Có điều gì đáng lưu ý trong những kết quả nghiên cứu mới về hệ sinh thái bãi giữa sông Hồng?
Tôi cho đây là vùng quan trọng, nhưng khi bắt tay vào nghiên cứu tổng thể, mình mới thấy hóa ra nó phong phú và quan trọng đến mức đấy. Số lượng các loài động thực vật ghi nhận rất lớn. Phát hiện thêm nhiều loài mình không nghĩ có ở đấy. Các nghiên cứu 5 năm gần đây chứng minh rằng vùng bãi sông của Hà Nội có đến 1/3 loài chim của Việt Nam.
Khi nghiên cứu đánh giá tổng thể tổng cộng 13 bãi mới thấy đúng là khu vực này rất tuyệt vời, chưa bị đô thị hóa mạnh. Là vùng bán ngập nên việc xây dựng công trình bị hạn chế theo luật. Nếu Hà Nội đang tìm diện tích để mở rộng không gian xanh thì đó là vùng quá tuyệt vời. Đặc biệt là khu vực bãi lớn từ cầu Nhật Tân cho đến hết cầu Chương Dương- xưa ngắt thành 2 bãi giờ liền thành một bãi do nước sông giảm... Người dân chỉ cần bước một bước là ra bãi.
Hiện không gian xanh đô thị của Hà Nội mới đạt 4m2/người còn kém chuẩn Việt Nam đề ra là 7m2/người. Hà Nội có bãi giữa sẽ tự nhiên tăng được tỷ lệ không gian xanh. Không gian bãi giữa là nơi lý tưởng cho người dân nạp lại năng lượng. Đây coi như một phúc lợi mà người dân thủ đô được hưởng nên sẽ không thu tiền, trừ một số khu vực chuyên đề có sự đầu tư các doanh nghiệp thuê đất của Nhà nước.
Vẫn có những ý kiến băn khoăn nên gọi khu vực này trong tương lai là công viên văn hóa hay khu bảo tồn sinh thái. Ý kiến của ông về vấn đề này?
Nếu chỉ nhắc tới sinh thái người ta lại sợ không phát triển được. Theo tôi nên quy hoạch hài hòa theo từng bãi. Bãi trung tâm gần 4 quận nội đô có thể gọi là khu sinh thái và văn hóa. Một số bãi có thể là khu bảo tồn chim sông Hồng chẳng hạn. Cần dành những diện tích lớn để bảo tồn, phát triển sinh thái, vẫn đan xen văn hóa trong đó.
Những gì cần lưu ý đối với du khách tham gia trải nghiệm du lịch sinh thái ở khu bảo tồn chim sông Hồng trong tương lai? Có thể tổ chức thêm những hoạt động du lịch nào nữa ở bãi giữa sông Hồng?
Có những quy định nghiêm ngặt cho du khách muốn trải nghiệm du lịch sinh thái, chẳng hạn chỉ được di chuyển theo tuyến đường định sẵn, không làm ồn, không xả rác, không mang ni-lông ra bãi… Quy hoạch vài chỗ để du khách có thể bơi, cắm trại, thậm chí có thể đốt lửa ở quy mô phù hợp vào ban đêm. Vào mùa chim sinh sản phải đóng bãi hoặc chỉ cho du khách đi vòng ngoài không được đi sát vào khu vực bảo tồn. Sai quy định phạt thôi. Bãi bằng phẳng chỉ cần dựng vài tháp canh là đủ quan sát cả vùng. Cắm chục cột điện làm hệ thống camera ai đi ngược đi xuôi biết hết...
Ngoài ra còn có thể tổ chức các hoạt động du lịch mạo hiểm như dù lượn, trượt zipline hoặc thả khinh khí cầu (loại buộc dây kéo) để du khách ngắm thủ đô và bãi giữa từ trên cao. Cần lựa chọn những hoạt động không đòi hỏi phải xây dựng nhiều. Đảm bảo tính an toàn, tuân thủ luật pháp vừa tạo không gian văn minh, văn hóa, sinh thái cho mọi người. Tiềm năng cũng như giá trị gia tăng từ hoạt động du lịch của nơi đây sẽ rất lớn.
