Việt Nam là nước gia công nông nghiệp

TP - “Chúng ta nhập nhiều nguyên liệu cho ngành chế biến gỗ, thức ăn chăn nuôi, thủy sản…, nếu chế biến mà tăng được giá trị gia tăng, thì nhập nguyên liệu cũng không phải là chiến lược sai lầm”, TS Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT (Ipsard), nói bên lề hội thảo “Triển vọng thị trường nông nghiệp Việt Nam năm 2011” diễn ra ngày 17-6.

> Xuất khẩu gạo: Nhiều doanh nghiệp có thể bị loại

Theo ông về giá trị gia tăng, so với công nghiệp, dịch vụ, thì hàng nông nghiệp Việt Nam có giá trị gia tăng cao nhất. Hiện trên thế giới có nhiều nước như Singapore, Hà Lan nhập rất nhiều nguyên liệu về để chế biến.

Theo tiến trình tham gia vào WTO, khi nào mở cửa cho doanh nghiệp nước ngoài vào, chúng ta đã có một lộ trình rõ rệt. Câu chuyện nguyên liệu cho chế biến, và khối lượng chế biến xuất khẩu, tiêu dùng trong nước là câu chuyện quan hệ giữa người chế biến, kinh doanh và nông dân.

Ở đây, doanh nghiệp cần xây dựng kênh phân phối, chuỗi giá trị như thế nào, để đây không chỉ là kênh mua bán, mà có gắn bó lâu dài. Mối quan hệ này gắn với chuỗi giá trị toàn cầu. Chúng tôi vừa trở về từ Diễn đàn Kinh tế Đông Á, nhiều nhà kinh doanh lớn, rất chú ý đến thị trường nông sản Việt Nam, đặc biệt là sau dự báo, giá nông sản trên thế giới hiện nay sẽ giữ ổn định ở mức cao.

Theo ông Sơn, hiện Việt Nam có hơn 10 triệu hộ nông dân sản xuất nhỏ, mà chưa xây dựng được hội nghề nghiệp, hệ thống hợp tác xã, thì vị thế người nông dân thấp, khó khăn trong việc đàm phán.

Trong khi các doanh nghiệp đa quốc gia vào nước ta, thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam cần nhanh chóng vươn lên, nắm lấy thị trường, chỗ đứng. Trong chuỗi từ sản xuất, chế biến, kinh doanh, thì làm thế nào đưa được vị trí người nông dân càng cao càng tốt, để chia sẻ lợi ích, giảm rủi ro.

Vừa rồi Tổ chức lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc - FAO có đưa ra dự báo, tình hình giá nông sản thế giới sẽ dừng lại ở mức giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho nông dân, các nhà đầu tư, cũng như các nhà hoạch định chính sách. Vì thế, có thể, nông nghiệp trước đây là một ngành tạo công ăn việc làm, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, còn tương lai, đây còn là một ngành kinh tế quan trọng.

Theo Báo giấy