Tử thần rình rập trên boong tàu sân bay Mỹ

Những hiểm họa như luồng xả động cơ, cánh quạt máy bay là lý do khiến thủy thủ trên tàu sân bay Mỹ dễ dàng thiệt mạng nếu bất cẩn chỉ trong vài giây.
Các kỹ thuật viên chuẩn bị phóng một tiêm kích F-18. Ảnh: Wikipedia.

Boong tàu sân bay nằm trong nhóm các môi trường làm việc độc hại và nguy hiểm nhất thế giới. Đã có 8.500 thủy thủ của Hải quân và Thủy quân lục chiến Mỹ thiệt mạng trong các hoạt động tác chiến tàu sân bay từ năm 1948 đến 1988, cùng với đó là 12.000 máy bay các loại bị rơi hoặc hư hỏng hoàn toàn, theo Popular Science.

Tháp chỉ huy của tàu sân bay luôn có dòng chữ vàng được in đậm: "Cẩn thận luồng xả phản lực, cánh quạt máy bay và trực thăng". Ở bất kỳ vị trí nào trên boong, thủy thủ cũng phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm. Nếu không cẩn thận, họ rất dễ bị hút vào động cơ của những chiếc tiêm kích F-18 và EA-6B, hoặc bị cánh quạt của máy bay cảnh báo sớm E-2 Hawkeye chém trúng.

Player Loading...

Luồng xả từ máy bay cất cánh có thể thổi bay một người đi xa hàng chục mét. Với bề mặt chống trượt của boong tàu, thương tích nhẹ như trầy xước rất phổ biến, trong khi một số thủy thủ kém may mắn có thể bị trật khớp, gãy xương hoặc bỏng nặng.

Trong quá trình chuẩn bị để máy bay cất cánh, các sĩ quan và nhân viên kỹ thuật chỉ đứng cách phi cơ vài mét. Họ phải quỳ xuống để tránh bị máy bay va trúng khi tăng tốc. Nếu để lỡ hoặc quá nhịp độ vài giây, các kỹ thuật viên không có cơ hội sống sót khi bị cuốn theo thân và cánh máy bay.

Năm 2008, một thủy thủ trên tàu sân bay USS Dwight D. Eisenhower đã thiệt mạng khi đứng lên quá sớm, trước khi chiếc F-18 kịp phóng qua. Một phần thi thể người này đã mắc vào cánh máy bay, buộc phi công phải hạ cánh khẩn cấp xuống một sân bay dự bị gần đó.

Cáp hãm đà cũng là một trong những yếu tố nguy hiểm trên tàu sân bay. Chúng được thiết kế để dừng hoàn toàn một chiếc máy bay đáp xuống với tốc độ 200-300 km/h. Trong trường hợp sợi cáp bị đứt, năng lượng tích tụ sẽ khiến nó văng ngược trở lại, đủ sức gây thương tích nặng như gãy xương hoặc làm thiệt mạng những người không kịp tránh.

Ngày nay, công nghệ đã phát triển hơn nhiều, giúp cải thiện mức độ an toàn trên tàu sân bay. Tuy nhiên, điều đó vẫn không thể ngăn chặn những tai nạn chết người có thể xảy ra. Chỉ một sơ suất nhỏ cũng khiến thủy thủ và phi công phải trả giá bằng mạng sống của mình. Điều đó khiến tàu sân bay tiếp tục là một trong những môi trường làm việc nguy hiểm nhất trên thế giới.

Theo Theo VnExpress