Nên thu hút thêm chim về bãi giữa sông Hồng. Ông nghĩ sao về ý kiến này?
Có, ý rất hay. Để giữ và để thu hút được chim về, các nhà khoa học sẽ phải đánh giá trồng cây gì cho chim có chỗ đậu, làm tổ; cây gì cung cấp thức ăn tùy theo nhóm chuyên ăn quả hoặc chuyên ăn sâu; bổ sung những cây đó ở khu vực nào thì phù hợp.
Khi cây cối nhiều có thể thả một số loài phổ biến như sóc là loài trước đây đã sống ở bãi giữa… Không lo sóc sinh sản vô tội vạ vì thiên nhiên sẽ tự điều chỉnh. Khi quần thể tăng vượt quá ngưỡng thức ăn nó sẽ tự suy giảm về đúng ngưỡng. Trước đây từng sinh sống ở bãi giữa còn có rái cá, các loại cầy, chồn…
Với một khu bảo tồn sinh thái cần có những quy định gì về tiếng ồn? Nếu muốn tổ chức những hoạt động mang tính lễ hội ở bãi giữa sông Hồng thì làm thế nào?
Để giảm tiếng ồn vùng bãi xuống mức tối thiểu thì chỉ cho phép sử dụng động cơ điện không phát thải trong phạm vi bãi. Có thể quy định thêm: với các phương tiện lưu thông qua các cầu Long Biên, Chương Dương, Nhật Tân cấm bóp còi khi đi qua vùng bãi.
“Một số ý kiến cho rằng nên quy hoạch bãi giữa từ từ, quy mô nhỏ trước, tôi lại cho rằng phải làm quy hoạch tổng thể, cụ thể cho từng bãi luôn. Bãi nào làm gì phải tính toán hết. Thế nó mới toàn diện được, không mình càng để càng nát ra. Vấn nạn đô thị hóa đã diễn ra đấy rồi. Người ta bắt đầu mua đất, xây nhà, rào tường rồi... Quy hoạch xong, nhà nước có thể không quản lý mà đứng ra đấu thầu quản lý, xã hội hóa việc đó”. TS Nguyễn Mạnh Hà (Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển)
Vẫn có thể tổ chức các hoạt động văn hóa nghệ thuật tập trung đông người tại các sân khấu gần khu dân cư, tại mép trong của bãi giữa. Tôi từng tham quan một số mô hình công viên vùng bãi ở nước ngoài thấy họ tổ chức các khu biểu diễn nghệ thuật cho quần chúng với hệ thống ghế đá tròn vây quanh sân khấu ở giữa và đặc biệt không sử dụng tăng âm. Có cả thư viện và không gian để đọc sách trong nhà có máy hút ẩm chạy suốt ngày đêm. Rồi không gian cho người thích vẽ, thích thưởng trà với đầy đủ chỗ cắm điện đun nước để mọi người mang trà đến mời nhau...
Khi mình quy hoạch tổng thể mình sẽ quản lý được hoàn toàn. Đừng để đến lúc không quản lý nổi. Thời điểm này là muộn nhưng chưa quá muộn.
Tổng diện tích các bãi bồi và bãi giữa sông Hồng khoảng 6.000ha tạo thành các sinh cảnh độc đáo và trở thành nơi trú ngụ của nhiều loài động thực vật hoang dã, đặc biệt là loài chim di cư.
Nghiên cứu thực hiện trong năm 2021-2024 ở phạm vi bãi bồi và bãi giữa sông Hồng ghi nhận tổng số 232 loài chim thuộc 15 bộ và 51 họ. Trong đó có 5 loài nguy cấp, quý hiếm có tên trong Danh lục Đỏ IUCN (2023) gồm: Sẻ đồng ngực vàng, Đại bàng đen, Đuôi cụt bụng đỏ, Đớp ruồi mỏ to và Thiên đường đuôi đen. Nhưng có một số loài nguy cấp, quý hiếm không ghi nhận trong năm nay như Vịt mỏ nhọn, Cò nhạn, Bạch anh. Nghiên cứu ghi nhận thêm 2 loài mới cho danh lục chim Hà Nội là Vịt vàng và Sáo đá xanh.