Ước một ngày không đòn roi!

TPO - 21 tuổi, 14 năm đi làm thuê, cuộc sống của Nguyễn Thị Bình, quê huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) gắn chặt với những trận đòn dây điện vào người, vào vùng kín, những lần hắt nước sôi. Bình cho biết ước mơ lớn nhất của cô là một ngày không phải ăn đòn.

>> Bắt khẩn cấp vợ chồng chủ quán đày đọa cô gái suốt 10 năm
>> Xem xét vì sao chính quyền địa phương không biết việc ngược đãi?
>> Video clip: Cô gái 10 năm bị đầy đoạ, nhục hình

Những vết sẹo dày đặc trên lưng Nguyễn Thị Bình

Những ngày tháng đọa đày

8 tuổi, Nguyễn Thị Bình, sinh năm 1986, đã cùng mẹ là Nguyễn Thị Quảng rời quê xuống Hà Nội đi làm thuê. Cái đói, cái khổ vây riết, công việc bù đầu nên dù đến nay đã 21 tuổi nhưng Bình vẫn không biết chữ. Phải làm việc nặng nhọc từ bé nên vóc dáng của Bình trông như đứa trẻ mới 15 tuổi.

Ngày tháng năm sinh của chính mình Bình cũng không biết chỉ nhớ hồi bé ở với mẹ. Ngay cả bố, Bình cũng chỉ nhớ tên là Hữu không nhớ rõ gương mặt ông. Hình ảnh lưu lại trong ký ức về mái nhà nơi Bình sinh ra chỉ là ở gần một ngôi đình rất to nằm cạnh hồ nước với những hàng cây thẳng.

14 năm có mặt tại nhà vợ chồng Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương, trú tại nhà số 24, ngõ 108B, đường Nguyễn Trãi, phường Thượng Đình, Thanh Xuân, Hà Nội cũng là những ngày tháng dài dằng dặc bị đọa đày. Ngoài phải làm việc quần quật suốt ngày, Bình không biết gì đến những trò giải trí mà nhiều cô gái ở tuổi em đáng được hưởng.

Khi mới về làm, Bình được giao nhiệm vụ chăm bẵm cho “thằng cu” của nhà chủ. Mỗi lần con của chủ nhà ăn không hết là lại bị đánh. Lớn hơn một chút Bình phải cùng mẹ ra làm việc ngoài quán phở. Những trận đòn liên tiếp xảy ra với mẹ con em.

Sau khi mẹ của Bình bị đánh (một số người dân cho biết mẹ Bình bị đánh gẫy tay) đã bỏ đi không làm việc tại quán của vợ chồng Đức - Phương. Thời gian sau, bà quay lại định đưa Bình đi nhưng sau đó lại thôi.

Hàng ngày Bình phải dậy từ 4 giờ 30 và chuẩn bị gánh hàng ra cửa hàng cách nhà hơn 100 m. Khi dọn hàng xong phải quay về xách nước, mỗi tay hai can 20 lít nước.

“Cô cháu bắt xách, không cho gánh nước vì gánh mất nhiều thời gian hơn. Mỗi chuyến đi chỉ được phép trong 5 phút. Đi xách nước lâu hơn là cô cháu lấy nước phở đang sôi hắt vào người, vào mặt. Mỗi ngày phải đi xách 20 lần nước như vậy”- Bình kể lại.

Xong việc xách nước thì quay sang lau bát, dọn bàn hoặc ngồi chẻ hành gần xoong nước nóng để cô chủ tiện bề “nhắc nhở”. Mỗi lần làm vỡ bát, mất tiền của chủ là Bình phải chịu những trận đòn roi thảm khốc. Sau khi dọn dẹp nhà cửa, sau 21 giờ tối hằng ngày Bình phải ngồi ngoài đường để đợi các con của chủ nhà học bài xong mới được đi ngủ.

“Cháu có tên nhưng không bao giờ cô cháu gọi mà toàn gọi “con phò”, lúc nào cô yêu quý nhất thì gọi là “mắt trâu”. Suốt thời gian làm tại nhà “cô Phương”, cháu chưa bao giờ được cầm một đồng tiền nào cho riêng mình”- Bình nói.

Bình thường sau khi cả nhà ăn xong thì Bình mới được phép ăn, hiếm lắm mới được ngồi ăn cùng chủ nhà. Việc ăn uống cũng không được thoải mái, thức ăn cũng bị hạn chế, mỗi bữa chỉ được ăn hai miếng thịt không được phép ăn hơn. Cơm canh thừa mỗi bữa Bình đều phải ăn hết không được phép đổ đi.

