Tại diễn đàn CEO 2019 với chủ đề “Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo – Bứt phá từ tư duy đến hành động”, Bộ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Ngọc Dung cho biết, hiện cả nước có khoảng 600 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, với tổng nguồn vốn sử dụng cho sản xuất kinh doanh là 33 triệu tỷ đồng, và khoảng 14,51 triệu lao động trong các doanh nghiệp.
Theo đánh giá của Tổ chức Sở hữu trí tuệ Thế giới (WIPO), Việt Nam đứng thứ 45/126 quốc gia và nền kinh tế được xếp hạng trong năm 2018.
Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, Việt Nam còn bị đánh giá là còn yếu ở các chỉ số thuộc nhóm đầu vào của đổi mới sáng tạo, như môi trường kinh doanh, xếp hạng các trường đại học, việc làm thâm dụng tri thức, tỷ lệ lao động nữ có trình độ, số lượng đăng ký sáng chế quốc tế theo hệ thống Hiệp ước hợp tác sáng chế (PCT), xuất/nhập khẩu dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông (ICT). Do đó, chúng ta cần thay đổi tư duy về đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt, đổi mới sáng tạo sẽ là yếu tố sống còn giúp các doanh nghiệp tồn tại. Tuy nhiên, để thực hiện điều này, Bộ trưởng Dung cho biết doanh nghiệp cần 3 yếu tố là con người, công nghệ và thị trường, trong đó quan trọng nhất là con người.
"Các doanh nghiệp cần phải tăng cường đầu tư cho công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ thông tin, đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), liên kết với các trung tâm nghiên cứu như các trường đại học, các viện nghiên cứu có ý nghĩa quyết định trong đổi mới sáng tạo và nâng cao năng lực cạnh tranh.
Để tận dụng cơ hội cơ cấu dân số vàng, việc cần làm ngay là tập trung để tạo ra một lực lượng lao động có chất lượng cao hơn, cũng như kích thích năng lực sáng tạo của đội ngũ này. Cần đào tạo và nâng cấp kỹ năng làm việc số hóa tương thích với các thay đổi trong doanh nghiệp cho toàn bộ nhân viên và các cấp quản lý của doanh nghiệp", Bộ trưởng Dung đề xuất.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cũng khẳng định, thời gian tới, Bộ LĐTBXH sẽ tiếp tục đồng hành cùng doanh nghiệp đổi mới, sáng tạo. Bộ sẽ tập trung hoàn thiện, phát triển đồng bộ thị trường lao động nhằm huy động và sử dụng hiệu quả nguồn nhân lực, tạo sự chuyển động thật sự trong thị trường lao động một cách đồng bộ, lành mạnh; đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; đẩy mạnh việc hợp tác ba bên Nhà nước - Nhà trường - Doanh nghiệp trong giáo dục nghề nghiệp; đa dạng hóa các hình thức hợp tác…