Những loại thực phẩm gì nên giữ trong tủ lạnh ngày Tết?

Tủ lạnh ngày Tết

TP - Chớ có "khoán trắng" cả đống thực phẩm ngày Tết cho chiếc tủ lạnh tội nghiệp. Nó không hiểu gì về "một khẩu phần hợp lý" hay "chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm" đâu.
Ảnh minh họa

Chẳng may, sau Tết cân nặng lại tăng thêm vài ký, hay lại bị "cụ Tào " đuổi mà đi cấp cứu trong mấy ngày Tết thì mất vui.

Thực tế, người phụ nữ đóng vai trò rất quan trọng trong việc sắp xếp, lên thực đơn vào những ngày lễ, sao cho hợp lý, rồi bảo quản chế biến thực phẩm sao cho vừa ngon, vừa bổ dưỡng lại vừa an toàn.

Nhiều nghiên cứu cho thấy 50% các bệnh là do thực phẩm chế biến tại gia đình gây ra. Tất cả, từ niềm vui, sự ngon miệng, an toàn... đều là từ đôi tay của các bà nội trợ.

Những loại thực phẩm gì nên giữ trong tủ lạnh ngày Tết?

Trước hết là nhóm thịt, cá tươi sống: Nên chọn loại tươi mới mổ, nếu gia đình bạn có 4-5 người thì tổng số các loại thịt cá chỉ nên mua khoảng 3-4kg là đủ, ví dụ như gà 1 con(1-1,5kg), thịt lợn xay 0,5kg hoặc viên mọc đã làm đông lạnh sẵn, nạc thăn 0,5kg, thịt bò ngon 0,6-0,8kg, cá diêu hồng, hoặc cá trắm vài khúc, tôm ngon một ít.

Hãy chia nhỏ thịt cá thành những phần nhỏ theo bữa mà gia đình bạn cần dùng, gói từng phần, từng loại riêng vào túi PE cẩn thận sao cho dịch không bị chảy ra ngoài, để vào hộp có nắp( nếu là hộp có gioăng càng tốt) để tránh lây nhiễm vi khuẩn và lẫn mùi vị rồi cho vào ngăn đá.

Nên nhớ, theo khuyến cáo về bảo quản thực phẩm, các lọai thịt cá tươi sống muốn đảm bảo an toàn trong thời gian dài cần để đông lạnh ngay, càng sớm càng tốt ở nhiệt độ -17, -18oC.

Đối với những ai hay có khách đột xuất có thể chuẩn bị thêm một ít món nguội như giò, xúc xích...Tuy nhiên, không nên mua nhiều vì những món này nếu để ngăn đá chất lượng sẽ mất ngon và khi cần không sử dụng ngay được, còn để ngăn thường với nhiệt độ từ 0 đến - 6oC chỉ đảm bảo chất lượng trong vài ba ngày. Đừng quá tin vào hạn sử dụng mà các nhà sản xuất ghi trên bao bì.

Nhóm rau quả: Hầu hết các lọai rau quả tươi đều bảo quản trong ngăn lạnh, nhiệt độ khuyến cáo từ 0 đến - 6 oC, Tuy nhiên, đối với từng loại rau quả thì nhiệt độ thích hợp sẽ khác nhau. Ví dụ như rau bắp cải, súp lơ, cà rốt, cần tây, hành có thể chịu lạnh hơn các loại rau lá mỏng như xà lách, cải mơ, cải cúc...

Khi để rau vào tủ lạnh cũng rên rửa qua cho sạch, để thật ráo, rồi cho từng loại vào túi giấy (hoặc túi thấm khí dùng bọc rau) riêng, để ở hộc dưới cùng của ngăn lạnh (ngăn rau). Nên nhớ nhẹ tay, vì rau bị dập nát, nhiều nước sẽ sinh ra lượng Ethylen gấp nhiều lần rau khô ráo, nguyên vẹn.

Nhiều thực phẩm khác trong tủ lạnh rất nhạy cảm với loại khí này, thậm chí với một lượng rất ít. Cho dù khí Ethylen không đến nỗi gây độc với người nhưng nếu chúng ta để quá nhiều rau trong một khoảng không quá chật hẹp, chiếc tủ lạnh sẽ như một cái bẫy, phát sinh những vấn đề khác, lượng ethylen nhiều sẽ làm rau "già" nhanh và quá trình thối rữa cũng tăng nhanh.