Đối với Bình, việc tưởng chừng giản đơn nhất là được xem các chương trình ti vi nhưng cũng là “khát vọng” đối với cô gái nhiều năm sống, làm việc giữa thủ đô Hà Nội. Có những lần lén xem ti vi bị chủ bắt gặp là y như rằng những trận đòn roi lại tới tấp đổ xuống.

Ngày nắng cũng như mưa, công việc cứ diễn ra và Bình như chiếc máy cặm cụi làm việc hết ngày này qua ngày khác. Ngay cả việc nghĩ về tương lai, về một chút cho bản thân cũng là điều không tưởng. Công việc triền miên nhưng Bình cũng không được phép ốm vì ốm cũng vẫn phải làm việc, không được nghỉ.

Bình cho biết, đã nhiều lần định rời khỏi căn nhà kinh hoàng nhưng lời đe dọa của “cô Phương”: “Nếu mày bỏ đi mà tao tìm được thì sẽ cho người đánh chết, đánh cả người nuôi mày”, luôn ám ảnh khiến Bình không dám bỏ đi.

Nguyễn Thị Bình bật khóc khi kể về những ngày tháng bị đày đọa

Khi đòn roi như…  cơm bữa!

Trận đòn kinh hoàng nhất, theo Bình, đó là lần em làm lăn cái thớt vào chân “cô Phương” khi đang phục vụ tại quán phở, dù đã van xin hết lời nhưng “cô Phương” vẫn cầm con dao chọc tiết gà đâm thẳng vào chân Bình và tuyên bố “mày làm tao đau thì tao phải làm cho mày đau hơn”.

Sau khi dùng chun quấn quanh chân để cầm máu, Bình vẫn phải tiếp tục phục vụ tại quán. Đến chiều về nhà “cô Phương” tiếp tục bắt Bình nằm úp mặt xuống đất và dùng roi đánh. Trận đòn thù xé rách da thịt, máu chảy hằn lên vệt áo.

Không chỉ dừng lại đó, “cô Phương” còn dùng guốc gót nhọn nện liên tiếp vào vùng kín của Bình khiến cô gái bị tổn thương nặng, mỗi lần đi tiểu là một cực hình.

Khẽ kéo lưng áo, những vết đòn roi, kìm kẹp rách da thịt chất đầy trên lưng, trên sườn và những vết sẹo chồng sẹo nhiều không thể đếm được của cô gái khiến bất cứ ai nhìn thấy cũng không khỏi rùng mình.

“Hầu như không ngày nào cháu không bị đánh, cô Phương thường đánh nhiều hơn. Có lần tức mình cô cầm cây gậy treo quần áo chọc liên tục vào chân khiến ngón chân trầy máu. Chọc chán thì cô bắt nằm xuống sàn, cầm dây điện chập làm 4 vụt lên lưng, lên đầu. Có cả những lúc mắc lỗi cháu bị “chú” cầm kìm kẹp vào sườn, kéo, lôi đi”-Bình kể.

Những trận đòn kinh hoàng ăn đậm trong trí óc, đi cả vào giấc ngủ của Bình. Không ít đêm cô gái choàng tỉnh vì tưởng đang bị đánh. Những lúc như vậy Bình chỉ biết khóc và mong có bố, mẹ ở bên cạnh.

Mỗi lần bị đánh Bình bị cấm không được khóc, nếu khóc càng bị đánh nhiều hơn. Nhiều hôm sau khi đánh chán, cô Phương chuyển sang “phạt” quỳ ngoài sân giữa đêm khuya nhiều tiếng đồng hồ.

Tuy nhiên, điều khổ cực nhất đó là hằng tháng đến kỳ kinh nguyệt thì Bình phải đi xin “cô Phương” tiền để mua băng vệ sinh”. Mỗi lần xin là một lần bị chửi rủa thậm tệ.

Tuyệt vọng Bình chỉ còn cách “nói khó” và được sự cảm thông của một số người thông cảm với hoàn cảnh của Bình giúp cô mua băng vệ sinh. Những nỗi khổ này Bình chỉ dám kể cho bác hàng xóm Hà Thị Bình, sinh năm 1937, ở số 55/55 phố Chính Kinh, và cô Oanh là người mà Bình hay tiếp xúc khi mua thịt bò cho quán phở.

Dù bị đánh đau nhưng Bình không dám hé răng kêu với ai và luôn phải nói dối là bị ngã hay vì lý do nào đó nên bị thâm tím mặt mày vì hé ra là bị đánh đòn thậm tệ. Thậm chí khi gặp và được Trung tá Nguyễn Văn Hà, cảnh sát khu vực, Công an phường Thượng Đình, hỏi thì Bình cũng chỉ dám nói quanh là do bị cánh cửa đập vào mặt….

