Tấm vé dự World cup U20 lịch sử:

U19 Việt Nam: Sức mạnh từ sự đoàn kết

TP - Bóng đá Việt Nam đã đến lúc phải chấm dứt những tranh cãi và so sánh, vốn dễ gây chia rẽ, giữa lứa U19 Việt Nam hiện nay với những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…trước đây.
Bóng đá Việt Nam cần đoàn kết thành một khối, ủng hộ hết mình cho các ĐTQG. Ảnh: VSI

U19 Việt Nam vừa tạo nên một mốc son mới trong lịch sử bóng đá Việt Nam, khi lần đầu tiên vào tốp 4 đội mạnh nhất châu lục, đồng thời giành vé tham dự giải U20 thế giới. Theo thống kê, khu vực Đông Nam Á tới nay mới chỉ 3 đội bóng khác đạt được thành tích tương tự Việt Nam, là Indonesia (1979), Malaysia (1997) và Myanmar (2015).

So với 3 đội tuyển kể trên, chiến tích của U19 Việt Nam lần này nhận được nhiều sự tán thưởng, từ cả khu vực và quốc tế. FIFA gửi thư chúc mừng, trong khi truyền thông nước chủ nhà Bahrain, vừa ngậm ngùi cho đội nhà, vừa phải thừa nhận chiến thắng của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn. U19 Việt Nam, như nhận định của giới chuyên môn, cho thấy lối chơi kỷ luật chặt chẽ, tinh thần thi đấu máu lửa dựa trên một tập thể đồng đều, có nền tảng thể lực tốt.

Nhìn lại hành trình của U19 Việt Nam, hôm qua nhiều người giật mình khi nhận ra rằng, thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn đã nhận được khá ít sự quan tâm, ủng hộ từ phía dư luận cũng như giới mộ điệu. Giải U19 Đông Nam Á diễn ra tại Hà Nội, các trận đấu của U19 Việt Nam chỉ lèo tèo một ít CĐV đến sân cổ vũ. Xen lẫn trong đó là những so sánh về lối chơi của đội, với tuyển U19 trước đây mà nòng cốt là các cầu thủ từ Học viện HA.GL-Arsenal-JMG như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, Hồng Duy…

Dù không nói ra nhưng HLV Hoàng Anh Tuấn và các cầu thủ U19 Việt Nam không khỏi chạnh lòng. Nhiều tuyển thủ từng ấm ức chia sẻ rằng, dù cùng cống hiến cho ĐTQG như lứa U19 trước, nhưng lại ít nhận được sự ủng hộ từ phía CĐV. Tất cả đều bởi nhiều CĐV cho rằng, U19 Việt Nam dưới thời HLV Hoàng Anh Tuấn chơi “không đẹp” như tuyển U19 Việt Nam dưới thời ông Guillaume Graechen. Chứng kiến sân Hàng Đẫy trống huơ hoác ở một cuộc tranh tài khu vực, HLV Hoàng Anh Tuấn có lúc đã phải nán lại để tuyên bố, đội vẫn thi đấu “dù chỉ có 1 CĐV trên khán đài”. Cho đến tận trận hoà 1-1 với UAE trong thế thiếu người ở vòng đấu bảng, U19 Việt Nam vẫn bị một vài ý kiến chê bai về lối chơi, với đánh giá đội thi đấu bạo lực.

Nói về chuyện này, Phó chủ tịch thường trực VFF Trần Quốc Tuấn hôm qua đã phải kêu gọi người hâm mộ ngừng việc so sánh. Theo ông Trần Quốc Tuấn, U19 Việt Nam trước đây và hiện nay có những điểm mạnh, yếu khác nhau, nhưng điểm chung là tất cả đều cống hiến vì màu cờ sắc áo quốc gia. Những so sánh mang tính chất phân biệt có thể tạo nên sự chia rẽ, trong bối cảnh bóng đá Việt Nam đang rất cần sự đoàn kết.

Đây thực sự là quan điểm rất cần lưu tâm. Tuyển U19 Việt Nam hiện nay vừa đem lại thành tích lịch sử cho bóng đá Việt Nam, điều lứa U19 của Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…trước đây chưa làm được. Những người ủng hộ U19 Việt Nam hiện nay có lý do để tiếp tục ủng hộ U19 Việt Nam và lối chơi HLV Hoàng Anh Tuấn đang xây dựng. Tuy nhiên, nếu vì vậy mà phủ nhận những cống hiến của U19 Việt Nam trước đây thì chúng ta lại đang rơi vào một thái cực khác. Giá trị bóng đá đem lại không đơn thuần chỉ là thành tích. Tuyển U19 Việt Nam với nòng cốt là các cầu thủ Học viện HA.GL-Arsenal-JMG từng đem lại cảm xúc dâng trào cho hàng triệu người hâm mộ. Những tài năng trẻ của bầu Đức cũng giúp bóng đá Việt Nam sống lại hy vọng vào một nền bóng đá sạch và đẹp, phát triển lớn mạnh.

Những thành tựu vừa qua của bóng đá trẻ Việt Nam bắt nguồn từ định hướng tập trung cho đào tạo trẻ, được BCH VFF xác lập ngay đầu nhiệm kỳ VII. Nhưng để định hướng trên đạt được thành quả phải dựa vào hành động cụ thể từ các CLB. U19 Việt Nam trước đây có thể chưa thành công, nhưng màn trình diễn của những Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường…rõ ràng đã là nguồn cảm hứng để kích thích các CLB Việt Nam đầu tư mạnh hơn cho đào tạo trẻ. Để hiện nay Việt Nam đang có những HA.GL, PVF, Viettel hay Hà Nội T&T…đều đang làm rất tốt khâu tạo nguồn.