Về nơi đầu tiên ở miền Nam được giải phóng

TP - Lộc Ninh (Bình Phước) là vùng đất đầu tiên của miền Nam được giải phóng. Nơi đây đã chứng kiến, ghi dấu bao sự kiện lịch sử quan trọng, đặc biệt là Chiến dịch Hồ Chí Minh.

Tháng 3/2023, đoàn công tác của báo Tiền Phong trở về Lộc Ninh (Bình Phước) thăm hai địa chỉ đỏ là sân bay Lộc Ninh, nơi trao trả tù binh theo Hiệp định Paris và căn cứ Tà Thiết - trung tâm đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam và Bộ Tư lệnh Miền.

Hiện tại sân bay Lộc Ninh và căn cứ Tà Thiết đều trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia, được phục dựng nguyên trạng. Những căn nhà lá đơn sơ là nơi ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo Bộ Tư lệnh Miền ngày ấy, như Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh…vẫn còn nguyên vẹn, ẩn giữa những khu rừng cây cao vút. Nơi đây trở thành điểm tham quan, giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ trẻ. Mặc nắng nóng như đổ lửa, rất nhiều đoàn khách, đặc biệt học sinh vẫn đến viếng thăm căn cứ Tà Thiết.

Sỹ quan Mỹ được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trao trả

Trao trả tù binh

Từ Tà Thiết, ngày 31/01/1973, Thượng tướng Trần Văn Trà dẫn đầu phái đoàn quân sự Chính phủ Cách mạng lâm thời miền Nam Việt Nam bay về Sài Gòn dự phiên họp đầu tiên của Ban Liên hiệp quân sự bốn bên tại trại Davis (sân bay Tân Sơn Nhất). Sân bay quân sự Lộc Ninh được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam chọn làm nơi tiến hành trao trả tù binh theo Hiệp định Paris. Ngày 12/2/1973, đoàn Ủy ban Quốc tế đến Lộc Ninh để kiểm tra công tác trao trả tù binh.

Bà Trần Duy Phượng, một trong những cựu tù được chính quyền Việt Nam cộng hòa trao trả vào ngày 15/2/1973 nhớ lại, khi được đưa từ Khám lớn Cần Thơ lên máy bay, bà không nghĩ là mình được trả tự do. Mãi khi máy bay hạ cánh, nhìn ra bên ngoài thấy cờ Giải phóng cùng những bức ảnh Bác Hồ được treo, bà mới tin là mình đã được về với đồng đội và nhân dân. “Nhiều người trong chúng tôi đã oà khóc, không tin được mà cứ ngỡ mọi chuyện như mơ. Chúng tôi được các chiến sỹ Giải phóng đón tiếp, chăm sóc tận tình. Mãi đến bây giờ tôi vẫn không quên cảm giác sung sướng đó”, bà Duy Phượng nói.

Bà Tư Ni, cựu tù Côn Đảo cũng có cảm xúc vỡ oà khi được trao trả tại sân bay Lộc Ninh. Bà kể: “Chúng đưa tôi từ Côn Đảo về Cần Thơ rồi đưa tôi lên máy bay. Không biết đi đâu và tui chỉ sợ chúng đưa đi thủ tiêu. Khi xuống sân bay Lộc Ninh, thấy nhiều quân Giải phóng đội mũ tại bèo mới an tâm”.

Cùng với tiếp nhận các cựu tù Cách mạng, Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam cũng trao cho phía bên kia 27 tù binh Mỹ từng tham gia trong các trận càn, bị ta bắt và giam giữ tại chiến khu. Cho tới tháng 3/1974, tại sân bay Lộc Ninh đã có 4 đợt trao trả tù binh. Khi được trở về, các chiến sỹ cách mạng trung kiên, những con người yêu nước bị chính quyền Sài Gòn giam cầm đã cùng nhân dân Lộc Ninh hô vang khẩu hiệu: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do” và cùng với lực lượng quân Giải phóng, tiếp tục bắt tay vào với nhiệm vụ giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Du khách nghe chuyện tại căn nhà bà Nguyễn Thị Định từng ở thuộc Căn cứ Tà Thiết

Khởi phát tên gọi và mệnh lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh

Tháng 4/1972, sau khi Lộc Ninh được giải phóng, trụ sở của Bộ Chỉ huy miền đóng tại khu B Chiến khu Dương Minh Châu (tỉnh Tây Ninh) được dời về Tà Thiết (Lộc Thành, Lộc Ninh). Từng Tà Thiết nhiều tán cây lớn, được bao bọc bằng những rừng le đan chằng chịt nên rất khó để có thể thâm nhập. Bên cạnh đó, những cánh rừng được trải rộng tới Chiến khu B hay giáp biên giới Campuchia, rất thuận lợi trong việc tổ chức triển khai các hoạt động vận chuyển quân, vận chuyển lương thực khí tài từ miền Bắc chi viện. Vì thế, Tà Thiết được Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam lựa chọn làm căn cứ và trở thành trung tâm đầu não của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, là nơi làm việc của các đồng chí chỉ huy Bộ Tư lệnh Miền như Tư lệnh Trần Văn Trà, Phó Tư lệnh Nguyễn Thị Định, Chính ủy Phạm Hùng, Phó Tư lệnh kiêm tham mưu trưởng Lê Đức Anh…

Căn cứ Tà Thiết được xây dựng trên quy mô lớn với diện tích khoảng 16km2, bao gồm các hệ thống hầm, hào, trạm xưởng, hội trường ngầm, các khu nhà ở và làm việc của các đồng chí lãnh đạo. Tất cả hệ thống đều được xây dựng chắc chắn, bảo đảm tốt và phù hợp cho việc huấn luyện và tổ chức chiến đấu. Tà Thiết cũng là điểm tập kết quân lớn nhất từ miền Bắc vào Nam để chuẩn bị các chiến dịch.

Trong thời gian từ tháng 3 đến giữa tháng 4/1973, tại khu căn cứ Tà Thiết đã diễn ra nhiều sự kiện quan trọng. Trong đó, ngày 3/4/1975, đồng chí Phạm Hùng - Bí thư Trung ương Cục miền Nam đã quán triệt Chỉ thị của Bộ Chính trị về quyết tâm và phương án giải phóng Sài Gòn. Ngày 8/4/1975, đồng chí Lê Đức Thọ đã thay mặt Bộ Chính trị phổ biến Nghị quyết thành lập Bộ Chỉ huy Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định. Bộ Chỉ huy Chiến dịch đề nghị Trung ương đổi tên Chiến dịch giải phóng Sài Gòn - Gia Định là “Chiến dịch Hồ Chí Minh”. Ngày 14/4/1975 công điện mật từ Trung ương Đảng gửi vào Tà Thiết ghi rõ: “Đồng ý Chiến dịch giải phóng Sài Gòn lấy tên là Chiến dịch Hồ Chí Minh”.

Ngày 26/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh chính thức mở màn với 5 mũi tiến công vào hướng nội đô Sài Gòn, lần lượt giải phóng các tuyến phòng thủ vùng ven, phá vỡ các mắt xích phòng thủ vòng ngoài của quân đội Việt Nam Cộng hoà, cắt đứt giao thông đường bộ, đường thủy xuống đồng bằng sông Cửu Long và ra biển, khống chế các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất, Trà Nóc (Cần Thơ), vây ép Sài Gòn trên tất cả các hướng, không cho các Sư đoàn chủ lực quân đội Sài Gòn co cụm về vùng ven và nội đô, tạo điều kiện cho bước kế tiếp tiến công đồng loạt vào sào huyệt đối phương.

Đoàn công tác báo Tiền Phong viếng thăm Căn cứ Tà Thiết

11h30 ngày 30/4/1975, lá cờ của quân Giải phóng đã tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng.

Theo tư liệu của Bảo tàng tỉnh Bình Phước, hai cứ điểm tại Lộc Ninh là sân bay Lộc Ninh và căn cứ Tà Thiết có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong đó sân bay Lộc Ninh là nơi trao trả tù binh, góp phần vào chiến thắng của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam trên mặt trận ngoại giao. Còn khu căn cứ Tà Thiết là căn cứ cuối cùng của Bộ Chỉ huy miền được lập trên chiến trường miền Nam. Chính nơi đây Bộ Chỉ huy Miền đã phát ra mệnh lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh để dẫn tới chiến thắng lịch sử, thống nhất đất nước.

PGS-TS Hà Minh Hồng, tác giả bộ sách Nhật ký thời chiến Việt Nam đánh giá: “Sau khi trở thành vùng đất đầu tiên được giải phóng, huyện Lộc Ninh đã tạo ra bàn đạp mới cho sự tiến công và nổi dậy, đặc biệt là sự tiến công của quân giải phóng. Mặt trận Lộc Ninh trở thành nơi tập hợp tất cả lực lượng của ta như một sức mạnh 1 ngày bằng 20 năm. Cả nước đã ra quân, hành quân, cùng với các lực lượng khác đấu tranh để tiến tới giải phóng miền Nam”.