Kiềm chế lạm phát khoảng 8%
Theo Bộ KH&ĐT, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 9 tăng 2,2%, là mức tăng cao nhất trong 9 tháng qua.
Như vậy, CPI tháng 9 tăng 5,13% so với tháng 12- 2011 và tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước. Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, giá tiêu dùng tháng 9 tăng rất cao do yếu tố giá của dịch vụ y tế (chiếm xấp xỉ 1%), tăng giá dịch vụ giáo dục do thời điểm khai giải năm học mới (chiếm 0,6%), tăng giá xăng dầu (chiếm 0,3%).
“Điều hành tăng giá dịch vụ y tế là việc làm cần thiết, theo đúng lộ trình được phê duyệt. Tuy nhiên, các địa phương đã đồng loạt tăng rất cao, có dịch vụ tăng gấp đôi đã khiến chỉ số giá tăng. Chính phủ đã chỉ đạo các địa phương điều hành thận trọng, có lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế phù hợp”- Ông Đam nói.
Theo ông Đam, khi CPI tháng 9 tăng 2,2%, Chính phủ đã bàn nghiêm túc xem việc CPI tăng cao có vấn đề gì trong chính sách không; có liên quan đến công tác thống kê không, có lo ngại lạm phát cao quay trở lại không?
“Chính phủ bàn rất kỹ và chúng ta có thể khẳng định rằng, việc kiềm chế lạm phát vẫn là một ưu tiên không chỉ năm nay mà cả sang năm để kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định hơn. Việc tăng giá tháng 9 có những yếu tố do một số mặt hàng tăng giá dồn dập, có những yếu tố thời vụ như khai giảng năm học mới. Còn việc điều hành tiền tệ vẫn theo lộ trình được kiểm soát chặt chẽ để đảm bảo lạm phát trong năm nay trong tầm mục tiêu đề ra, duy trì lạm phát khoảng 8%”- Ông Đam nói.
Ngoài ra, Chính phủ cũng yêu cầu tháo gỡ khó khăn để sản xuất đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Phấn đấu GDP năm 2012 tăng 5,2%. Muốn vậy, riêng 3 tháng cuối năm, GDP phải tăng được 6,5%. Tuy nhiên, “đây là mục tiêu không dễ dàng”- Ông Đam nhận định.
Tại phiên họp thường kỳ tháng 9, Chính phủ cũng nghe báo cáo, thảo luận về giải pháp thuế giá trị gia tăng (VAT) theo Nghị quyết số 37/NQ-CP; dự án Luật Đầu tư công; Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh quy định danh hiệu vinh dự Nhà nước “Bà mẹ Việt Nam anh hùng”…
Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, Bộ này đã báo cáo Chính phủ gia hạn thêm 3 tháng đối với số thuế VAT của các DN, tổ chức (trong diện theo Nghị quyết số 13/NQ-CP).
Trước đây các DN này được giãn thuế VAT của tháng 6-2012 đến tháng 1-2013 phải nộp, nhưng theo quyết định mới đến 4-2013 doanh nghiệp mới phải đóng số thuế này.
Tổng số thuế DN được gia hạn là 3.745 tỷ đồng. Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định, khoản thuế được miễn, giảm, giãn thời hạn nộp được giữ lại doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp giảm bớt phần nào khó khăn về vốn, khôi phục và ổn định sản xuất.
Không có vùng cấm trong xử lý vi phạm
Trả lời câu hỏi của báo chí liên quan việc khởi tố ông Trần Xuân Giá, Bộ trưởng Vũ Đức Đam cho biết, tái cơ cấu ngân hàng là một trong ba nội dung của tái cơ cấu nền kinh tế.
Chính phủ xác định, phải có các giải pháp sắp xếp ngân hàng thương mại cổ phần yếu kém, gắn với xử lý nghiêm các vi phạm như hành vi thâu tóm ngân hàng trái pháp luật.
Cơ quan điều tra Bộ Công an đã thông báo chính thức việc khởi tố một số nguyên lãnh đạo ngân hàng ACB về tội “Cố ý làm trái”, trong đó có nguyên Chủ tịch ACB, ông Trần Xuân Giá. Đây cũng là một hoạt động nằm trong kế hoạch lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng.
Tại phiên họp này, Chính phủ không bàn sâu về vụ việc cụ thể nào. Tuy nhiên, Chính phủ chỉ đạo các cơ quan tín dụng, ngân hàng, cơ quan bảo vệ pháp luật làm nghiêm, không có vùng cấm, nhằm lập lại trật tự, kỷ cương, làm cho lĩnh vực tài chính - ngân hàng lành mạnh, vững chắc, không để ảnh hưởng đến khách hàng.
Trả lời câu hỏi của Tiền Phong về vấn đề quan chức sau khi nghỉ hưu tham gia làm việc tại các doanh nghiệp, ngân hàng, Bộ trưởng Đam cho biết, Bộ trưởng hay ai cũng là người dân.
Ngày mai khi họ không còn làm việc nhà nước nữa thì có thể làm bất kỳ một việc gì, miễn là tuân thủ đúng quy định của pháp luật. “Bất kỳ ai trước pháp luật cũng đều bình đẳng như nhau” - Ông Đam nói.
Theo Bộ trưởng Đam, sai phạm của nguyên lãnh đạo ACB là mang tiền đi gửi tại các ngân hàng khác để lấy lãi cao hơn. Hậu quả của việc này như lãnh đạo ACB trả lời là ngân hàng này bị giảm lãi chứ không ảnh hưởng đến khách hàng.
Ông Trần Xuân Giá và các bị can tại Ngân hàng ACB bị khởi tố sau khi đã từ nhiệm, nên cũng không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng ACB. Các cơ quan chức năng đã lường trước tác động của việc khởi tố vụ án này, trên nguyên tắc đảm bảo đầy đủ quyền lợi, không để người gửi tiền bị ảnh hưởng.
Đề cập đến tội phạm lĩnh vực tài chính - ngân hàng, Bộ trưởng Đam cho biết, các cơ quan chức năng đã nhận diện được những hành vi thâu tóm ngân hàng, đã báo cáo Chính phủ và các cơ quan liên quan có biện pháp xử lý.
“Các hành vi cụ thể đó là gì sẽ được làm rõ qua từng vụ án. Và tôi xin khẳng định lại là không có vùng cấm. Tinh thần là vi phạm phải được chấn chỉnh, mức độ sai phạm đến đâu sẽ xử lý nghiêm đến đó”- Ông Đam nói.
Chính phủ đã chỉ đạo và Ngân hàng Nhà nước đã có đề án tái cơ cấu đối với các Ngân hàng thương mại, sắp tới có thể sẽ còn có ngân hàng yếu kém bị xem xét, xử lý. Về lộ trình, năm 2013 cơ bản sẽ tái cơ cấu xong các ngân hàng yếu kém.
Liên quan đến vấn đề Thủy điện sông Tranh, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Vũ Đức Đam cho biết: Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cũng đã làm việc với Bộ Công thương, Bộ KH&CN và các cơ quan liên quan, yêu cầu phải đảm bảo tính mạng, tài sản của dân. Báo cáo mới nhất cho thấy công trình vẫn đảm bảo các yêu cầu về kỹ thuật. Tuy nhiên. Phó Thủ tướng vẫn yêu cầu tiếp tục kiểm tra, theo dõi, và tiếp tục đánh giá thêm.