Ai cũng nghĩ T. bị viêm dạ dày, nhưng đi khám, làm xét nghiệm thì bác sĩ cho biết, T. bị viêm tụy cấp, có thể trở thành mạn tính nếu tái phát nhiều lần.
BS Thanh Hùng (Bệnh viện Quân y 103) cho biết, tụy là cơ quan có chức năng nội tiết là bài tiết các dịch tụy chứa các men tiêu hóa để tiêu hóa các thành phần của thức ăn và chức năng ngoại tiết là sản xuất nhiều hormon quan trọng với cơ thể.
Viêm tụy cấp là tình trạng bệnh lý do các men của tụy tăng cường hoạt động làm tiêu huỷ tổ chức của tụy Bệnh gặp không nhiều, có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, nhưng chủ yếu ở người 30-50 tuổi, cả ở nam và nữ.
Nguyên nhân của bệnh chưa rõ ràng, nhưng người ta thấy có một số yếu tố thuận lợi liên quan đến sự phát sinh bệnh như người béo, ăn nhiều đạm, mỡ, trứng, bị một số bệnh mạn tính như loét dạ dày, sỏi mật...
Bệnh thường biểu hiện bằng đau bụng đột ngột ở vùng thượng vị hoặc trên rốn, thường xảy ra sau một bữa ăn thịnh soạn. Đau bụng kèm theo nôn, nôn xong không đỡ đau, chướng bụng, không trung tiện được, có thể có đại tiện lỏng. Có thể sốt cao, vã mồ hôi, lo sợ, mạch nhanh, huyết áp tụt...
Khi bị viêm tụy cấp, nếu không được điều trị tích cực, bệnh nhân có thể tử vong do choáng, truỵ tim mạch, suy thận... Có hai biện pháp điều trị là nội khoa và ngoại khoa, trong đó điều trị nội khoa là cơ bản nhất với các thuốc làm hạn chế bài tiết các men của tuỵ, giảm đau, chống choáng, chống nhiễm khuẩn, chống hoại tử tế bào tụy...
Điều trị ngoại khoa thường được chỉ định trong trường hợp cần dẫn lưu dịch của tuyến tuỵ, nếu có sỏi hoặc giun trong ống mật hoặc ống tụy thì mổ để lấy giun, sỏi...
Nếu điều trị tích cực thì sau vài ba ngày bệnh lui dần, sức khỏe người bệnh trở lại bình thường. Tuy nhiên, vẫn phải đề phòng bệnh tái phát và xuất hiện các biến chứng như áp xe tụy, nhiễm khuẩn, viêm tụy mạn, tắc mật...
Nếu viêm tụy cấp tái phát nhiều lần, có thể xuất hiện viêm tụy mạn. Đây là tình trạng bệnh lý xơ hoá tụy làm mất chức năng ngoại tiết và nội tiết của tụy.
Bệnh gặp ở nam nhiều hơn nữ, chủ yếu ở tuổi 20-50. Bệnh thường biểu hiện bằng đau âm ỉ ở vùng thượng vị, có lúc đau dữ dội, kéo dài hàng ngày, hàng tuần.
Cơn đau thường tái phát sau khi ăn mỡ hoặc các chất chua cay; đau thường lan ra sau lưng, kèm theo đi ngoài phân lỏng nhiều lần trong ngày, trong phân có nhiều mỡ, xơ. Toàn trạng gày đét, da khô, thiếu máu, phù nề, mệt mỏi, giảm trí nhớ, lông, tóc, móng khô dễ rụng...
So với viêm tụy cấp, việc điều trị viêm tụy mạn khó khăn hơn, người bệnh khó trở lại cuộc sống bình thường. Điều trị nội khoa nhằm mục đích hạn chế quá trình xơ hóa của tụy, giảm đau, kích thích sự bài tiết dịch tụy, chế độ ăn thích hợp (ăn nhiều bữa, mỗi bữa đủ sinh tố và tinh bột), nếu có các bệnh túi mật, đường mật, loét dạ dày tá tràng... thì phải điều trị kết hợp.
Trong một số trường hợp cần thiết, có thể phẫu thuật để lấy sỏi, cắt thần kinh, cắt tụy...