Từ Khắc: Từ ấu thơ ở Sài Gòn tới bậc thầy phim võ hiệp Hong Kong

Hạnh phúc được xem phim, cầm máy ảnh thời nhỏ là kim chỉ nam trong sự nghiệp của đạo diễn "Hoàng Phi Hồng".

Sau 40 năm ấp ủ, Từ Khắc gần đây thực hiện phim Thần điêu đại hiệp. Trên Weibo, nhiều khán giả bày tỏ kỳ vọng phim gây tiếng vang lớn như Tiếu ngạo giang hồ do ông sản xuất đầu thập niên 1990. "Liệu Từ Khắc có chuyển thể tiểu thuyết thành thế giới võ hiệp theo cách lý giải của ông? Liệu Từ Khắc có mang đến Dương Quá, Tiểu Long Nữ mới mẻ?", tờ Businesstimes (Trung Quốc) đặt câu hỏi.

Ông thành công với nhiều thể loại phim, trong đó thành tựu lớn ở mảng phim võ thuật, kiếp hiệp. Trong bài diễn thuyết Cuộc đời của tôi, phim của tôi tại một kỳ Liên hoan phim Busan (Hàn Quốc), ông hiếm hoi nói về thời thơ ấu của mình ở Sài Gòn, khẳng định quãng thời gian ở đây là động lực thôi thúc ông làm phim, ảnh hưởng quan trọng tới suốt cuộc đời ông.

"Vui nhất là xem phim, quay phim thời nhỏ"

Từ Khắc sinh năm 1950, trải qua năm tháng tuổi thơ ở Sài Gòn. Ký ức ông còn nguyên vẹn những trò chơi cùng chúng bạn. Cậu bé Từ Khắc hay lêu lổng các con phố, thường tìm cách lẻn vào rạp chiếu bóng. Khi ra ngoài, cậu háo hức kể lại những gì đã xem cho các bạn. Sau này, đạo diễn nhận ra niềm vui được kể chuyện cho người khác là một trong những động lực để ông làm phim.

Khoảng 10 tuổi, Từ Khắc lần đầu chạm vào chiếc máy ảnh, do chủ cửa tiệm gần nhà cho mượn. Cũng người chủ này cho cậu mượn máy quay để thử cảm giác ghi hình. Kể từ lần đầu chạm vào máy ảnh, Từ Khắc nói ông biết mình có hứng thú đặc biệt với công cụ này. "Phát hiện lớn nhất của tôi lúc bấy giờ là máy ảnh có thể biến những thứ mà tôi trông thấy thành một thế giới khác. Hóa ra, tôi có thể tự chọn cho mình cách nhìn đối với thế giới này", nghệ sĩ đề cập trong bài diễn thuyết.

Sở thích khác của Từ Khắc hồi nhỏ là làm ảo thuật. Khi học tiểu học, mỗi lần đến hội diễn cuối kỳ, Từ Khắc đều nhờ thầy cô hướng dẫn làm ảo thuật. Ánh mắt háo hức, ngạc nhiên của các bạn học ở dưới khiến cậu cảm thấy rất hài lòng, mãn nguyện. Từ đó, cậu có suy nghĩ: "Những việc trông có vẻ không thể làm được, thực ra đều có cách làm được".

Năm 16 tuổi, Từ Khắc cùng gia đình chuyển tới Hong Kong sinh sống. Chúng bạn thời thơ ấu mỗi người một phương, chỉ còn Từ Khắc loanh quanh trên phố Hong Kong. Chàng thiếu niên cảm thấy hoang mang với câu hỏi "Sau này mình sẽ trở thành người như thế nào?". Từ Khắc nghĩ bản thân muốn được sống trong những khoảnh khắc vui vẻ nhất của cuộc đời - đó là được xem phim, quay phim thời nhỏ. Từ đó, chàng trai quyết định đi theo con đường điện ảnh.

"Tôi sẽ làm phim với những cảm xúc đầu đời. Tôi muốn mang lên màn ảnh những gì mình từng xem hồi nhỏ và hy vọng khán giả cũng trải nghiệm niềm vui như tôi thuở ấu thơ", ông nói. Bố mẹ Từ Khắc sinh 16 người con, kinh tế eo hẹp, vì thế chàng trai tự học hỏi, tìm kiếm cơ hội thực hiện giấc mơ. Năm 1975, Từ Khắc được học bổng sang Mỹ học về điện ảnh.

Nhà làm phim võ hiệp bậc thầy

Trong vai trò đạo diễn, Từ Khắc có nhiều phim được xếp vào hàng kinh điển của màn ảnh Hong Kong. Khi quay Tân Thục Sơn kiếm hiệp truyện (1983), ông vận dụng máy móc và kỹ thuật mới nhất đương thời. Thập niên 1990, trong vai trò đạo diễn, Từ Khắc làm mưa làm gió phòng vé với loạt phim võ thuật Hoàng Phi Hồng, hợp tác Lý Liên Kiệt. Ông còn là đạo diễn của Đao mã đánHào môn dạ yếnKim ngọc mãn đườngLong môn phi giáp...

Trong vai trò nhà sản xuất, Từ Khắc thành công với Tân Long Môn khách sạnTiếu ngạo giang hồ: Đông Phương Bất BạiThiện nữ u hồn (bản Trương Quốc Vinh - Vương Tổ Hiền), Tân Bến Thượng Hải... Từ Khắc từng làm trái ý nhà văn Kim Dung khi mời Lâm Thanh Hà đóng Đông Phương Bất Bại. Vai diễn này trở thành dấu ấn quan trọng trong sự nghiệp của Lâm Thanh Hà.

Mtime đánh giá Từ Khắc giỏi áp dụng kỹ thuật làm phim mới. Quá trình ông quay phim giúp ích cho việc bồi dưỡng đội ngũ kỹ xảo, góp phần đặt nền móng cho sự phát triển của kỹ thuật làm phim hành động, võ hiệp Hong Kong. Các tác phẩm của Từ Khắc còn thể hiện trí tưởng tượng phong phú, óc hài hước và sức sáng tạo dồi dào.

Cống hiến của Từ Khắc được ghi nhận qua nhiều lần đoạt danh hiệu Đạo diễn xuất sắc ở giải Kim Mã (Đài Loan), Kim Tượng (Hong Kong). Năm 2011, ông đoạt giải Asian Filmmaker of the Year (Nhà làm phim châu Á của năm) tại Liên hoan phim Busan năm 2011. Năm 2017, ông nhận giải Thành tựu trọn đời tại Asian Film Awards.

Theo Theo Vnexpress