Trao đổi với Tiền phong, Trung tá Hà hết sức ngỡ ngàng trước những gì mà Bình đã phải chịu đựng trong suốt thời gian qua. Ông Hà cũng cho biết, 1 giờ sáng nay Bình đã về trang trại của chị Thủy Hà Tây để nương náu.

Ngày thoát khỏi “địa ngục”

Bác Hà Thị Bình, người cứu Bình khỏi nhà vợ chồng Đức - Phương

Khoảng giữa tháng 10, Bình ra cửa hàng thịt bò của chị Oanh để mua về nấu phở. Trong khi chờ thái thịt, thấy hoàn cảnh đáng thương của Bình chủ cửa hàng bán thịt bò gợi ý sẽ nhờ bác Bình đưa đi trốn. Lời gợi ý như sự “giải thoát” cho khát vọng của Bình từ bấy lâu nhưng Bình vẫn chưa đưa ra được.

Tối 19/11, Bình bị hai vợ chồng thay nhau dùng dây điện đánh. Ý muốn được giải thoát trỗi dậy mãnh liệt và Bình quyết tâm ra đi. “Em nghĩ trong đầu, một là đi thì sẽ được sướng còn nếu bị bắt lại thì khổ đã khổ rồi. Em không thể chịu đựng được nữa”- Bình nhớ lại.

Ngày 20/10/2007, sau khi đi mua thịt và được biết sắp có kế hoạch giải thoát cho mình (được bác Hà Thị Bình đưa ra), Bình vẫn tiếp tục làm việc như bình thường. Sau khi dọn dẹp xong xuôi hàng quán, Bình lén quay trở lại chợ gặp bác Bình và cùng đi xe ôm xuống bến xe ô tô và được một người con của bà Bình đưa về trang trại ở Hà Tây của chị Đặng Thu Thủy, một người con gái khác của bà Bình.

Tại đây Bình được chị Thủy chăm sóc, mua cho quần áo và thuốc để điều trị các vết thương. Quá bức xúc trước những hành vi tàn nhẫn của vợ chồng Đức – Phương, chị Thủy đã nhờ báo chí can thiệp.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc bao năm qua bị đày đọa như vậy thì Bình nghĩ gì về người chủ nhà của mình. Bình cho biết: “Thù thì có thù nhưng cháu không muốn liên lụy đến người khác. Cháu không muốn vì vụ của cháu mà những người muốn giúp cháu bị ảnh hưởng đến việc làm ăn.

Mong muốn lớn nhất là cháu được sống hòa hợp với mọi người và không bao giờ phải quay về nhà cô Phương nữa, thoát khỏi những trận đòn hàng ngày. Những ngày được đưa về đây sống cháu được ngủ ngon hơn, cuộc sống như thay đổi”.

Bình cũng cho biết, cô chỉ nhớ có một người bác gái là chị của mẹ tên Nguyễn Thị Cậy hiện sống ở Thanh Sơn, Thanh Thủy, Phú Thọ và một người bác dâu hiện sống ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc.

“Ước muốn duy nhất của cháu lúc này là chỉ muốn được gặp lại bác dâu của cháu thôi nhưng không biết liên hệ thế nào. Còn mẹ, cháu không gặp nữa đâu. Cháu không ngờ mẹ cháu lại bỏ cháu lại để khổ cực như thế. Cháu xin cô chú đừng nhắc đến mẹ cháu nữa”- Tiếng nấc nghẹn của cô gái 21 tuổi làm bất cứ ai có mặt trong căn phòng nhỏ phải trào nước mắt khi cô nói về người mẹ của mình.

Bình cũng cho biết, chưa biết phải làm gì với tương lai vì cô không biết quê ở đâu và cũng không biết nương tựa vào đâu để sống. Rất mong có một cơ quan, đoàn thể nào đó rộng tay giúp đỡ cho cháu trong trong thời gian tới.

Trao đổi với Tiền phong, bà Hà Thị Bình, người đã cứu Bình cho biết, bà cũng như nhiều người dân khác biết và nhiều lần chứng kiến cảnh cô gái bị hành hạ, ngược đãi. Mỗi khi chứng kiến cảnh bị hành hạ, nếu bà hoặc người khác can ngăn là bị gây gổ, chửi bới.

“Tôi rất căm thù những hành động của vợ chồng nhà Phương (Chu Minh Đức và Trịnh Hạnh Phương - PV) gây ra cho cháu Bình, chính vì vậy khi cháu đồng ý, tôi đã quyết định đưa cháu đi trốn. Sau khi đưa cháu Bình đi trốn, gia đình tôi đã nhận được rất nhiều lời đe dọa. Tôi tin pháp luật sẽ làm sáng tỏ vụ việc” - Bà Hà Thị Bình nói.