Vì sao cơ sở chế biến thủy sản bị xếp vào nhóm nguy cơ gây ô nhiễm môi trường?

Đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân, ngư dân sinh sống.
Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường đưa các cơ sở chế biến thủy sản vào Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường

Bộ Tài nguyên và Môi trường đang lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ môi trường. Trong đó, đưa các cơ sở chế biến thủy sản vào Mục III danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Quy định này gây ra nhiều ý kiến trái chiều của các doanh nghiệp chế biến thủy sản.

Lý giải về quy định này, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, đây không phải là quy định mới của Dự thảo Nghị định mà đã được kế thừa quy định của Nghị định số 40/2019/NĐ-CP của Chính phủ và đã được triển khai thực hiện ổn định cho đến nay.

Quy định này xuất phát từ lý do đặc thù của loại hình chế biến thủy sản thường phát sinh nước thải có hàm lượng chất ô nhiễm hữu cơ rất cao, lưu lượng xả thải lớn, vị trí sản xuất thường nằm ở khu vực ven sông, ven biển và nơi có nhiều cư dân, ngư dân sinh sống, nước thải có nguy cơ gây phú dưỡng, ảnh hưởng đến môi trường và các hệ sinh thái ven sông, ven biển.

Đặc biệt, thông số ô nhiễm amonia trong nước thải chế biến thủy sản có tính độc cao đối với các loài sinh vật nên các quy chuẩn, tiêu chuẩn kiểm soát chất lượng nước cấp ở Việt Nam cũng như trên thế giới đều có kiểm soát chặt chẽ các thông số chất ô nhiễm liên quan đến Nitơ do ảnh hưởng đến sức khỏe con người khi sử dụng. Ngoài ra, các cơ sở chế biến thủy sản thường phát sinh mùi hôi, khó xử lý và kiểm soát gây ảnh hưởng đến môi trường không khí xung quanh.

Vì những lý do trên, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết, việc quy định loại hình này thuộc nhóm có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường để có sự kiểm soát chặt chẽ hơn là cần thiết, phù hợp với các quy định của quốc tế. Qua đó sẽ tạo thuận lợi cho các sản phẩm chế biến thủy sản của Việt Nam có thể đáp ứng được các yêu cầu về BVMT khi tham gia vào thị trường thế giới. “Tuy nhiên, loại hình này cũng chỉ được xếp vào mục III là nhóm có nguy cơ thấp nhất so với các loại hình thuộc mục I và mục II”, đại diện Bộ Tài nguyên và Môi trường chia sẻ.