Vụ hàng loạt trẻ dương tính với sán lợn:

Vì sao không dừng xét nghiệm sớm hơn?

TP - Từ ngày 15-18/3, hàng ngàn gia đình ở huyện Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh ) nháo nhào đưa con về 2 bệnh viện lớn ở Hà Nội để xét nghiệm tìm sán lợn gạo. Đến ngày 21/3, Bộ Y tế có công văn đề nghị UBND tỉnh Bắc Ninh chỉ đạo Sở Y tế và các cơ sở y tế trên địa bàn dừng việc lấy mẫu máu xét nghiệm ELISA để chẩn đoán sán dây lợn. Vậy là sau gần 1 tuần những chiếc máy xét nghiệm chạy hết công suất, Bộ Y tế mới đưa ra lệnh “dừng”.
Trẻ được lấy máu tìm ấu trùng sán lợn gạo và những loại sán khác tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư-Hà Nội ảnh: Thái Hà

Những nhận định mâu thuẫn

Với tỷ lệ 11,9% trẻ em huyện Thuận Thành dương tính với sán lợn gạo, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, cho rằng không quá khác biệt với tỷ lệ nhiễm sán lợn chung ở 55 tỉnh thành khác. Tuy nhiên, bác sĩ Nguyễn Hà - nguyên trưởng khoa Ngoại tổng hợp (BV Đa khoa Bắc Ninh), người có 40 năm công tác trong ngành Y hiện sống tại tỉnh Yên Bái đưa ra câu hỏi: “Tỷ lệ nhiễm ở Thuận Thành là ở độ tuổi mầm non, vậy ông Kính so sánh với tỷ lệ ở 55 tỉnh thành khác là chung, hay cũng là mầm non??? Ông Kính hãy đưa ra nghiên cứu tổng kết nào chỉ riêng về trẻ mầm non ở các tỉnh thành nói trên, chứ đừng so với tỷ lệ nhiễm chung”.
Về con số trẻ dương tính với sán lợn gạo, GS.TS Kính cho rằng “ở mức bình thường”.

Tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Bắc Ninh, TS Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế ) cũng nhận định: “Tỷ lệ trẻ em ở Thuận Thành nhiễm sán cao nhưng không phải rất cao hay bất thường”. Trên mạng xã hội và các diễn đàn, nhiều người dân đặt câu hỏi với những chuyên gia đầu ngành như TS Kính và đại diện Bộ Y tế TS Nguyễn Thanh Phong: Tại sao tỷ lệ không bất thường mà không cho dừng xét nghiệm ồ ạt?

Lại nhắc lại, trong khi đó tại cuộc họp báo diễn ra ngày 15/3 tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư với nội dung công bố xét nghiệm bệnh lợn gạo, ông Kính đưa ra con số 44/173 trẻ dương tính (đến cuối buổi họp, con số được cập nhật là 44/209). Khi một phóng viên hỏi tỷ lệ nhiễm như vậy có bất thường không, GS.TS Nguyễn Văn Kính trả lời: Tỷ lệ này là con số cao bất thường, với trường mầm non đáng lẽ con số này phải thấp hơn nhiều, đây là một bệnh gần như được coi là đã bị lãng quên. Những phát ngôn bất nhất của chuyên gia đầu ngành như vậy càng khiến dư luận rơi vào mớ bòng bong và hoang mang.

Những câu hỏi “Tại sao” chưa có lời giải

Trong thông báo dừng lấy mẫu máu xét nghiệm Elisa để xét nghiệm sán dây lợn vừa ban hành hôm qua, Bộ Y tế cho rằng xét nghiệm ELISA dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn. Theo Bộ Y tế, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác. Đối với những trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA dương tính (+), không cần phải xét nghiệm lại và không phải điều trị, trừ trường hợp có triệu chứng lâm sàng, có chẩn đoán xác định hiện đang mắc bệnh thì sẽ được điều trị theo phác đồ quy định tại các cơ sở y tế địa phương. Trường hợp kết quả xét nghiệm ELISA âm tính (-) thì không cần phải xét nghiệm lại.

Tại sao sau gần 1 tuần sự việc gây ồn ào diễn ra mới có lệnh “dừng” lấy mẫu xét nghiệm sán dây lợn từ Bộ Y tế? Tại sao trong những ngày vừa qua GS.TS Nguyễn Văn Kính và nhiều chuyên gia hàng đầu về ký sinh trùng liên tục khẳng định dương tính với sán vẫn chưa thể nói là có sán, mà để xác định có sán hay không cần phải làm các xét nghiệm khác, vậy mà vẫn để tình trạng người dân ồ ạt đưa con đến các bệnh viện lớn ở Hà Nội xét nghiệm bất chấp mưa rét? Tại sao những chuyên gia hàng đầu này không khuyến cáo cho người dân về những thông tin nói trên ngay từ một hai ngày đầu xảy ra sự việc? Tại sao những người đứng đầu hai bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư và Viện Sốt rét- Ký sinh trùng - Côn trùng T.Ư vẫn tiếp nhận tất cả những trẻ đến lấy mẫu xét nghiệm bất chấp kết quả đó chả có ý nghĩa gì như Bộ Y tế và các chuyên gia khẳng định: “Xét nghiệm ELISA dương tính (+) không thể khẳng định là hiện tại đang mắc bệnh sán dây lợn, đây là xét nghiệm mang tính chất hỗ trợ khi có dấu hiệu lâm sàng và có một số kết quả xét nghiệm xác định khác”?

Khoảng 2.000 gia đình đã đưa trẻ đi khám, làm xét nghiệm, có những nhà có 2-3 con đều được xét nghiệm. Trong khi đó theo công bố của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, 1 mẫu xét nghiệm có giá dao động từ 700 - 1 triệu đồng và hoàn toàn do gia đình trẻ tự thanh toán, không được Bảo hiểm Y tế chi trả.

Với sự không rõ ràng về truyền thông y tế của ngành Y tế như vậy, hệ quả dẫn đến hàng ngàn gia đình mất một số tiền không nhỏ. Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh (Bệnh viện Nhi đồng 1 - TPHCM) trả lời báo chí rằng việc xét nghiệm cho các cháu nhỏ như vậy là hoàn toàn không cần thiết. Cho dù mới đây tỉnh Bắc Ninh thông báo sẽ chi trả tiền xét nghiệm cho các gia đình này thì số tiền đó vẫn rất lãng phí!