> Vì sao USD 'chợ đen' tăng giá?
> USD 'chợ đen' leo thang, vàng tuột dốc
Nhộn nhịp trở lại
Thị trường ngoại hối dịp Tết Quý tỵ được ghi nhận là không có nhiều biến động. Tuy nhiên, từ ngày 18/2/2013, tức sau thời điểm nghỉ Tết âm lịch, thị trường ngoại hối bắt đầu thu hút được sự quan tâm và giao dịch cũng trở nên nhộn nhịp hơn.
Tại một số ngân hàng, giá mua và bán USD bắt đầu nhích nhẹ. Tại NHTMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank), giá USD mua vào cuối ngày 19/2 ở mức 20.835 đồng, tăng 5 đồng so với ngày trước đó và bán ra mức 20.895, tăng 15 đồng.
Tại NHTMCP Công thương (Vietinbank), giá USD mua vào đầu giờ ngày 20/2 là 20.840 đồng, giá bán ra là 20.895 đồng, tăng tương ứng 35 đồng và 30 đồng so với giá mua, giá bán tại ngày 18/2.
Một số ngân hàng khác như Sacombank, Techcombank cũng niêm yết giá bán ra đầu ngày 20/2 tăng vài chục đồng so với các phiên giao dịch trước đó.
Bên cạnh đó, tình hình thu đổi ngoại tệ ở thị trường tự do cũng nhanh chóng vượt qua mốc 21.000 đồng trong hai ngày qua.
Tại TP HCM và Hà Nội, một số điểm thu đổi bỗng nhiên sôi động với giá bán ra đắt hơn khoảng hơn 100 đến 150 đồng. Đây được xem là mức cao nhất của thị trường chợ đen trong những tháng gần đây.
Có nên neo giá?
Tỷ giá được giữ ổn định trong một thời gian dài, và vấn đề đang được đặt ra trong các trao đổi gần đây là có nên thay đổi khi nó đã được ổn định?
Trước kỳ nghỉ Tết nguyên đán 2013, xuất hiện những tranh luận về các ý kiến có nên phá giá tiền đồng. Phía những chuyên gia tán thành phương án phá giá 3-4% xuất phát từ mục đích hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu khi tình hình kinh tế có những chuyển tốt.
Theo đó, đây là động thái cần thiết để giảm nguy cơ nhập siêu trong những tháng cuối năm. Hơn nữa, nhóm ý kiến này cho rằng, tiền đồng đang được định giá cao nên cần phá giá để giảm bớt “cú sốc” trong tương lai.
Nhiều chuyên gia khuyến nghị: Việt Nam có thặng dự khá lớn trong cán cân thanh toán 2012 và dự kiến sẽ tiếp tục thặng dự trong năm 2013, bên cạnh đó dự trữ ngoại tệ cũng tăng khá mạnh thì áp lực phá giá của tiền đồng là không lớn. Do vậy, chưa có cơ sở rõ rằng để cho rằng NHNN nên phá giá triền đồng 3-4% như một số khuyến nghị gần đây. Tuy nhiên, về cơ chế điều hành thì NHNN cũng nên theo đuổi chính sách tỷ giá linh động theo tín hiệu của thị trường. Tức là, nếu việc căng thẳng tỷ giá diễn ra thì NHNN cũng nên giảm giá nhẹ tiền đồng 1-2% để giảm bớt áp lực. Tuyệt đối không neo giữ tiền đồng bằng mọi giá như trước đây vì nó có thể để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng đối với nền kinh tế và lòng tin của người dân.
Ngược lại, một đại diện của NHNN đưa ra lập luận, việc phá giá sẽ làm tăng gánh nặng nợ nước ngoài của Chính phủ và các doanh nghiệp đi vay ngoại tệ. Bên cạnh đó, tiền đồng chưa hẳn là được định giá cao và việc phá giá cũng chưa chắc đã làm giảm nhập siêu.
TS. Đinh Thế Hiển - chuyên gia kinh tế cho rằng, nếu phân tích về tính ổn định của đồng Việt Nam, về vấn đề nợ ngoại tệ thì rõ ràng Chính phủ không có lý do gì để tăng tỷ giá. Điều này sẽ gây bất lợi cho tiền đồng cũng như nỗ lực giữ kiềm chế CPI.
Tuy nhiên, nếu đặt trong bối cảnh trên toàn thế giới từ nền kinh tế mạnh như Anh, Đức, Nhật đến các nền kinh tế mới nổi thì hầu như tất cả các nước đều đang có xu thế là tăng tỷ giá đồng USD lên.
Bên cạnh đó, các nước cũng đang tìm kiếm động lực để kích thích kinh tế bằng xuất khẩu, do đó đây là xu thế chung.
TS. Hiển nhận định việc điều chỉnh tăng tỷ giá lên ở mức hợp lý là +-3% cũng không phải là vấn đề quá ngạc nhiên, song song đó nên tăng cường các biện pháp để không ảnh hưởng đến giá thành sản phẩm vẫn là điều nên làm hơn là cố giữ tỷ giá.
Việc phá giá này hoàn toàn không đi ngược với xu thế thế giới. Tỷ giá đã giữ vững trong thời gian dài và rõ ràng đang có một số bất lợi cho xuất khẩu, trong khi chúng ta nên lấy xuất khẩu làm động lực chính.
Một khi phát triển được nông nghiệp, xuất khẩu hàng may mặc, phát triển khu công nghiệp… điều này sẽ tạo việc làm nhanh hơn là chờ theo hướng sắp xếp lại ngành nghề.
Theo TS. Đinh Thế Hiển thời điểm thích hợp để tăng tỷ giá là vào cuối quý 1 đầu quý 2 năm 2013 nhằm hỗ trở cho xuất khẩu tốt hơn.
Ở quan điểm khác, Thạc sĩ Hồ Bá Tình, chuyên gia kinh tế độc lập cho rằng, các nghiên cứu về mối quan hệ tỷ giá và nhập siêu của Việt Nam cho thấy có tỷ lệ thuận với nhau. Điều này đồng nghĩa việc phá giá có ảnh hưởng tới nhập siêu, tuy nhiên đây không phải là yếu tố quyết định để phá giá tiền đồng.
Tính theo tỷ giá hối đoái thực song phương và đa phương cho thấy tiền đồng đang được định giá cao hơn 10-30% so với các đồng tiền khác nhưng trong ngắn hạn thì đây cũng không phải là áp lực lớn để phá giá tiền đồng vì tỷ giá phụ thuộc nhiều vào cung cầu ngoại tệ trên thị trường.
Bên cạnh đó cũng không nên quá lo ngại phá giá sẽ ảnh hưởng đến nợ nước ngoài của Chính phủ hay nợ bằng ngoại tệ của doanh nghiệp. Khi vay ngoại tệ người đi vay phải chấp nhận rủi ro tỷ giá, NHNN không thể “bao cấp” tỷ giá trong mọi hoàn cảnh được.