tư Nhật Bản nói riêng. Thời gian tới, tỉnh tiếp tục tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp duy trì ổn định sản xuất; hợp tác, kết nối với các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế về xúc tiến đầu tư; hỗ trợ tín dụng một số ngành, lĩnh vực ưu tiên cho các doanh nghiệp để phục hồi sản xuất; tiếp tục hoàn thiện hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư…