> Trà trân châu Đài Loan bị nghi gây ung thư
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, mặc dù hạt trân châu không có nguồn gốc rõ ràng nhưng đây vẫn là món giải khát khoái khẩu của giới trẻ. Tại chợ Bình Tây ở quận 6 có đến 30 gian hàng bán thực phẩm khô, trong đó có bán sữa bột, trà, hạt trân châu, hương liệu và thạch pha chế trà sữa trân châu.
“Ở đây có hai loại hạt trân châu là của Việt Nam và Đài Loan với nhiều mẫu”- chủ cửa hàng có tên Huệ Linh ở chợ này cho biết. Lấy một bịch hạt trân châu hình viên bi màu đen, chủ cửa hàng cho biết, sản phẩm này có nguồn gốc Đài Loan được nhập về Việt Nam qua nhà phân phối.
“Loại này giá 25 nghìn đồng/bịch/kg với hạt trân châu năm màu: đỏ, hồng, tím, trắng và nâu”. Nấu trân châu để hạt nở ra, pha thêm chất phụ gia làm mềm sau đó hòa với hương liệu và sữa bột là xong” - Huệ Linh nói.
Ở cửa hàng Oanh trong chợ Bình Tây, hạt trân châu các loại của Việt Nam và Trung Quốc được bán tràn lan. Người bán hàng ở đây cho biết, mua 10kg trở lên để chế biến bán thì nên lấy loại của Trung Quốc vì giá rẻ hơn.
Lướt qua các loại hạt trân châu ở cửa hàng này cho thấy nó được đựng trong các bao loại 5-10kg, tất cả đều không có nhãn mác, thành phần và nguồn gốc xuất xứ. Ở cửa hàng Hương Mai tại chợ Bà Chiểu, hạt và hương liệu làm trân châu cũng được bán tràn lan.
Chị Mai ở cửa hàng này cho biết, hạt trân châu nhập về có hai loại, một loại được đóng gói ở các bao 0,5-1kg, còn một loại bao lớn với trọng lượng hàng chục kg. Theo quan sát của chúng tôi, ở ngoài bao bì có ghi chữ Trung Quốc, tuyệt nhiên không có nhãn phụ tiếng Việt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Huỳnh Mai- chi Cục phó Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TPHCM, trong nhiều mẫu kiểm tra, Chi cục phát hiện trà sữa trân châu không đạt tiêu chuẩn vi sinh.
Tại 7 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh trân châu và trà sữa trân châu mới đây cho thấy, nhiều mẫu hạt trân châu có chứa chất tẩy trắng công nghiệp Natri Sulfat. Đây là chất không có trong danh mục chất phụ gia được phép sử dụng trong thực phẩm theo quy định của Bộ Y tế.