Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam - cho biết, xuất khẩu gạo đang gặp thuận lợi nhất trong vòng 10 năm trở lại đây khi chỉ trong vòng nửa năm đã đạt được kim ngạch 2,4 tỷ USD.
Theo ông Nam, hiện nhu cầu nhập khẩu tại các thị trường truyền thống như Philippines, Trung Quốc và Malaysia đều tăng mạnh. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu gạo sang Philippines đạt hơn 772 triệu USD, tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái. Cùng với đó, gạo xuất khẩu sang các thị trường mới như Indonesia và một vài quốc gia châu Phi tăng đột biến.
Đặc biệt, Việt Nam tăng mạnh xuất khẩu gạo thơm và gạo có chất lượng vào các thị trường ngách nên trị giá thu được rất cao. Xuất khẩu gạo trong 6 tháng ước tăng 22,2% về lượng nhưng tăng tới 34,7% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
"Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam trong những ngày đầu tháng 7 tiếp tục duy trì ở mức 508 USD/tấn đối với gạo loại 5% tấm và 488 USD/tấn loại 25% tấm. Đây là mức cao nhất trong số các nước xuất khẩu gạo. Gạo hữu cơ chất lượng cao xuất sang thị trường châu Âu cũng có mức giá rất tốt, có thể đạt 1.500 - 1.800 USD/tấn", ông Nam cho hay.
Ông Nguyễn Văn Đôn - Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng - cho biết, Việt Nam đang có nhiều cơ hội khi sản lượng gạo của Ấn Độ và Thái Lan bị ảnh hưởng vì El Nino khiến năng suất giảm. Trong khi đó, chiến sự Nga và Ukraine khiến nhu cầu dự trữ lương thực trên toàn cầu tăng.
Theo ông Đôn, hiện các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều nhận đơn hàng dồn dập trong nhiều tháng qua nhưng nguồn cung gạo trong nước không đáp ứng đủ. "Các doanh nghiệp gần như vét sạch kho để xuất khẩu. Giờ chờ thu mua lúa gạo vụ mới mới có hàng giao tiếp", ông Đôn nói.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) - cho biết, các nước trên thế giới đang rất quan tâm vấn đề an ninh lương thực. Trong các hội nghị quốc tế, các nước đều đặt vấn đề hợp tác lương thực với Việt Nam.
Theo ông Tiến, trong bối cảnh nhu cầu trên thế giới tăng cao, sản xuất lúa trong nửa đầu năm gặp nhiều may mắn. Trước nay, người dân vẫn quan niệm năm nhuận, năng suất lúa gạo sẽ giảm nhưng năm nay tình trạng đó lại không xảy ra.
"Vụ Đông Xuân vừa qua năng suất lúa của Việt Nam đạt mức cao kỷ lục trong 20 năm qua, bình quân đạt 67 tạ/ha, tăng 1,8 tạ/ha. Nhiều sản phẩm từ gạo được chế biến sâu, rơm và trấu đều được tận dụng hết. Với tình hình này, dự báo năm nay, xuất khẩu gạo có thể đạt kỷ lục trên 4 tỷ USD”, ông Tiến nhận định.
Trước tình hình xuất khẩu gạo gặp cả "thiên thời" và "địa lợi", Thủ tướng vừa có công điện yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố; Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam tăng cường thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu gạo.
Thủ tướng yêu cầu Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương phát triển giống lúa năng suất, chất lượng cao phù hợp yêu cầu thị trường, sử dụng hiệu quả thương hiệu và nhãn hiệu Gạo Việt Nam/VietNam rice; xây dựng các tiêu chuẩn về sản xuất, chế biến và chất lượng sản phẩm phù hợp với hội nhập quốc tế trong tình hình hiện nay.
Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đa dạng hóa thị trường xuất khẩu gạo. Cùng với đó, Bộ cần tận dụng tiến trình rà soát các hiệp định thương mại để đề nghị các đối tác mở cửa thêm, gia tăng hạn ngạch cho Việt Nam.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương khẩn trương hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 107 về kinh doanh xuất khẩu gạo, trình Chính phủ trong Quý III năm nay.