Một vệ tinh của Trung Quốc đã vỡ tan một cách ngoạn mục trên bầu trời nước Mỹ như một "quả cầu lửa".
Vệ tinh chụp ảnh thương mại GaoJing 1-02 đang di chuyển với tốc độ 27.400 km/giờ khi nó đi vào bầu khí quyển phía trên bầu trời New Orleans ngày 21/12. Sau đó, nó hướng về phía bắc tới Mississippi, Arkansas và Missouri, Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý thiên văn Harvard và Smithsonian, đã viết trên Bluesky.
Vệ tinh ngừng hoạt động là rác vũ trụ
Theo NASA, vệ tinh GaoJing 1-02, hay còn gọi là Superview 1-02, được phóng vào cuối năm 2016. McDowell lưu ý rằng, vệ tinh đã bị ngừng hoạt động gần hai năm trước, vì vậy việc nó rơi trở lại Trái đất chỉ là vấn đề thời gian.
"Việc các vệ tinh ở quỹ đạo thấp quay trở lại bầu khí quyển diễn ra tự nhiên, bạn phải khởi động động cơ để đẩy các vệ tinh này trở lại quỹ đạo nhằm tránh điều đó, và vệ tinh này đã ngừng hoạt động cách đây gần 2 năm", McDowell viết.
Khi vệ tinh tan rã trong bầu khí quyển của chúng ta, hình ảnh và video về sự kiện này tràn ngập trên mạng xã hội, trong khi Hiệp hội thiên thạch Hoa Kỳ chỉ nhận được 120 báo cáo về một "quả cầu lửa". Một số người quan sát bầu trời đã nhầm vệ tinh này với trận mưa sao băng Ursid , cũng đạt đỉnh vào cuối tuần.
McDowell lưu ý rằng vệ tinh này đủ nhỏ để gần như cháy hoàn toàn trước khi rơi xuống đất, và hiện vẫn chưa rõ liệu có mảnh nào còn sót lại hay không.
Vệ tinh này là tàu vũ trụ thứ hai của Trung Quốc bốc cháy trên bầu trời Bắc Mỹ trong những ngày gần đây. Hiệp hội Thiên văn học Caribe, hay Sociedad de Astronomía del Caribe (SAC), đã quay được cảnh một tên lửa Trung Quốc vỡ tan trên bầu trời Puerto Rico.
Tên lửa Trường Chinh (Longmarch) 4B, hay CZ-4B, được phóng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương vào ngày 16/8. Tên lửa dài 44m và mang theo các vệ tinh Yaogan-43 được phân loại vào không gian, trước khi mất độ cao trong bốn tháng tiếp theo, Eddie Irizarry , đại sứ hệ mặt trời của NASA và chủ tịch ủy ban phổ biến khoa học tại SAC, đã báo cáo với EarthSky .
"Thân của tên lửa dần mất độ cao", Irizarry viết. "Cuối cùng, lực cản của khí quyển khiến nó tan rã khi đạt đến độ cao khoảng 113 km trên bầu trời Puerto Rico".