Các nhóm rau cải, không nên để quá 2 ngày trong tủ lạnh, vì lượng nitrit trong rau bảo quản cũng tăng gấp rất nhiều lần so với rau tươi, không hề có lợi cho sức khỏe.

Nên chăng, chỉ để một ít rau gia vị để tiện sử dụng, làm tăng hương vị các món ăn ngày Tết. Riêng thìa là có thể bảo quản lâu bằng cách rửa sạch, để ráo nước cho vào hộp nhựa kín đưa vào ngăn đá. Khi ăn món canh cá bỏ ra thả vào lúc nước sôi, hương vị vẫn giữ nguyên.

Một điều nữa, các loại quả như chuối, hồng xiêm, cà chua thì phải để chín hoàn toàn hãy cho vào tủ lạnh, vì những quả này khi bị lạnh không thể tiếp tục chín được nữa. Và rõ ràng nếu ăn quả xanh thì không thể có chất lượng dinh dưỡng tốt được, cà chua xanh còn có thể gây ngộ độc.

Thêm một gợi ý nhỏ, hãy chuẩn bị một ít sữa chua trong tủ lạnh ngày Tết. Nghiên cứu gần đây cho thấy sữa chua giúp duy trì cân nặng rất tốt: Canxi đóng vai trò khá lớn ở phản ứng đốt cháy chất béo trong cơ thể và các vi khuẩn thân thiện của sữa chua cũng sẽ giúp chúng ta tiêu hóa tốt hơn.

Sữa chua và các sản phẩm sữa như sữa thanh trùng, phomát... chỉ nên để ngăn lạnh (0 - 6 oC). Một số người vẫn để sữa chua, phomát ngăn đá, tuy vẫn giữ được hương vị đặc trưng nhưng chất lượng sử dụng bị kém đi, phomát sau khi rã đông có thể bị nát vụn, không cắt thành miếng được, sữa bị phân ly ăn kém ngon.

Vệ sinh, quản lý thức ăn trong tủ lạnh

Thường do xử lý cẩu thả vi khuẩn có cơ hội phát triển trong thực phẩm, do đó cần luôn giữ vệ sinh tay, tủ lạnh(cả ngăn đá lẫn ngăn lạnh), cũng như các khay, bát đĩa, túi đựng thực phẩm  sạch sẽ.

Cần đảm bảo qui tắc "ĐƯA VÀO TRƯỚC, DÙNG TRƯỚC", có nghĩa là chúng ta sử dụng những thực phẩm cũ trước, mới sau. Cần theo dõi nhiệt độ của ngăn lạnh và ngăn đông.

Ngăn đông:

- Giữ nhiệt độ đông từ - 17, -18oC trở xuống. Kem có thể thành khối đông đặc

- Sử dụng màng bọc để giữ ẩm

- Thực phẩm bảo quản phụ thuộc vào thời gian an toàn cho thực phẩm đó, gồm cả chất lượng ăn như mùi vị, độ dẻo dai... và cả giá trị dinh dưỡng nữa.

- Phải nhớ số lượng và thời gian bảo quản các loại thực phẩm trong tủ để sử dụng tuần tự.

Ngăn lạnh:

- Luôn đảm bảo nhiệt độ từ 1- 6oC, tránh mở tủ thường xuyên, đặc biệt là khi trời ấm.

- Cần để trong hộp kín hoặc bọc kín để tránh mất mùi hoặc nhiễm mùi (mùi của này sang món khác)

- Các loại thực phẩm sống cần bọc cẩn thận, hoặc để trong hộp để không bị chảy nước nhiễm bẩn sang thực phẩm khác. Nếu lỡ để chảy nước ra tủ cần được lau sạch bằng nước xà phòng ấm hoặc nước khử trùng.

- Các loại thịt chín và thực phẩm thừa cần đậy kín hoặc bọc kĩ để tránh bị khô, toát mùi ra đồ ăn khác.

- Tránh để nhiễm khuẩn chéo từ các thực phẩm khác trong tủ lạnh

- Không nên để tôm còn sống trong tủ lạnh, vì nó sẽ chết và gây nhiễm cho các thực phẩm khác.

Ngày Tết dường như thật khác, vì quá nhiều thứ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng vẫn phải duy trì thói quen ăn uống lành mạnh mà ta đã có công rèn luyện. Bạn nên cố gắng tiếp tục thời gian biểu bình thường của mình. Chính cái tủ lạnh sẽ giúp bạn chủ động hơn, có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn, tận hưởng không khí Tết thoải mái hơn.