Vì sao hàng Việt khó chen chân vào chợ Đồng Xuân?

Tiểu thương chợ Đồng Xuân cho biết rất tha thiết bán hàng Việt bởi khách hàng hiện giờ thấy hàng Trung Quốc thì không mua nhưng tìm mối hàng trong nước lại không hề dễ dàng.
Rất nhiều sản phẩm ở chợ Đồng Xuân không rõ nguồn gốc. Ảnh: Vnexpress

Hội nghị đối thoại giữa Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR) với thương nhân chợ Đồng Xuân tại Hà Nội mới đây đã bộc lộ ra nhiều khúc mắc về việc hàng Việt bị đánh bật khỏi nhiều khu chợ truyền thống nói chung.

Thực tế, cách đây 3 năm, AVR và Công ty CP Đồng Xuân, đơn vị quản lý chợ Đồng Xuân, đã tổ chức tọa đàm về chủ đề tương tự, nhưng theo phản ánh của tiểu thương, tỉ trọng hàng Việt vào chợ vẫn chưa được như mong muốn.

Báo cáo của Phòng Quản lý Chợ Đồng Xuân cho thấy tỉ lệ hàng hóa Trung Quốc đối với một số ngành hàng tại chợ hiện nay vẫn còn rất cao. Cụ thể, hàng vải sợi, tỉ lệ hàng Trung Quốc là 55%, ngành hàng quần áo 60%, giày dép 30%, ngành tạp phẩm 60% và đáng kể nhất là ngành hàng lưu niệm có tới 80% hàng Trung Quốc…

Một câu chuyện đáng lưu tâm được bà Nguyễn Thị Dung - Tổ trưởng ngành giày dép tại chợ Đồng Xuân chia sẻ là những năm 1991-1992, kinh doanh ở chợ Đồng Xuân vô cùng sầm uất, hàng Việt còn “đổ” sang Trung Quốc. Nhưng sau này, hàng từ Trung Quốc lại chuyển ngược về Việt Nam và thống lĩnh thị trường.

Lý giải điều này, bà Dung và nhiều tiểu thương khác cho biết khâu tiếp thị, quảng cáo, tiếp cận thị trường tiêu dùng của doanh nghiệp (DN) Việt thua xa thương nhân Trung Quốc. “Khi chúng tôi kinh doanh, chưa bao giờ DN sản xuất hàng Việt tới tiếp thị. Còn phía Trung Quốc thì họ tiếp thị đến tận nơi, thuê hẳn chỗ kinh doanh, tạo điều kiện cho chúng tôi bày hàng mẫu, không bán được có thể trả lại. Trong khi đó, DN Việt bắt chúng tôi phải mua vài trăm đôi giày dép, quầy hàng có 2m2, chúng tôi không biết để vào đâu? DN mình làm kém “người ta” rồi” - bà Dung nói.

Trong khi đó, ông Nguyễn Công Minh, Tổng Giám đốc Công ty CP Quốc tế VAG, doanh nghiệp chuyên sản xuất hàng gia dụng, khăn bông, cho biết đã nghiên cứu đưa hàng vào chợ khoảng 1 năm nay nhưng chưa làm được tiểu thương kêu giá đắt và họ không hiểu hết những tiêu chuẩn chất lượng hàng hóa mà công ty cung ứng.

Theo ông Đỗ Xuân Thủy, Tổng Giám đốc công ty CP Đồng Xuân, đầu vào hàng hóa tại chợ hoàn toàn do tiểu thương tự tìm kiếm. Việc tiếp cận của bà con với hàng Việt Nam vẫn còn trở ngại do hai bên chưa hiểu nhau, chưa có niềm tin với nhau.

Ông Thủy cho biết chợ Đồng Xuân hiện có gần 2.300 hộ kinh doanh. Mỗi ngày, lượng hàng hóa lưu chuyển tại đây dao động 10-20 tấn. Từ đây, hàng được vận chuyển đi khắp các vùng miền trên cả nước. Do vậy, nếu DN Việt Nam khai thác được kênh phân phối này thì hàng Việt sẽ sớm tìm lại chỗ đứng trên thị trường nội địa.

Giải pháp được các chuyên gia đưa ra là các DN Việt cần linh hoạt hơn nữa trong chiến lược kinh doanh, nhất là việc tiếp thị, quảng bá sản phẩm, chấp nhận những đơn hàng nhỏ lẻ để dần chiếm lĩnh thị trường. Quan trọng nhất là tiểu thương phải tạo được niềm tin cho DN và ngược lại. Đây chính là nút thắt cần giải quyết hiện nay.

Theo Thùy Dung
Theo Người Lao Động