Tướng nhiều hơn quân

TP - Tuần rồi, có dịp ghé thăm nơi làm việc của một người bạn ở một cơ quan thuộc Chính phủ, ngó tên biển hiệu để tìm phòng làm việc của bạn tôi, thấy chi chít là vụ phó.

> Sẽ kiểm điểm tự phê bình từ cấp cao nhất

Hỏi vụ có bao nhiêu người, bạn tôi trả lời cả thảy 9 người, thì có 6 ông vụ phó, một vụ trưởng và chỉ có 2 chuyên viên. Tôi thảng thốt “tướng nhiều hơn quân” lấy ai làm việc?

“Ông làm báo mà chẳng chịu cập nhật gì, chuyện đó không chỉ ở cơ quan tôi, mà nhiều cơ quan trung ương (bộ, ban, cơ quan ngang bộ) đều thế cả. Bổ nhiệm cho anh em có tí chức danh xuống địa phương làm việc cho dễ, được tiếp đón trọng thị hơn”.

Hóa ra, căn bệnh trọng chức hơn trọng người, lan cả vào chốn cửa quan. Nên người ta “đấu đá” nhau để tranh giành chức tước cũng là dễ hiểu. Còn lý do khác, lương công chức quèn không đủ sống, nên nhiều lãnh đạo cơ quan bổ nhiệm tràn lan, cũng là cách để tăng lương bổng, cải thiện đời sống cho anh em.

Và cơ quan này học cơ quan kia, nên chuyện lãnh đạo nhiều hơn nhân viên ngày càng phổ biến, lan tràn.

Hiện Chính phủ mới chỉ có quy định khống chế số lượng thứ trưởng của các bộ, chưa có quy định nào khống chế số lượng vụ phó của các cơ quan cấp bộ.

Trong khi chức danh vụ phó do thủ trường cơ quan bổ nhiệm, mà không cần phải trình qua các cơ quan khác (Ban Tổ chức Trung ương, Bộ Nội vụ) xét duyệt, nên thủ trưởng nhiều cơ quan bổ nhiệm tràn lan.

Làm công tác cán bộ, không chỉ nắm ngọn, mà cần được sàng lọc từ gốc. Từ gốc đã bổ nhiệm tràn lan, làm sao chọn được cán bộ có chất lượng. Đến phần ngọn dễ lọt lưới cán bộ yếu kém, nhưng nhờ tài quan hệ mà tiến thân. Nên tới lúc, cần khống chế cả số lượng chức danh lãnh đạo cấp vụ.

Theo Báo giấy