Vì sao Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo không nên mang hàng xuất khẩu tới biên giới?

TPO - Mặc dù đã hết thời hạn thông báo dừng phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên khu vực biên giới (hạn cuối là ngày 5/3), nhưng do tình hình ùn ứ vẫn phức tạp nên Sở Công thương tỉnh này tiếp tục khuyến cáo các doanh nghiệp cân nhắc khi đưa hàng xuất khẩu tới xứ Lạng.

Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn đã ban hành văn bản số 326/SCT-QLTM về tình hình xuất nhập khẩu (XNK) tại địa phương. Trước đó, do tình trạng tồn, ứ hàng ở khu vực cửa khẩu rất lớn, Sở Công thương Lạng Sơn đã có đã 2 lần thông báo (Văn bản số 220/SCT-QLTM và 268/SCT-QLTM) về việc tạm dừng tiếp nhận phương tiện chở hoa quả tươi đến cửa khẩu đường bộ của tỉnh đến hết ngày 5/3/2022.

Ông Liễu Anh Minh, Phó Giám đốc Sở công thương Lạng Sơn cho biết, tuy đã hết thời hạn tạm dừng tiếp nhận hàng hoa quả đến cửa khẩu đường bộ Lạng Sơn, nhưng thực tế hiện nay, năng lực thông quan rất hạn chế, trong khi đó lượng phương tiện tồn tại khu vực biên giới hiện còn rất nhiều, khoảng 1.400 xe chở hàng xuất khẩu, phần nhiều là nông sản, hoa quả.

Tại khu vực cửa khẩu Lạng Sơn vẫn còn khoảng 1400 xe tồn, ứ nhiều ngày. Ảnh: Duy Chiến

Mặc dù năng lực bến bãi của Lạng Sơn đã được cải thiện đôi chút nhưng hiện có những xe hàng đã nằm tại cửa khẩu Lạng Sơn trên dưới 10 ngày. Ảnh: Duy Chiến

Nhiều xe chở hàng hoa quả do lưu bãi lâu, hàng xuống mã, có nguy cơ phải "quay đầu" về nội địa để tiêu thụ. Ảnh: Duy Chiến

Hiện nay, tại tỉnh Lạng Sơn đang duy trì thông quan hàng hóa tại 4 cửa khẩu (Hữu Nghị, Chi Ma, Tân Thanh và ga quốc tế Đồng Đăng). Tỉnh Lạng Sơn đã phối hợp với phía Trung Quốc xây dựng và triển khai phương thức giao nhận hàng XNK mới, áp dụng “cửa khẩu số”; Tuy nhiên, do thời gian triển khai rất gấp nên còn gặp một số khó khăn, vướng mắc trong việc khai báo, đăng ký phương tiện cũng như một số vấn đề kỹ thuật liên quan khác chưa thống nhất được giữa hai bên phát sinh trong vận hành, đặc biệt tại cửa khẩu Hữu Nghị vì vậy hiệu suất thông quan vẫn chưa được cải thiện.

“Dự báo từ ngày 06/3, sau khi hết thời hạn thông báo tạm dừng nêu trên, lượng trái cây tươi đưa lên cửa khẩu Lạng Sơn chờ xuất khẩu sẽ ngày càng tăng do các tỉnh phía Nam đang vào vụ thu hoạch. Ngoài ra, một số cửa khẩu tại các địa phương khác đang tạm dừng hoạt động, nếu xe hàng đổ về Lạng Sơn sẽ gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh, giữ gìn an ninh trật tự, công tác quản lý, đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu vực cửa khẩu trên địa bàn tỉnh, phát sinh tăng chi phí, thiệt hại về kinh tế cho lái xe, doanh nghiệp. Với năng lực thông quan chưa được cải thiện như hiện nay, để giải quyết hết lượng xe chở hàng hóa đang tồn ở các khu vực bến bãi chờ xuất khẩu trên cần khoảng 15 ngày. Tỉnh Lạng Sơn sẽ tạm dừng điều tiết xe chở hàng hóa xuất khẩu vào các khu vực cửa khẩu (Khu Phi thuế quan, Khu trung chuyển hàng hoá, các khu vực chờ xuất khẩu) nhằm đảm bảo thực hiện “vùng đệm”, “vùng xanh” an toàn đối với hàng nông sản xuất khẩu cho đến khi năng lực thông quan được cải thiện”, ông Liễu Minh Anh chia sẻ.

Lực lượng chức năng ở cửa khẩu nỗ lực điều tiết phương tiện ra vào biên giới, vừa lo chống dịch bệnh COVID-19. Ảnh: Duy Chiến

Lực lượng Hải quan ở cửa khẩu Lạng Sơn áp dụng "cửa khẩu số" và phương thức giao hàng mới có những khó khăn, bất cập, ảnh hưởng đến tiến độ thông quan hàng hóa qua biên giới. Ảnh: Duy Chiến

Do lượng thông quan hàng hóa hiện nay ở cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị mỗi ngày chỉ được 2-3 xe hàng xuất khẩu nên các lái xe "Đội chuyên trách" rất lo lắng, chờ mong tình hình được cải thiện thêm. Ảnh: Duy Chiến

Sở Công thương tỉnh Lạng Sơn tiếp tục khuyến cáo đến các doanh nhân, doanh nghiệp cân nhắc khi đưa hàng xuất khẩu (nhất là hàng nông sản, hoa quả tươi) đến Lạng Sơn khi lượng hàng tồn ở địa phương này còn rất nhiều. Các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, vận tải, xuất khẩu hàng hóa có liên quan cần chủ động theo dõi, cập nhật thường xuyên về tình hình tại các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn, năng lực bến bãi, tiến độ thông quan, phương thức giao nhận hàng hóa xuất nhập khẩu và đánh giá khả năng xuất khẩu để điều tiết phương tiện chở hàng và xây dựng phương án sản xuất, xuất khẩu hợp lý. Chủ động nắm bắt các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về chất lượng hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc để thực hiện tốt công tác khử khuẩn (từ khâu sản xuất, sơ chế, bảo quản, đóng gói, bao bì, nhãn mác, vận chuyển,...) đối với hàng hóa, không để bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trên hàng hóa hay bao bì.

Lạng Sơn mong muốn các Sở công thương các tỉnh, thành chủ động thông tin, cảnh báo tới các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp XNK hàng hóa qua biên giới Việt- Trung về tình tình tồn, ứ ở Lạng Sơn để tránh hàng hóa bị lưu bãi trong thời gian dài, làm giảm về chất lượng, mẫu mã gây thiệt hại về kinh tế và thời gian.