Nóng lạnh chuyện vợ chồng
Thư Cúc từ khi được bổ nhiệm làm giám đốc chi nhánh tại Việt Nam của một công ty dược lớn thì đồng thời rất khó khăn để trích ra thời gian dành cho gia đình trong cả ngày dày đặc công việc của mình. Mặc dù đã hạn chế ở mức cao nhất có thể, cô vẫn không tránh khỏi những buổi tối phải đi tiếp khách, phải dùng chút rượu, bia. Trên xe về nhà, cô ơn ớn khi nghĩ đến ánh mắt sắc lẻm của chồng. Bài của anh là im lặng. Đúng là một sự “im lặng đến tê người”, vợ chồng như hai diễn viên kịch câm trong nhà.
Tuy vậy, cô vẫn chưa tìm ra cách để chồng vui vẻ chấp nhận hoàn cảnh. Một lần, đã lên xe đi làm, chợt nhớ ra quên tài liệu, Ánh bảo lái xe vòng lại nhà. Bất chợt cô nhìn thấy chồng mình đứng trên ban công tầng 2 nhìn xuống đường, cô vụt hiểu rằng anh cứ đứng thẫn thờ như thế nhìn vợ mình “xe đưa xe đón”. Mối nghi ngờ của cô càng được củng cố khi tối về, hỏi con gái, nó phô: Con thấy ba hay đứng ngoài ban công như vậy khi mẹ đi làm. Rồi ba thở dài, mặt ba buồn lắm.
Trong câu chuyện thầm kín của hai vợ chồng, Cúc có tự lừa dối chính bản thân mình đến đâu thì cũng không thể không nhận ra rằng, gối chăn im ắng đã từ lâu. Chồng đi nhậu về muộn hơn, khi về thì lẳng lặng nằm ngủ ở sofa. Mà nhiều hôm Cúc cũng không thể thức đợi đến khi chồng về.
Cuộc sống vợ chồng lửng lơ, không ly thân nhưng cũng hiếm khi gần gũi. Điều này quá xa lạ với một người nồng nhiệt như chồng của Cúc. Cô mê anh một phần cũng vì thế, cảm thấy mình được cuốn vào theo những cơn hưng phấn của anh, sung sướng vì mình là người đàn bà được yêu, được chồng đắm đuối vồ vập. Cái đó cộng thêm cho cô bao nhiêu là kiêu hãnh đàn bà. Cúc từng đưa lên facebook một câu thế này: Tôi cần được ôm nhưng đừng tỉ mỉ quá. Đó là cái thời vợ chồng ríu rít, cô thậm chí còn hơi sợ sự cuồng nhiệt hơi vượt ngưỡng của anh, đưa lên mạng câu hài hước cũng hơi có ý nhắc khéo chồng. Thế mà giờ ái ân mê đắm chỉ còn là kỷ niệm. Chồng như thành người khác. So sánh thì chuyện vợ chồng quá khứ như cơm vừa chín tới, bốc hơi nóng hôi hổi còn giờ như cơm tẻ để lưu cữu tủ lạnh cả tuần.
Lời khuyên của chuyên gia
Đây là một trong không ít trường hợp đến với chuyên gia tâm lý. Thư Cúc bản chất vẫn là một phụ nữ Á Đông, cho dù thành đạt cô vẫn đề cao hạnh phúc gia đình. Cô sẽ không thể thấy cuộc sống của mình an yên nếu như gia đình không chạy theo cái guồng thông thường của nó. Khi gối chăn không còn… xô lệch mà nguyên nhân từ phía người chồng, phản xạ đầu tiên của người vợ sẽ nghĩ đến một căn bệnh nào đó.
Thư Cúc là người văn minh, hấp thụ những kiến thức của thời hiện đại, trong đầu cô le lói hình ảnh một phòng khám nam khoa. Nhưng đồng thời cô cũng biết chồng mình sẽ không bao giờ chịu đi khám bác sĩ nam khoa, đó là cái sĩ diện của đàn ông - một phần do họ cũng còn hiểu chưa đúng về lĩnh vực này. Bởi thế, cô đã âm thầm gõ cửa một chuyên gia tâm lý, để xin những tư vấn cho cái tình trạng “yếu” của chồng.
Câu trả lời của chuyên gia tâm lý khiến Cúc ngỡ ngàng. Chuyên gia nói rằng, cái sự “xìu xìu” của chồng nhiều phần không vì anh đang mang trong mình một bệnh lý đàn ông nào đó mà hoàn toàn có thể nguyên nhân từ tâm lý mặc cảm. Anh mặc cảm với sự thành đạt của vợ. Từ mất tự tin trong đời thường đến mất hứng thú trong chuyện gối chăn, đường cũng gần. Thậm chí cái sự từ chối gối chăn cũng tương tự sự trả thù... vợ, dù là vô thức. Đúng hơn là một sự phản kháng tiêu cực của anh với sự thăng tiến của vợ.
Chuyên gia nói rằng Cúc cần cố gắng gấp nhiều lần một phụ nữ bình thường nếu muốn cuộc sống vợ chồng trở lại bình thường. Gốc của vấn đề là kéo chồng lên khỏi hố sâu của sự mặc cảm. Chuyên gia nói rằng, cô cũng hơi hồn nhiên khi không che giấu niềm vui của sự thành đạt, chồng lại là người có hệ thần kinh quá nhạy cảm. Nhưng giờ đây, cô không chỉ phải học cách đè nén cảm xúc của mình mà còn phải dìu chồng quen dần với những đổi thay tương tự. Từ làm quen đến chấp nhận là cả một con đường dài.
Tôi cần được ôm. Và phải thật tỉ mỉ. Câu slogan ở thời kỳ bình thường mới của Thư Cúc, sau cuộc trò chuyện cùng chuyên gia tâm lý.