Biên bản ghi nhớ của Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon hướng đến Net Zero có tổng giá trị là 15 tỷ đồng, được các bên trao đổi dưới sự chứng kiến của Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành. Được biết, đây cũng là dự án nằm trong khuôn khổ Chương trình hành động hướng đến Net Zero 2050 của Vinamilk nhằm chung tay thực hiện mục tiêu đưa mức phát thải ròng về “0” mà Việt Nam cam kết tại Hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu của Liên Hiệp Quốc năm 2021 (COP 26) cũng như hưởng ứng thông điệp “Cam kết đi đôi với Hành động” được Việt Nam nhấn mạnh tại COP27 diễn ra tại Ai Cập vừa qua.
Từ năm 2012 đến năm 2020, Vinamilk và Bộ Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp thực hiện Quỹ 1 triệu cây xanh cho Việt Nam tại 56 địa điểm thuộc 20 tỉnh, thành phố với tổng giá trị 12,5 tỷ đồng. Chương trình này là một điển hình cho những nỗ lực và hành động vì môi trường, vì cuộc sống và vì tương lai. Tiếp nối hành trình xanh này, năm 2022, Vinamilk tái khởi động hoạt động trồng cây cùng Bộ Tài nguyên và Môi trường với mục tiêu chính là hướng đến trung hòa phát thải kính nhà kính, đóng góp cho mục tiêu chung “Net Zero”.
Phát biểu tại sự kiện, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Công Thành đánh giá cao Hoạt động trồng cây hợp tác giữa Vinamilk và Báo Tài nguyên và Môi trường cũng như các mục tiêu, kế hoạch chi tiết xác định tại Biên bản ghi nhớ với các nội dung chính như gia tăng độ che phủ của cây xanh và rừng trên cả nước, góp phần giảm tác động của biến đổi khí hậu, hấp thụ khí CO2. Thứ trưởng nhấn mạnh các bên cần đảm bảo sự phối hợp cây trồng tỷ lệ sinh trưởng cao, số lượng trồng cây mỗi năm cho từng vùng miền, địa phương và hỗ trợ tạo sinh kế cho người dân; nâng cao truyền thông nhận thức cộng đồng trong công tác quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.
Với mục tiêu trồng cây nhằm trung hòa Carbon, hướng đến Net Zero, Vinamilk, Báo Tài nguyên và Môi trường cùng các đơn vị trực thuộc Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp với các địa phương sẽ nghiên cứu, khảo sát cũng như tham vấn các chuyên gia về Biến đổi khí hậu để xây dựng phương án trồng và chăm sóc cây hiệu quả, phù hợp. Những nỗ lực này nhằm đảm bảo mục tiêu diện tích cây xanh được duy trì, nhân rộng, hấp thụ lượng CO2 ngày càng nhiều, mang đến nhiều lợi ích khác về cộng đồng, môi trường, sinh kế cũng như lan tỏa tình yêu thiên nhiên và hình thành ý thức, trách nhiệm về bảo vệ môi trường của cộng đồng.
Ông Hoàng Mạnh Hà, Tổng biên tập Báo Tài nguyên và Môi trường chia sẻ: “Hoạt động trồng cây để trung hòa carbon, hướng đến Net Zero giữa Báo Tài nguyên và Môi trường và Vinamilk, được quản lý, giám sát một cách hệ thống, bài bản và chuyên nghiệp từ khâu khảo sát, đánh giá tiền khả thi đến khâu lập kế hoạch trồng chi tiết, lên phương án chăm sóc và bảo vệ cây, lập báo cáo phân tích và đo đạc số liệu về lượng khí CO2 được hấp thụ, kiểm kê khí nhà kính…”
Vừa qua, Vinamilk cũng là doanh nghiệp sữa đầu tiên của Việt Nam tham gia vào sáng kiến toàn cầu của ngành sữa về Net Zero với tên gọi Pathways to Dairy Net Zero. Đây là dự án do các tổ chức lớn của ngành sữa thế giới như Liên đoàn sữa thế giới (IDF), Khung phát triển bền vững ngành sữa (DSF), Global Dairy Platform… thành lập với mục tiêu giảm thiểu các tác động của ngành lên môi trường, khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững. Đến nay đã có 140 tổ chức, doanh nghiệp trên toàn thế giới tham gia vào sáng kiến này. Các thành viên trong dự án hiện đang chiếm đến hơn 40% sản lượng sữa toàn cầu.
Ông Lê Hoàng Minh, Giám đốc điều hành Sản xuất của Vinamilk cho biết thêm: “Hoạt động trồng cây là một trong nhiều chương trình hành động được Vinamilk thực hiện nhằm trung hòa phát thải, tiến tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050. Cụ thể, Vinamilk đang nỗ lực xanh hóa trong cả hoạt động chăn nuôi và sản xuất thông qua việc ứng dụng công nghệ khoa học kĩ thuật, tư duy kinh tế tuần hoàn, chuyển đổi năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để thực hiện giảm thiểu dấu chân carbon. Song song, tích cực trồng cây xanh nhằm gia tăng khả năng hấp thụ CO2, cải thiện các vấn đề về khí hậu.”
Hoạt động sẽ chính thức bắt đầu vào năm 2023, với các hoạt động khảo sát thực tế để tiến hành trồng cây, gây rừng hiệu quả, mang đến các lợi ích tổng thể cho môi trường, cộng đồng, hướng đến xây dựng những “vùng xanh” điển hình trong lộ trình tiến đến mục tiêu lớn: Net Zero.