Sáng 10/10, Bộ GTVT tổ chức thông tin thêm về dự án Cảng Hàng không quốc tế Long Thành sau khi dấy lên dư luận lo ngại về số tiền ngân sách lớn dành cho dự án này.
Ông Nguyễn Nguyên Hùng, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tổng Cty Cảng Hàng không Việt Nam, chủ đầu tư dự án cho biết: Vốn ngân sách dành cho dự án để phục vụ công tác giải phóng mặt bằng (khoảng 18.000 tỷ đồng) và xây dựng các đường giao thông kết nối, nhà làm việc cho các cơ quan quản lý (là những hạng mục không sinh lời). Tổng Ngân sách của hai hạng mục này khoảng hơn 24.000 tỷ.
Vốn vay nước ngoài theo hình thức ODA lâu nay được hiểu là vốn ngân sách. Tuy nhiên, phương án được chủ đầu tư đưa ra là sau khi Nhà nước đứng ra vay, Tổng Cty Càng Hàng không sẽ đứng ra vay lại, khai thác công trình và hoàn trả lại Nhà nước. “Các dự án hàng không trước đây và hiện nay chúng tôi đều làm theo cách đó và dự án Long Thành cũng vậy. Chúng tôi trước đây đã trả được nợ và dự án Long Thành cũng hoàn toàn có thể trả được” – ông Hùng nói. Thứ trưởng GTVT Nguyễn Hồng Trường cũng cho rằng, đây là phương án khả thi.
Về sự cần thiết của dự án, các chuyên gia được mời như Giáo sư Lã Ngọc Khuê, TS Lương Hoài Nam cho rằng hết sức cần thiết để giải tỏa bài toán quá tải cho sân bay Tân Sơn Nhất, ùn tắc đường bộ và bầu trời của TP Hồ Chí Minh mở ra cơ hội cho hàng không và kinh tế - xã hội Nam bộ thông qua phát triển du lịch, thương mại, công nghiệp hàng không, tạo công ăn việc làm và cả nước nói chung.
“Chúng ta đang có rất nhiều dự án cần đầu tư, tính ra làm một cái cầu treo chúng ta cũng thiếu tiền nhưng phải chọn dự án nào là ưu tiên, tạo ra động lực cho phát triển. Theo tôi, đây là một cú lật cánh cho ngành hàng không và cả nền kinh tế” – GS Lã Ngọc Khuê nói.
Trung tướng Võ Văn Tuấn, Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội Nhân dân Việt Nam cũng đồng tình với GS Khuê và cho rằng, nếu vẫn duy trì sân bay Tân Sơn Nhất sẽ không thể giải quyết được bài toán về ùn tắc và an ninh vùng trời ở TP HCM. Ngoài ra, TP HCM cũng không thể phát triển mạnh nếu mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất.