Vì sao hàng hiệu Ý giá chục ngàn USD mà vẫn hút khách?

TPO - “Một chiếc túi Prada có giá vài ngàn đến hàng chục ngàn USD, một bộ quần áo thời trang của Chanel cũng có giá cao như vậy. Những đồ hiệu đắt tiền này không phải được sản xuất từ dây chuyền máy móc hiện đại nhất, mà nó là kết tinh của sự khéo léo và lành nghề của những người thợ tài hoa,” bà Barbara Trebitsch, “Đại sứ thương hiệu Ý” đã chia sẻ như vậy với các nhà thiết kế Việt Nam tại Hà Nội.
Đại sứ thiết kế Ý Barbara Tresitsch (ngoài cùng bên trái) , nhà thiết kế Minh Hạnh (thứ ba từ trái sang) trong cuộc gặp gỡ các nhà thiết kế Ý- Việt. (Ảnh: L.A)

Là một người đã từng làm thiết kế và có hơn 20 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực đào tạo thời trang, bà Barbara Tresitsch cho biết, thiết kế Ý không phải chỉ là một bộ quần áo thời trang, mà nó thể hiện triết lý và cách sống Ý.

Bà Barbara cho biết, trong thời trang, chất liệu là một yếu tố quan trọng. Bà lấy ví dụ, một người bạn  là một nhà cung cấp vải cao cấp cho các thương hiệu thời trang nổi tiếng của Ý. Thời gian gần đây, ông đã phải sang tận Nhật Bản để mua những chiếc máy quay bằng cơ để sản xuất vải cho Chanel.

Nhiều người nghĩ rằng, ngành thiết kế Ý phát triển như vậy,chắc phải có dây chuyền sản xuất rất hiện đại. Thực tế  ngược lại. Các cơ sở sản xuất của Ý không phải quá lớn, nhưng tinh và gọn. Ở Ý có các quận chuyên sản xuất các phụ liệu tinh xảo, bạn cần gì là có thể tìm được ở đó.

Trước câu hỏi của nhà báo Việt Nam: “Liệu Việt Nam có thể xuất khẩu áo dài ra thế giới?” Bà Barbara nói: “Trước khi sang Việt Nam, tôi có nghiên cứu áo dài Việt Nam và tôi nhận thấy, người nước ngoài nhìn vào áo dài Việt Nam thường nhìn vào chất liệu lụa, độ tinh xảo của thêu. Nếu Việt Nam chọn áo dài làm xuất phát điểm là đúng đắn. Tôi thấy việc thổi hồn vào nó rất quan trọng và cần phải tìm được tiếng nói chung để tất cả hiểu nhau.”

“Nếu áo dài Việt Nam có sự điều chỉnh cho phù hợp với phụ nữ phương Tây chắc sẽ rất cuốn hút. Di sản vừa là thế mạnh, nhưng nếu không có sự sáng tạo từ yếu tố truyền thống thì khó vươn ra thế giới được”, bà Barbara nói.

Bà khẳng định, áo dài Việt Nam rất gợi cảm. Nếu các nhà thiết kế Việt tự tin vào chính mình, các bạn sẽ thành công. Sở dĩ người Ý thành công là nhờ vào sự độc lập và sáng tạo.

Chia sẻ những trăn trở về ngành thiết kế thời trang Việt Nam, nhà thiết kế Minh Hạnh, Chủ tịch Hội đồng thời trang Việt- Ý cho biết, ngành thiết kế thời trang Việt Nam hiện nay được đánh giá là đang phát triển do nhu cầu thời trang của người Việt đang ngày càng tăng. Tuy nhiên, với tư cách người trong nghề, NTK Minh Hạnh nhận thấy, ngành thiết kế Việt đang thiếu hai điều căn bản: Đào tạo và chất liệu.

Theo NTK Minh Hạnh, chất liệu ở đây không phải là đắt hay rẻ, mà là nó đã đáp ứng được khuynh hướng thời trang hay chưa. Có thể nói, ngành công nghiệp dệt Việt Nam hiện nay là con số 0.

NTK Minh Hạnh đã từng tới thủ phủ của ngành sản xuất kính ở Milan và hết sức ngạc nhiên khi thấy đó là một nhà máy không lớn, nếu so với các nhà máy công nghiệp ở Việt Nam, nhưng họ đã có thể sản xuất ra những chiếc kính mắt làm điên đảo hàng triệu tín đồ thời trang thế giới.

Chị khẳng định: “Thiết kế vẫn là vấn đề cốt lõi. Tôi đang muốn tổ chức một chuyến  tham quan học tập cho các sinh viên Việt Nam sang đây để học hỏi kinh nghiệm và giúp họ có cái nhìn về thời trang cao cấp. Hiện, Việt Nam vẫn chưa có các nhà thiết kế về mắt kính.”

Nhà thiết kế La Hằng cũng nhận định rằng, tiềm năng của các sinh viên ngành thiết kế thời trang là rất lớn, tuy nhiên họ thiếu sự đào tạo chuyên sâu và bài bản. Chị cho rằng, nếu các em được đào tạo về thời trang giống như chị đã từng đươc đào tạo ở Mỹ cách đây hơn 30 năm, chắc chắn ngành thiết kế thời trang Việt Nam sẽ phát triển bền vững.