> Doanh nghiệp lúng túng vì chưa có hướng dẫn
Hôm nay (25-5), Nghị định 24/2012 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng miếng chính thức có hiệu lực. Theo đó, những đơn vị không có giấy phép của Ngân hàng Nhà nước sẽ không được kinh doanh mua bán vàng miếng.
Ghi nhận của phóng viên, lúc 10 giờ sáng, một số cửa hàng kinh doanh vàng bạc ở Hà Nội vắng vẻ hơn ngày thường.
Gọi điện tới số điện thoại ở cửa hàng kinh doanh vàng trên phố Bùi Thị Xuân (Hai Bà Trưng, Hà Nội) và số điện thoại của cửa hàng ở Cầu Giấy (Hà Nội), để hỏi mua vàng miếng, nhân viên cho biết, mọi giao dịch về vàng miếng vẫn diễn ra bình thường.
Trả lời qua điện thoại, nhân viên Công ty Vàng bạc Bảo tín Minh Châu cho biết, lúc 10h 15 phút, giá vàng miếng SJC được mua vào với giá 41,23 triệu đồng/lượng, bán ra 41,28 triệu đồng/lượng.
Tại Công ty Vàng bạc Bảo Tín Thanh Vân, việc mua bán vàng miếng JSC cũng diễn ra bình thường.
Lúc 11h30, giá vàng miếng SJC tại công ty này được niêm yết ở mốc 41,20 triệu đồng/lượng mua vào và bán ra 41,38 triệu đồng/lượng.
Chị Hoàng Thu Nga, một khách hàng vừa mua 10 lượng vàng miếng cho biết, mấy ngày nay, tôi vẫn giao dịch bằng vàng miếng bình thường, không thấy cửa hàng có thông báo gì.
Tại Điều 11, Nghị định số 24/2012/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện cấp giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng.
1. Doanh nghiệp được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Là doanh nghiệp thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật.
b) Có vốn điều lệ từ 100 tỷ đồng trở lên.
c) Có kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh mua, bán vàng từ 2 (hai) năm trở lên.
d) Có số thuế đã nộp của hoạt động kinh doanh vàng từ 500 (năm trăm) triệu đồng/năm trở lên trong 2 (hai) năm liên tiếp gần nhất (có xác nhận của cơ quan thuế).
đ) Có mạng lưới chi nhánh, địa điểm bán hàng tại Việt Nam từ 3 (ba) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
2. Tổ chức tín dụng được Ngân hàng Nhà nước xem xét cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
a) Có vốn điều lệ từ 3.000 (ba nghìn) tỷ đồng trở lên.
b) Có đăng ký hoạt động kinh doanh vàng.
c) Có mạng lưới chi nhánh tại Việt Nam từ 5 (năm) tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trở lên.
3. Ngân hàng Nhà nước quy định thủ tục và hồ sơ cấp Giấy phép kinh doanh mua, bán vàng miếng đối với doanh nghiệp, tổ chức tín dụng.
Điều 12 của Nghị định này cũng nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng
Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng có trách nhiệm:
1. Chỉ được phép mua, bán các loại vàng miếng quy định tại Khoản 2 Điều 3 của Nghị định này.
2. Không được phép thực hiện kinh doanh vàng miếng thông qua các đại lý ủy nhiệm.
3. Chấp hành các quy định của pháp luật về chế độ kế toán, lập và sử dụng hóa đơn chứng từ.
4. Niêm yết công khai tại địa điểm giao dịch về giá mua và giá bán vàng miếng.
5. Có biện pháp và trang thiết bị bảo đảm an toàn trong hoạt động kinh doanh.
6. Tuân thủ các quy định tại Nghị định này và các quy định của pháp luật khác có liên quan.