Việt Nam định hướng đẩy mạnh thực hành trong đào tạo các ngành công nghiệp chất bán dẫn

Thời đại hội nhập quốc tế yêu cầu chất lượng nguồn nhân lực ngày càng cao để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Chính vì thế, Việt Nam kết hợp cùng các chuyên gia nước ngoài xây dựng sách lược để củng cố chương trình giáo dục ngành chất bán dẫn.

Ngày 17/9 vừa qua, các hội thảo chuyên ngành thuộc chuỗi khởi động cho “Chương trình Bứt tốc đào tạo nhân lực ATP ngành chất bán dẫn” đã chính thức diễn ra tại Thành phố Hồ Chí Minh. Được biết, chuỗi sự kiện này được tổ chức ba ngày, từ 16/09 đến 18/09.

Các hội thảo trong ngày thứ hai là không gian giao lưu giữa các đơn vị đối tác tại Hoa Kỳ và các cơ sở giáo dục của Việt Nam.

Mở đầu, ông Jeffrey Goss, Associate Vice Provost and ITSI Principal Investigator điều phối hội thảo với chủ đề “Building Academia-Industry Partnerships for Sustainable Semiconductor Ecosystem Development”. Qua đó, hội thảo đề ra các phương thức hợp tác giữa doanh nghiệp và cơ sở giáo dục, tạo nên một hệ sinh thái cộng sinh cùng phát triển.

Thông qua nghiên cứu chi tiết, người tham dự sẽ hiểu rõ cách hệ sinh thái vận hành và tăng cường phối hợp giữa các bên liên quan. Đồng thời, những người tham dự có thể tìm hiểu các mô hình thực tiễn và lợi ích từ mối quan hệ doanh nghiệp - tổ chức giáo dục.

Người tham dự cũng có thể khám phá ra những chiến lược độc đáo để thúc đẩy sự thay đổi trong mối quan hệ đặc biệt này.

Một số cơ sở giáo dục của Việt Nam góp mặt trong buổi hội thảo này như Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng và Intel (ATP), Đại học Bách khoa Hà Nội (HUST), Đại học Lạc Hồng và Onsemi (ATP), Đại học Công nghiệp TP. HCM và Siemens (Tự động hóa tiên tiến), Dự án ASU và USAID BUILD IT (Mô hình hợp tác công tư)...

Tiếp ngay sau đó, Dr. John W. Fowler, Motorola Professor of International Management, W.P. Carey School of Business, Arizona State University điều hành hội thảo “The Challenge to Cultivate Global Semiconductor Talent”.

Hội thảo đưa ra các thách thức và cơ hội trong việc phát triển các kỹ năng chuyên môn cần thiết để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Qua hội thảo, người tham dự sẽ có những hiểu biết sâu sắc về các chiến lược hiệu quả trong phát triển nguồn nhân lực, hợp tác quốc tế và vai trò của giáo dục và đào tạo trong việc duy trì sự phát triển của ngành.

Hội thảo “Adapting Global Semiconductor Talent Cultivation Practices to Vietnam” đề cập lĩnh vực như hiện đại hóa chương trình giảng dạy, hợp tác giáo dục với doanh nghiệp, và tạo ra các sáng kiến công tư để phát triển lực lượng lao động ngành chất bán dẫn.

Chiều cùng ngày, các hội thảo chủ yếu xoay quanh vấn đề tạo dựng nguồn lao động chất lượng cao. Phiên họp đi sâu vào thách thức về nhân lực và nhu cầu tuyển dụng trong tương lai tại các công ty lớn. Thông qua hợp tác, người tham dự sẽ phát triển các giải pháp để nâng cao chương trình đào tạo và điều chỉnh các con đường giáo dục theo nhu cầu của ngành.

Trong khuôn khổ Quỹ Đổi mới sáng tạo và An ninh Công nghệ Quốc tế (Quỹ ITSI) được thành lập theo Đạo luật CHIPS năm 2022, Hoa Kỳ sẽ hợp tác với Việt Nam để phát triển mạnh mẽ hệ sinh thái, khung pháp lý cũng như lực lượng lao động và nhu cầu phát triển cơ sở hạ tầng hiện nay của Việt Nam. Từ đó nâng cao năng lực của hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam, đồng thời hỗ trợ ngành công nghiệp của Hoa Kỳ.

Được tổ chức bởi Đại học bang Arizona (ASU), các phiên khởi động sẽ quy tụ các bên liên quan chính, bao gồm các nhà lãnh đạo từ Bộ Kế hoạch và Đầu tư (MPI), Bộ Thông tin và Truyền thông (MIC), Bộ Giáo dục và Đào tạo (MOET), Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (MOLISA), Trung tâm Đổi mới Quốc gia (NIC), các quan chức chính quyền địa phương, các nhà lãnh đạo ngành ATP và đại diện học thuật từ các trường đại học kỹ thuật và công nghệ hàng đầu và các trường cao đẳng nghề, để xác định điểm mạnh và thách thức của Việt Nam trong lĩnh vực bán dẫn và xây dựng các kế hoạch hành động để nâng cao năng lực của mình.